Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chủ tịch nước: Liên Hợp Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại Việt Nam

PV - 22:22, 28/11/2021

Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam ủng hộ Liên Hợp Quốc phát huy vai trò trung tâm trong quản trị toàn cầu, gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy phát triển bền vững, bảo đảm quyền con người.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng Giám đốc Văn phòng Liên Hợp Quốc tại Geneve, bà Tatiana Valovaya. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng Giám đốc Văn phòng Liên Hợp Quốc tại Geneve, bà Tatiana Valovaya. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Theo đặc phái viên, ngày 28/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến thăm trụ sở Văn phòng Liên Hợp Quốc tại Geneva và gặp Tổng Giám đốc Văn phòng Tatiana Valoya.

Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao quan hệ hợp tác nhiều mặt hiệu quả giữa Việt Nam với Liên Hợp Quốc, coi đây là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa.

Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam ủng hộ Liên Hợp Quốc phát huy vai trò trung tâm trong quản trị toàn cầu, gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy phát triển bền vững, bảo đảm quyền con người, ứng phó hiệu quả với các thách thức chung, đặc biệt là các thách thức phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh lương thực; đồng thời nhấn mạnh Việt Nam mong muốn phát triển quan hệ hợp tác toàn diện với Liên Hợp Quốc, trong đó có Văn phòng Liên Hợp Quốc tại Geneva, nhất là trong bối cảnh năm 2022 sẽ kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc.

Về tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết với nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự chung tay đồng lòng của người dân, vào thời điểm này, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đã cơ bản được kiểm soát.

Việt Nam đã chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt để thực hiện mục tiêu vừa phòng chống dịch hiệu quả, bảo đảm an sinh xã hội, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Chủ tịch nước chân thành gửi lời cảm ơn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Cơ chế COVAX và đề nghị các tổ chức Liên Hợp Quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường tiếp cận và triển khai chiến dịch tiêm vaccine, giúp đỡ về vật tư, trang thiết bị y tế cũng như hỗ trợ tư vấn chính sách, kinh nghiệm giúp phục hồi kinh tế-xã hội dài hạn theo hướng xanh, bền vững, tự cường hơn.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Liên Hợp Quốc hợp tác hỗ trợ Việt Nam hoàn thành tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong gần 2 năm qua; cho biết Việt Nam đang triển khai tham gia hiệu quả vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan và sẽ tiếp tục mở rộng địa bàn, lĩnh vực tham gia thời gian tới, trong đó có lực lượng công binh, cảnh sát dân sự ở các Phái bộ Liên Hợp Quốc.

Việt Nam cũng đang tích cực ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 cùng một số cơ quan quan trọng khác của Liên Hợp Quốc để đóng góp nhiều hơn nữa cho công việc của Liên Hợp Quốc.

Chủ tịch nước cho biết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đầu tháng 11 vừa qua, Việt Nam đã đưa ra cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời ủng hộ những tuyên bố và sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, hỗ trợ thích ứng cho các cộng đồng địa phương và giảm thiểu khí methane, đề nghị Liên Hợp Quốc và các đối tác quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết này.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi sổ lưu niệm tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi sổ lưu niệm tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Về phần mình, Tổng Giám đốc Văn phòng Liên Hợp Quốc Tatiana Valoya bày tỏ cảm kích trước những đánh giá tích cực của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về vai trò, đóng góp của Liên Hợp Quốc đối với chủ nghĩa đa phương và quản trị toàn cầu; cho rằng mối quan hệ hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và Việt Nam đang tiếp tục tiến triển về nhiều mặt, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay.

Từ một nước phải nhận viện trợ của Liên Hợp Quốc để khắc phục hậu quả chiến tranh, đến nay Việt Nam đã vươn lên tham gia sâu rộng và có nhiều đóng góp tích cực, trách nhiệm và toàn diện vào các hoạt động của Liên Hợp Quốc, trong đó có Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc cùng các cơ quan của các tổ chức chuyên môn.

Đặc biệt, bà đánh giá cao Việt Nam đã đảm đương xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, với nhiều sáng kiến, đóng góp thiết thực cho các vấn đề toàn cầu.

Bà Tatiana Valoya đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người và thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững, nhấn mạnh Việt Nam là nước đang phát triển nhưng thể hiện vai trò đi đầu và là hình mẫu trong chống biến đổi khí hậu, đồng thời nêu rõ Liên Hợp Quốc luôn coi trọng và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam thúc đẩy các lĩnh vực mà hai bên quan tâm.

Tổng Giám đốc Văn phòng Liên Hợp Quốc cũng nhất trí với của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về sự cần thiết tăng độ bao phủ vaccine ngừa COVID-19 và khẳng định Liên Hợp Quốc sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch, thông qua cơ chế COVAX cung cấp vaccine và thuốc điều trị cũng như hỗ trợ phục hồi sau đại dịch./.