Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Văn Quan (Lạng Sơn): Giúp người dân yên tâm với nghề truyền thống

Hiền Hồng - 10:48, 14/10/2019

Hỗ trợ nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật; lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể, hỗ trợ xây dựng nhãn mác, logo sản phẩm… đó là cách làm của huyện Văn Quan (Lạng Sơn) trong chiến lược nâng cao giá trị sản phẩm “Cao khô Chợ Bãi”, giúp người dân yên tâm sản xuất nghề thủ công truyền thống.

Bánh phở được đem phơi nắng trước khi cắt thành sợi cao khô.
Bánh phở được đem phơi nắng trước khi cắt thành sợi cao khô.

Nghề sản xuất cao khô Chợ Bãi đã có từ lâu đời. Hiện, dù đã áp dụng tự động hóa một số công đoạn để nâng cao năng suất lao động, song một số công đoạn vẫn phải thực hiện thủ công, nhằm bảo đảm chất lượng.

Bà Vi Thị Thảo, thôn Chợ Bãi 1, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan cho biết: Gạo làm cao khô phải là gạo Bao thai, gạo Đoàn kết hoặc một số loại có giống thuần tại địa phương. Sau khi trải qua các công đoạn ngâm gạo, nghiền gạo thành bột, tráng bánh phở, phơi bánh, làm mềm bánh sau khi phơi và thái đều bánh thành sợi cao khô.

Những sợi cao khô cuộn lại thành một bó hình tròn hai lớp như hai hình tròn đồng tâm, có chiều cao 5 - 5,5cm; đường kính 10 - 11cm, được buộc bằng lạt tre nhỏ. Vì là sản phẩm khô nên dễ bảo quản, đóng gói, thời gian bảo quản có thể đến 6 tháng. Cao khô dễ sử dụng nên thường được sử dụng nhiều trong các bữa ăn.

Theo số liệu thống kế của UBND huyện Văn Quan, hiện toàn xã Yên Phúc có 17 hộ sản xuất cao khô, chủ yếu tập trung tại thôn Chợ Bãi 1. Việc sản xuất cao khô đã góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm tại chỗ và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Tuy nhiên các hộ gia đình đều tự sản xuất cao khô, kinh doanh mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết và chưa có thương hiệu để người tiêu dùng biết và phân biệt với sản phẩm ở địa phương khác.

Để giúp người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất nghề truyền thống, cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế, UBND huyện Văn Quan đã tiến hành làm các thủ tục để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Cao khô Chợ Bãi”.

Ông Hà Văn Thiện, Chủ nhiệm Dự án Xây dựng nhãn hiệu tập thể “Cao khô Chợ Bãi” cho biết: Các cơ quan chức năng đã tiến hành đánh giá cảm quan và thử nghiệm lấy 5 mẫu cao khô, mỗi mẫu 200g. Các mẫu được lấy ngẫu nhiên tại các hộ sản xuất cao khô và được thử nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia. Qua xem xét, phân tích đánh giá, cho thấy cao khô Chợ Bãi đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, không hàn the, không tẩy trắng. Sau khi hoàn tất các thủ tục xây dựng nhãn hiệu tập thể, ngày 30/7/2019 Cục Sở hữu Trí tuệ chính thức công nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Cao khô Chợ Bãi”.

Việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Cao khô Chợ Bãi” sẽ nâng cao được giá trị sản phẩm, mở rộng được thị trường tiêu thụ, tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng. Góp phần nâng cao giá trị kinh tế và tăng thu nhập cho người dân.

Qua xem xét, phân tích đánh giá, cho thấy cao khô Chợ Bãi đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, không hàn the, không tẩy trắng. Sau khi hoàn tất các thủ tục xây dựng nhãn hiệu tập thể, ngày 30/7/2019 Cục Sở hữu Trí tuệ chính thức công nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Cao khô Chợ Bãi”.

Ông Hà Văn Thiện, Chủ nhiệm Dự án Xây dựng nhãn hiệu tập thể “Cao khô Chợ Bãi”