Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Công tác đối ngoại với những con số ấn tượng

PV - 11:05, 14/12/2021

Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm, chủ động triển khai và đạt nhiều kết quả quan trọng, tích cực, toàn diện.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh: Hoạt động đối ngoại được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các kênh, góp phần gia tăng hiểu biết, vun đắp tình cảm hữu nghị, củng cố nền tảng bền vững và môi trường chính trị thuận lợi chung cho quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh: Hoạt động đối ngoại được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các kênh, góp phần gia tăng hiểu biết, vun đắp tình cảm hữu nghị, củng cố nền tảng bền vững và môi trường chính trị thuận lợi chung cho quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc diễn ra sáng nay, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày báo cáo về thành tựu trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tập trung vào giai đoạn 5 năm vừa qua (2016 - 2021), từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, xác định phương hướng, nhiệm vụ ưu tiên để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ, nâng tầm quan hệ với các đối tác

Theo Báo cáo, trong giai đoạn 2016-2021, Việt Nam đã xác lập thêm 6 khuôn khổ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện, nâng tổng số quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện lên 30 nước, qua đó, Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với hầu hết các nước có vai trò và vị trí quan trọng trên thế giới. Nhiều nước coi Việt Nam là trọng tâm ưu tiên trong chính sách khu vực.

Kết quả trên tạo cho đất nước ta có vị thế đối ngoại thuận lợi nhất từ trước đến nay, góp phần giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, tranh thủ các nguồn lực để phát triển.

Đảng ta đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước, các đoàn thể, tổ chức nhân dân có quan hệ với hàng nghìn tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài.

Đối ngoại Đảng đã góp phần tạo nền tảng chính trị và định hướng tổng thể cho việc ổn định, mở rộng và thắt chặt quan hệ song phương với các nước và các đối tác, qua đó góp phần làm gia tăng vị thế, uy tín của Đảng ta trên trường quốc tế, nâng cao nhận thức đúng đắn của quốc tế về vai trò lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Hoạt động đối ngoại được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các kênh, góp phần gia tăng hiểu biết, vun đắp tình cảm hữu nghị, củng cố nền tảng bền vững và môi trường chính trị thuận lợi chung cho quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác.

Trong đại dịch COVID-19, Việt Nam đã triển khai quyết liệt, kịp thời và hiệu quả công tác ngoại giao y tế/vaccine trên cả kênh song phương và đa phương. Đến nay, Việt Nam đã nhận được trên 151 triệu liều vaccine, đạt 100% mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch hiệu quả đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Việt Nam cũng đã kịp thời viện trợ vật tư y tế và tài chính cho trên 50 quốc gia và tổ chức quốc tế, qua đó thể hiện rõ vai trò "thành viên có trách nhiệm" trong cộng đồng quốc tế.

Góp phần tạo dựng và duy trì vững chắc môi trường hoà bình, ổn định

Thực hiện đúng phương châm chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI, đối ngoại đã góp phần quan trọng cùng quốc phòng và an ninh thực hiện nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.

Việt Nam đã ký kết và thực thi tốt các Hiệp định quản lý biên giới với Trung Quốc; đã hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới với Lào; ký kết 2 văn kiện công nhận 84% thành quả phân giới cắm mốc với Campuchia.

Đối ngoại cũng đã làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu cho Đảng và Nhà nước góp phần xử lý kịp thời các tình huống phức tạp, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó có đại dịch COVID-19.

Đối ngoại đa phương và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng được đẩy mạnh, thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vai trò, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước.

Với thế và lực gia tăng trên trường quốc tế, chính sách đối ngoại tích cực, chủ động, Việt Nam đã từng bước chuyển từ tham gia tích cực sang chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương ở tầm khu vực và toàn cầu.

Đến nay, Việt Nam đã gia nhập và ký kết hơn 80 điều ước quốc tế đa phương; đã là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu; đã và đang tham gia hiệu quả vào xây dựng Cộng đồng ASEAN, đóng vai trò quan trọng trong củng cố đoàn kết nội khối, đẩy mạnh quan hệ của ASEAN với các đối tác.

Việt Nam tích cực tham gia vào hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc; đảm nhiệm tốt nhiều trọng trách tại các diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng khác; tham gia tích cực các diễn đàn đa phương nhân dân như Diễn đàn Nhân dân ASEAN, các cơ chế hợp tác thanh niên, luật sư, doanh nghiệp...

Hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế của các địa phương cũng có nhiều chuyển biến tích cực với hơn 420 thoả thuận quốc tế trong các lĩnh vực đã được ký kết, phục vụ thiết thực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Báo cáo đánh giá, nhìn chung, các nước đánh giá cao và mong muốn Việt Nam đóng vai trò lớn hơn trong các cơ chế đa phương toàn cầu và khu vực.

Thu hút nguồn lực to lớn từ bên ngoài để phát triển đất nước

Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 224 thị trường và đối tác; 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Với mạng lưới 15 FTA đã ký, Việt Nam là một trong số ít nước tham gia hầu hết các liên kết kinh tế quan trọng, trong đó các thị trường mà Việt Nam có FTA đều tăng trưởng xuất khẩu tốt.

Mạng lưới FTA cũng đưa Việt Nam tham gia sâu hơn và trở thành mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Nhờ liên kết kinh tế sâu rộng, năm 2021, mặc dù kinh tế thế giới rất khó khăn, kim ngạch thương mại của Việt Nam vẫn vượt mốc 600 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài đã ký từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới đến nay đạt khoảng 400 tỷ USD.

Bên cạnh đó, trong mười năm qua, công tác vận động kênh phi chính phủ nước ngoài thu hút viện trợ được 2,85 tỷ USD; các chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ được triển khai ở 63 tỉnh thành cả nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo, giải quyết hậu quả chiến tranh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Ngoại giao văn hoá, bảo hộ công dân được triển khai toàn diện, chủ động

Ngoại giao văn hoá và thông tin đối ngoại góp phần quan trọng nâng cao vị thế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Đề án "Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hoá kiệt xuất" được tích cực triển khai trên toàn thế giới.

Việt Nam đã vận động thành công UNESCO công nhận 44 danh hiệu/di sản (trong đó có 11 di sản trong 5 năm qua), tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của các địa phương, nâng cao hình ảnh và thương hiệu quốc gia.

Công tác bảo hộ công dân được triển khai đồng bộ và hiệu quả, xử lý kịp thời nhiều tình huống, vụ việc khẩn cấp và phức tạp chưa có tiền lệ để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Trong 5 năm qua, đã triển khai công tác bảo hộ đối với trên 50.000 công dân, trên 600 vụ việc/1000 tàu/với gần 10.000 ngư dân; tổ chức trên 700 chuyến bay đưa trên 200.000 công dân về nước an toàn trong đại dịch COVID-19.

Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 và gần đây là Kết luận 12 của Bộ Chính trị; khẳng định rõ chủ trương đại đoàn kết dân tộc, tình cảm, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời phát huy mạnh mẽ nguồn lực của kiều bào.

Cơ chế, chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng được hoàn thiện, nhờ đó đã thu hút lượng lớn nguồn lực của kiều bào cho phát triển đất nước, hỗ trợ doanh nghiệp, trí thức, thanh niên kiều bào khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; tích cực cải thiện địa vị pháp lý cho người Việt Nam ở ngoài nước, tạo thuận lợi cho bà con yên tâm sinh sống, học tập và làm việc ổn định, lâu dài.

Triển khai ngày càng đồng bộ trên tất cả các trụ cột

Công tác đối ngoại luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao; cũng như được sự quan tâm, ủng hộ của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân được triển khai chủ động, tích cực, ngày càng đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, gắn kết ngày càng chặt chẽ.

Nhận thức và tư duy về đối ngoại được nâng cao và không ngừng đổi mới. Cơ chế chính sách về hội nhập quốc tế ngày càng hoàn thiện, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho công tác đối ngoại của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, cũng như cho hoạt động của các cơ quan đại diện nước ngoài.

Nhìn tổng thể, đối ngoại đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng và quản lý thống nhất của Nhà nước, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và hệ thống chính trị, đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ: Phát huy vai trò tiên phong trong giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa; chủ động, tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; huy động nguồn lực to lớn từ bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên thế giới./.

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Ngày 30/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đăk Hà (Kon Tum) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8 năm 2024, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719).