Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

"Dân vận khéo" trong công tác hoà giải ở cơ sở

Minh Thu - 10:28, 10/12/2022

Những năm gần đây, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã có sự gắn kết với công tác dân vận. Là những người gần dân, các hòa giải viên ở cơ sở không chỉ dùng uy tín, đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc mà còn lồng ghép phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, để nâng cao nhận thức pháp luật và xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong Nhân dân.

(CĐ Bộ Tu Pháp) Hoà giải ở cơ sở: Những cánh chim không mỏi
Chị Bùi Thúy Lan (người đứng), công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên trao đổi nghiệp vụ với các thành viên tổ hòa giải thôn Đồng Bông.

Gần gũi, tôn trọng và lắng nghe tâm tự nguyên vọng của người dân

Cẩn thận lật từng trang trong cuốn sổ ghi chép các vụ việc hòa giải trên địa bàn, ông Nguyễn Hữu Tuyển, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ hòa giải phố Nếnh, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên (Bắc Giang) chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi hòa giải thành công 8 vụ, giảm 10 vụ so với năm 2021. Hầu hết vụ việc đều liên quan đến tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình. Người cán bộ hoà giải nếu không biết cách để “dân vận khéo”, thì vụ việc sẽ không được giải quyết dứt điểm, mâu thuẫn sẽ ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương”.

Ông Tuyển nhớ lại vụ tranh chấp đất đai giữa hai hộ là hàng xóm ở khu phố hồi tháng 4 vừa qua. Ban đầu, hai bên căng thẳng, không chịu lắng nghe nhau và nhất quyết đòi làm đơn kiện. Nắm bắt được sự việc, các thành viên tổ hòa giải dành thời gian tìm hiểu nguyên nhân, gặp riêng từng bên để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Tôi cùng các hòa giải viên đã phân tích tình cảm làng xóm, nghĩa tình đồng bào. Từ đó chỉ cho hai bên thấy rõ, diện tích đất tranh chấp không lớn nhưng sự việc phức tạp hơn là do mất bình tĩnh, nóng giận nhất thời. Hiểu ra vấn đề, hai bên đã làm lành, thống nhất phương án khắc phục.

Ở Khu phố 4, phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, với cương vị là Bí thư Chi bộ, bà Bùi Thị Phượng đã có hàng chục năm tham gia công tác hòa giải. Chứng kiến nhiều vụ việc lớn nhỏ xảy ra trên địa bàn, bà Phượng chia sẻ: Kinh nghiệm hòa giải thành công là người cán bộ phải nỗ lực mỗi ngày rèn luyện kỹ năng “dân vận khéo”, sao cho cả lời nói và hành động phải có uy tín thì người dân mới tin và nghe theo. Thấm nhuần tư tưởng đó, bà Phượng đã áp dụng hằng ngày để giúp giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, phát sinh ngay từ cơ sở.

 Nhờ “dân vận khéo”, hòa giải thành công mà giúp tiết kiệm đáng kể được thời gian, công sức, tiền bạc của nhân dân, giảm tải công việc cho các cơ quan tư pháp, giảm bớt gánh nặng chi tiêu từ nguồn ngân sách. Những tranh chấp, bất đồng mới phát sinh tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời, dứt điểm, góp phần củng cố khối đoàn kết từ mỗi khu dân cư, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Là địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, nhiều người dân xã Hoả Lựu, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đã quen với tiếng mẹ đẻ nên còn hạn chế trong việc giao lưu, tiếp nhận các thông tin về chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bởi vậy, tình hình tranh chấp nhỏ trong nội bộ bà đồng bào Khmer vẫn còn xảy ra.

Từ khi “Tổ hòa giải trong đồng bào dân tộc Khmer” được thành lập (năm 2016) tại ấp Thạnh Trung với 6 thành viên, do ông Danh Sol làm Tổ trưởng, đã hòa giải thành 25 trường hợp tranh chấp nhỏ trong đồng bào dân tộc, trong đó có 13 trường hợp Tổ trực tiếp hòa giải tại nơi mới xảy ra sự việc.

Ông Danh Sol (bìa trái) tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con Khmer trên địa bàn
Ông Danh Sol (bìa trái) tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con Khmer trên địa bàn

Ông Danh Sol nhớ lại: “Trong những vụ hòa giải thành công, tôi vẫn nhớ ngày đầu tiên nhận hòa giải trường hợp của bà Thị Phụng, ở ấp Thạnh Trung có đơn tường trình với nội dung cho người con tên là Danh Chanh mượn 5 phân vàng 24K. Bởi vụ này trước đó, đã không ít lần được cán bộ ấp, xã đưa ra hòa giải nhưng đều không thành, rồi chuyển qua cho tôi để tiếp tục hòa giải. Tôi đã chủ động đến gặp gỡ, tâm tình với bà Phụng và người con trai vài lần. Từ đó, tôi mới biết bà Phụng và người con do không hiểu rõ tiếng phổ thông nên nhiều lần cán bộ hòa giải đến hòa giải trước đó đều không thành. Tại cuộc hòa giải do tổ tôi phụ trách, tôi đã giải thích, hoà giải bằng cả hai thứ tiếng Việt và Khmer về tình nghĩa mẹ con. Qua giải thích, bà Phụng và người con thấu hiểu, hàn gắn được tình cảm.

“Chính nhờ biết cách vận dụng khéo léo trong quá trình thực hiện mà ông Sol cùng các thành viên của tổ đã hòa giải thành công”, ông Kim Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Trưởng Khối vận Đảng ủy xã Hỏa Lựu khẳng định và thông tin thêm, bên cạnh hòa giải tốt, tổ hòa giải này còn thường xuyên phối hợp tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Với những kết quả đáng ghi nhận, năm 2021, Tổ hòa giải trong đồng bào dân tộc Khmer” ấp Thạnh Trung được nâng lên thành Tổ tuyên truyền lưu động trên địa bàn xã, có 7 thành viên cũng do ông Danh Sol làm Tổ trưởng. Việc tuyên truyền bằng hai thứ tiếng Việt và Khmer đã giúp bà con dân tộc nắm rõ hơn về các quy định của pháp luật; từ đó, các tranh chấp, khiếu kiện đã được giảm thiểu tối đa. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường.

Củng cố khối đại đoàn kết, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương

Có thể nói, sự gương mẫu, uy tín, nhiệt tình trong công tác hòa giải cơ sở; luôn thâm nhuần tư tưởng “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân; nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin” như ông Nguyễn Hữu Tuyển, bà Bùi Thị Phượng... là những điển hình “dân vận khéo” trong thực hiện hòa giải ở khu dân cư, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

Để nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ hòa giải viên, những năm gần đây, các địa phương trên cả nước đã có nhiều cách làm sáng tạo, như tổ chức thi hòa giải viên giỏi, khuyến khích trao đổi nghiệp vụ, đẩy mạnh “dân vận khéo” trong thực hiện hoà giải ở cơ sở... Nhờ đó, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đi vào nền nếp, thống nhất, hiệu quả; khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống ngày càng văn minh và thượng tôn pháp luật

Hơn 20 năm qua, với sự tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể, chính quyền các địa phương, nhất là chính quyền ở cơ sở, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đến nay, cả nước có khoảng 100.000 tổ hòa giải cơ sở, 600.000 hòa giải viên. 5 năm gần đây, đã có gần 900.000 vụ, việc đã được tiến hành hòa giải, với tỷ lệ hòa giải thành công đạt trên 80%.

 Những con số tuy khô khan, nhưng mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, bởi nó cho thấy, hoà giải không chỉ hàn gắn những xích mích, mâu thuẫn phát sinh, mà còn tăng cường sự hiểu biết, tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, thắt chặt tình cảm, góp phần cho sự bình yên, ổn định và phát triển của xã hội, nhất là ở cơ sở.

Đánh giá về công tác hoà giải ở cơ sở, ông Nguyễn Hoà Bình, Chánh án Toàn án nhân dân Tối cao nhấn mạnh, hòa giải là một thiết chế đa năng, giải quyết hòa thuận tất cả các xung đột trong đời sống, tạo sự đồng thuận, giữ gìn tình đoàn kết trong xã hội. Để hòa giải thành công, không chỉ có hiểu biết pháp luật và chuyên môn sâu, mỗi hòa giải viên cần có tấm lòng nhân ái và thiện tâm. 

Từ thực tiễn, tất cả các vụ án hòa giải thành đều có phương pháp “dân vận khéo”, mà ở trong đó, là phương pháp vận động, đụng chạm đến trái tim, làm thức tỉnh lòng cao thượng, sự vị tha, sẵn sàng chia sẻ, cảm thông của các bên tranh chấp, từ đó có được sự thành công.