Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Công tác sưu tầm trống đồng cổ ở Điện Biên: Chuyện rất ít người biết

Trương Hữu Thiêm - 19:04, 11/01/2025

Điện Biên là tỉnh miền núi, tận cùng biên giới phía Bắc... hầu hết dân cư là bà con các DTTS. Điện Biên cũng là vùng đất có rất nhiều trống đồng cổ. Để tìm hiểu và lý giải xuất xứ, nguồn gốc cổ vật trống đồng, tôi đã tìm gặp những người trong giới chuyên môn để nghe giải mã “thông điệp” từ cổ vật.

(bài CTV) Công tác sưu tầm trống đồng cổ ở Điện Biên: Chuyện rất ít người biết

Người đầu tiên tôi tìm gặp là bà Trịnh Thị Mai, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Điện Biên - người đã có hàng chục năm tham gia hàng loạt chương trình, dự án liên quan đến di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung, các đề án về khai quật và phát huy giá trị di sản trống đồng cổ nói riêng. Tại thời điểm này (tháng 1/2025), bà Trịnh Thị Mai đã chuyển công tác từ Bảo tàng tỉnh Điện Biên sang đảm nhận cương vị Phó phòng Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Điện Biên).

Bà Trịnh Thị Mai cho biết, lịch sử phát hiện, sưu tầm và khai quật trống đồng cổ ở Điện Biên là cả một câu chuyện rất dài và rất hấp dẫn. Những năm gần đây, nhiều trống đồng cổ được phát hiện trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Đặc biệt, huyện Điện Biên và huyện Mường Ảng là hai địa bàn có nhiều trống đồng cổ được phát hiện.

Bà Mai đưa chúng tôi trở về thời điểm 20 năm về trước. Đó là vào ngày 26/02/2008, trong khi ông Lò Văn Mụ ở bản Co Sáng, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng đào hố để trồng cao su và cà phê trên đồi Pá Ban đã vô tình phát hiện những di vật lạ, sau đó báo cho chính quyền địa phương. Sau khi nhận được tin báo, UBND huyện Mường Ảng đã phối hợp với Công an huyện và Phòng Văn hóa Thông tin cùng chính quyền xã Ẳng Nưa xác minh và tạm giữ 2 chiếc trống đồng, sau đó để chuyển về cho Bảo tàng tỉnh Điện Biên bảo quản, nghiên cứu.

Một trong hai chiếc trống đồng cổ, hiện đang trưng bày tại Phòng Truyền thống, Huyện ủy Mường Ảng, tỉnh Điện Biên.
Một trong hai chiếc trống đồng cổ, hiện đang trưng bày tại Phòng Truyền thống, Huyện ủy Mường Ảng, tỉnh Điện Biên

Theo nhận định ban đầu, đây là trống đồng cổ thuộc nhóm loại H3 theo cách phân loại của Heger (có niên đại vào khoảng thế kỷ XV). Cùng ngày (26/02/2008), Công an huyện Mường Ảng thu giữ 2 chiếc trống đồng từ gia đình ông Lò Văn Nghiêm (trú tại bản Co Sáng, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng) và bàn giao cho Bảo tàng tỉnh bảo quản, xử lý theo thẩm quyền.

Đến ngày 28/02/2008, Công an huyện nhận được tin có người đang đào tìm gì đó tại khu vực đồi Pá Ban, gần vị trí ông Lò Văn Mụ đào được trống đồng. Qua kết quả xác minh tại khu vực đồi Pá Ban, phát hiện 2 hố đất mới bị đào xới. Tại hiện trường có các mảnh vỡ kim loại màu xanh rêu do bị han rỉ, nghi là mảnh vỡ trống đồng, Công an huyện đã phối hợp với xã triển khai công tác điều tra xác minh, phát hiện 6 đối tượng tại bản Co Sáng có hành vi đào trộm trống đồng. Nhờ làm tốt công tác vận động quần chúng, các đối tượng trên đã tự nguyện giao nộp 2 chiếc trống đồng cho Công an huyện.

Tiếp đến, ngày 09/4/2008, nhận được tin báo của quần chúng Nhân dân có 3 đối tượng dùng máy dò kim loại tại khu vực nghi có trống đồng đã phát hiện trước đây, Công an huyện Mường Ảng đã yêu cầu 3 đối tượng về trụ sở để làm rõ và không được tiếp tục dùng máy dò kim loại tại khu vực trên. Tuy nhiên, dư luận của quần chúng Nhân dân cho biết, 3 đối tượng vẫn dùng máy dò kim loại và đã phát hiện, đánh dấu các điểm có trống đồng, với ý đồ nhằm chiếm đoạt cổ vật để tư lợi về cá nhân. Ngày 13/4/2008, nhận được tin báo chính thức của chính quyền xã Ẳng Nưa, Công an huyện Mường Ảng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã kiểm tra tại các điểm nghi có trống đồng và tổ chức đào khẩn cấp 4 hố mà kẻ xấu đã đánh dấu, kết quả thu được 6 chiếc trống đồng cổ. Công an huyện đã lập biên bản và sau đó hoàn tất hồ sơ, bàn giao 6 chiếc trống đồng cho ngành Văn hoá - Thể thao & Du lịch...

Chiếc trống đồng mới được phát hiện tại Điện Biên có trọng lượng khoảng 20kg, cao 49cm, đường kính bề mặt 61cm. Ảnh:
Chiếc trống đồng được phát hiện tại Điện Biên năm 2016 có trọng lượng khoảng 20kg, cao 49cm, đường kính bề mặt 61cm. Ảnh: TL

Ngày 21/01/2016, trong khi làm nương ở gần khe Huổi Hoa (cách bản Pá Ngam 1 khoảng 2km), anh Lò Văn Việt (trú tại bản Pá Ngam 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên) phát hiện chiếc trống đồng cổ nặng khoảng 20kg, cao 49cm, mặt có đường kính 61cm, còn khá nguyên vẹn. Trên bề mặt trống có 4 cụm cóc đơn, nằm phân bố, cách đều 4 góc, hướng ngược chiều kim đồng hồ. Sau đó, gia đình đã nộp chiếc trống cho chính quyền địa phương, lãnh đạo xã Núa Ngam ngay sau đó đã thông báo sự việc với Phòng Di sản (Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên) và chiếc trống được đưa về Bảo tàng tỉnh Điện Biên để bảo quản.

Cổ vật này được lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Điện Biên nhận định, đây là chiếc trống thuộc dòng trống Heger 3 (hay còn gọi là trống Shan) có nguồn gốc từ người Caren đỏ thuộc vùng Đông Bắc Myanmar, niên đại cách đây khoảng 2.000 năm. Tuy nhiên để chứng minh chính xác nguồn gốc, xuất xứ, niên đại của trống cần tiếp tục nghiên cứu những giá trị văn hóa, lịch sử của hiện vật trước khi làm hồ sơ báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Hiện nay, đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn sử dụng nhạc cụ trống, chiêng trong các lễ hội, ngày hội truyền thống
Hiện nay, đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn sử dụng nhạc cụ trống, chiêng trong các lễ hội, ngày hội truyền thống

Tạm dừng câu chuyện với bà Trịnh Thị Mai về “hậu những chiếc trống đồng cổ” ở Mường Ảng, chúng tôi tìm đến bà Dương Thị Chung, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Điện Biên) để tìm hiểu thêm một số thông tin về trống đồng cổ. Bà Dương Thị Chung cho biết, việc khai quật trống đồng sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về lịch sử phát hiện trống đồng, loại hình, chức năng, đặc trưng của trống đồng ở Điện Biên nói riêng và Việt Nam nói chung. Đồng thời cũng đưa ra những tư liệu so sánh về loại hình, chức năng, đặc trưng của trống đồng Điện Biên với những trống đồng phát hiện được ở các vùng khác trong nước. Điểm đặc biệt nhất ở Điên Biên là số lượng trống phát hiện trong lòng đất, tập trung tại địa bàn nhất định là bản Co Sáng, huyện Mường Ảng và bản Nà Hý, huyện Điện Biên. Từ trước đến nay, việc phát hiện trống đồng cổ thường ngẫu nhiên hoặc từ các sưu tập trong Nhân dân. Do vậy, việc đầu tư để tiến hành khai quật trống đồng ở bản Co Sáng và bản Nà Hý là vô cùng ý nghĩa và cần thiết.

Trống đồng - một trong những di sản độc đáo nhất trong hệ thống di vật khảo cổ học Việt Nam, được phát hiện và nghiên cứu trên nhiều địa phương, tập trung nhất ở các tỉnh miền Bắc nước ta. Niên đại của trống kéo dài từ thời đại kim khí đến các triều đại độc lập tự chủ. Hiện đã có nhiều công trình ở Việt Nam và thế giới nghiên cứu về trống đồng, tuy vậy, tỉnh Điện Biên cũng là một trong những địa phương phát hiện và lưu giữ nhiều trống đồng cổ so với các tỉnh thành trong nước. Trong cộng đồng các dân tộc: Khơ Mú, Lô Lô, Cống, Mường... trống đồng là nhạc cụ gõ phổ biến tại các nghi lễ tang ma, cầu cúng thần linh, mùa màng... Thực tế cho thấy những năm qua, trống đồng được phát hiện ở nhiều nơi trong tỉnh Điện Biên, tại các huyện: Mường Nhé, Tuần Giáo, Điện Biên Đông, thị xã Mường Lay, đặc biệt trên địa bàn huyện Điện Biên và huyện Mường Ảng.

Điều chúng tôi “lĩnh hội” được qua các cuộc tiếp xúc với hai cán bộ nghiên cứu liên quan trực tiếp đến di vật kim khí cổ nói chung và trống đồng cổ nói riêng, đó là: Cổ vật là những di sản cực kỳ quý giá cần được bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản cổ vật.

 

Tin cùng chuyên mục
Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng, cơ sở hạ tầng có nhiều khởi sắc… là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An). Trong đó một niềm vui lớn hơn đến từ việc chuyển biến về nhận thức, suy nghĩ của bà con dân bản, khi nơi đây từng "điểm nóng" về tảo hôn thì nay Quế Phong đã thành điểm sáng trong công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết.