Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đa dạng các nghề truyền thống ở Mù Cang Chải

Hoài Dương - 09:56, 14/07/2020

Từ năm 2019 đến nay, nhiều nghề của đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã được công nhận là nghề truyền thống. Việc được công nhận các nghề truyền thống là cơ sở để các cấp chính quyền, đồng bào Mông phát triển được giá trị bản sắc văn hóa, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân.

Nghề dệt thổ cẩm của phụ nữ Mông ở Mù Cang Chải vừa giữ gìn bản sắc văn hóa, vừa góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Nghề dệt thổ cẩm của phụ nữ Mông ở Mù Cang Chải vừa giữ gìn bản sắc văn hóa, vừa góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Năm 2019, nghề dệt thổ cẩm ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha được công nhận là nghề truyền thống. Theo đó, làng nghề được hưởng các chính sách ưu đãi về phát triển ngành nghề truyền thống theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định hiện hành.

Chị Lý Thị Ninh, Tổ trưởng Tổ làng nghề dệt thổ cẩm ở bản Dề Thàng cho biết: “Làng nghề có 35 thành viên, những năm qua, chúng tôi được Trung tâm Nghiên cứu, liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ Craft Link tại Hà Nội hướng dẫn kỹ thuật thêu dệt để tạo thành các sản phẩm đa dạng cung cấp ra thị trường. Các sản phẩm của chúng tôi giờ đã đa dạng hơn, như váy, áo, vỏ gối, khăn quàng, túi, ví... Các sản phẩm hiện không chỉ bán ở trong huyện, tỉnh mà còn được tiêu thụ ở nhiều địa phương khác, như: Hà Giang, Sa Pa (Lào Cai) và xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

“Sản phẩm làm ra đến đâu đều được thu mua đến đấy. Trung bình mỗi tháng, mỗi chị em có thêm thu nhập 6 - 7 triệu đồng. Chị em nào tranh thủ làm lúc rảnh rỗi cũng được 2 - 3 triệu đồng”, chị Lý Thị Ninh vui mừng cho biết.

Tháng 12/2019, nghề rèn, đúc ở các xã Nậm Khắt, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha và Kim Nọi cũng được tỉnh Yên Bái công nhận nghề truyền thống. Là một trong những người được ông cha truyền lại nghề rèn, ông Hờ Chứ Ly, bản Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn cho biết, năm 2016, xã triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Sau một thời gian ngắn, loại hình du lịch này đã phát triển và mang lại hiệu quả. Nhận thấy sản phẩm nông cụ có thể phát triển gắn với du lịch cộng đồng, ông đã quyết định mở xưởng rèn để có thêm thu nhập. Đến nay, thu nhập của gia đình ông đã tăng lên đáng kể, trung bình mỗi tháng có thêm 5 - 6 triệu đồng. Sản phẩm của gia đình ông làm ra (như dao, lưỡi liềm, cuốc, xẻng…) không chỉ bán cho người dân, mà còn bán cho cả khách du lịch.

Bên cạnh các nghề trên, năm 2019, nghề chế tác khèn Mông ở các xã Nậm Khắt, Púng Luông, Mồ Dề; nghề nấu rượu thóc ở bản La Pán Tẩn, xã La Pa Tẩn cũng đã được UBND tỉnh Yên Bái công nhận là nghề truyền thống, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển nghề và nâng cao thu nhập.

Theo ông Sùng A Chua, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mù Cang Chải, việc công nhận nghề truyền thống, làng nghề truyền thống từng bước hình thành các làng nghề truyền thống, qua đó góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, giảm nghèo và còn góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nhất là việc phát huy được hiệu quả của các làng nghề truyền thống gắn với du lịch, ngoài những lợi ích về kinh tế, còn là kênh quảng bá hình ảnh Mù Cang Chải để thu hút đông đảo du khách đến với địa phương.

“Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nghề truyền thống của bà con trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; liên hệ với các doanh nghiệp ngoài huyện tiêu thụ sản phẩm cho Nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng kế hoạch hoạt động của các làng nghề, tu sửa cơ sở vật chất, trang trí khu trưng bày sản phẩm làm điểm thăm quan cho du khách. Vận động Nhân dân tích cực sản xuất các sản phẩm như: Rượu thóc La Pán Tẩn, các mẫu hoa văn thổ cẩm để làm áo, váy, đồ lưu niệm phục vụ khách du lịch, ông Sùng A Chua cho biết.