Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Không đề xuất nội dung giám sát chuyên đề vào Chương trình giám sát năm 2021 của Quốc hội

Thanh Huyền - 15:33, 22/05/2020

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, ngày 22/5, Quốc hội nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021; Tờ trình về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, năm 2021 là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Quốc hội sẽ tiến hành 03 kỳ họp. Do vậy, việc dự kiến Chương trình giám sát năm 2021 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải được lựa chọn một cách phù hợp, đảm bảo tính khả thi của Chương trình.

Về giám sát chuyên đề, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, căn cứ các quy định của pháp luật, hàng năm, tại kỳ họp giữa năm, Quốc hội xem xét, quyết định chương trình giám sát của năm sau, trong đó bao gồm nội dung giám sát chuyên đề; đối với năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ, Quốc hội tiến hành giám sát 01 chuyên đề tại kỳ họp cuối năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 01 chuyên đề tại phiên họp tháng 9. Tuy nhiên, căn cứ đặc điểm, tình hình đặc thù của năm 2021-năm cuối nhiệm kỳ khóa XIV và đầu nhiệm kỳ khóa XV, sau khi cân nhắc nhiều mặt, để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến báo cáo Quốc hội cho phép không đề xuất nội dung giám sát chuyên đề vào Chương trình giám sát năm 2021 của Quốc hội.

Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến ngày 22/5.
Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến ngày 22/5.


Đối với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong năm 2019, Quốc hội đã xem xét, thông qua 18 luật, 03 nghị quyết và cho ý kiến đối với 10 dự án luật khác; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 03 nghị quyết về điều chỉnh Chương trình năm 2019.

Về điều chỉnh chương trình năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự kiến Chương trình năm 2020 thì tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020), trình Quốc hội thông qua 10 dự án luật, 05 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 06 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020), trình Quốc hội thông qua 06 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 04 dự án luật. Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 01 dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) (dự kiến tháng 8/2020).

Về dự kiến Chương trình năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết sẽ có 04 dự án luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 và theo nguyên tắc sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 11. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV, để tập trung cho công tác nhân sự của bộ máy nhà nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không trình các dự án luật để Quốc hội xem xét. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thông lệ hoạt động, tại kỳ họp giữa năm, Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho năm tiếp theo. Do đó, đề nghị Quốc hội cho bổ sung dự thảo Nghị quyết về Chương trình năm 2022 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV theo quy trình tại một kỳ họp…

Cũng trong ngày 22/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quốc hội cũng thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.