Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Giảm nghèo bền vững

Công phu nghề đóng ghe ngo

Lương Định - 10:01, 10/08/2023

Đời sống văn hóa, xã hội của đồng bào Khmer Nam Bộ luôn gắn liền với rất nhiều lễ hội đặc sắc, trong đó có lễ hội đua ghe ngo được tổ chức vào dịp Ooc Om Bok (Rằm tháng 10 Âm lịch hằng năm). Sự độc đáo của lễ hội này là những chiếc ghe ngo được các nghệ nhân tài hoa đóng và trang trí rất công phu, độc đáo với họa tiết hoa văn rực rỡ, mang đậm màu sắc văn hóa tâm linh.

Lễ hội đua ghe ngo tại Sóc Trăng. (Ảnh T:L)
Lễ hội đua ghe ngo tại Sóc Trăng. (Ảnh T:L)

Thổi hồn và đức tin vào từng chi tiết

Ghe ngo tiếng Khmer gọi là tuk ngô. Nghề đóng ghe ngo và vẽ hoa văn cho ghe ngo rất kén thợ nên số người theo nghề này không nhiều, nghệ nhân giỏi nghề ở miền Tây Nam Bộ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để có được một chiếc ghe ngo vừa bền, đẹp, màu sắc rực rỡ, sinh động, đòi hỏi người nghệ nhân không chỉ có năng khiếu, tay nghề giỏi mà còn cần có tâm với nghề.

Nghệ nhân Danh Vũ, một truyền nhân đời thứ tư trong gia đình nghệ nhân có truyền thống làm nghề đóng ghe ngo nổi tiếng ở tỉnh Kiên Giang (nay sống ở Sóc Trăng) cho biết, quy trình đóng một chiếc ghe ngo phải trải qua nhiều công đoạn rất công phu. Công đoạn quan trọng đầu tiên là lựa chọn gỗ từ những cây sao, tuổi thọ cao càng tốt. Ưu điểm của gỗ sao là đưa xuống nước không bị thấm, có độ đàn hồi rất tốt.

Nghệ nhân Sơn Sà The (Sóc Trăng) đang trang trí hoa văn, họa tiết cho ghe ngo
Nghệ nhân Sơn Sà The (Sóc Trăng) đang trang trí hoa văn, họa tiết cho ghe ngo

Mỗi chiếc ghe ngo thường dài từ 28 - 30m, chở được từ 40 - 60 người, vì vậy phải dùng 5 miếng gỗ sao dài 15m ghép lại thành thân ghe. Hai đầu ghe được làm bằng gỗ sao nguyên khối, mỗi khối dài 7,5m, được đẽo cho nhọn và cong. Phía bên trong thân ghe, các mảnh gỗ này nối với các thanh gỗ cong bằng đinh, vừa tạo thành thân, vừa làm chỗ ngồi cho vận động viên khi đua ghe ngo.

Đặc biệt, để ghe ngo liền khít không bị thấm nước, tất cả các mối nối giữa các mảnh gỗ được các nghệ nhân dùng dây bố khít vào các khe hở rồi dùng búa đóng thật chặt vào trong. Đến công đoạn trét kín, các nghệ nhân dùng bột chay (trét chay) - một loại bột khô mịn trộn với dầu rồi trét khít vào những khe hở để bảo đảm cho thân ghe liền khít, hoàn thành xong công đoạn này, ghe không bao giờ thấm được nước.

Khi ghe ngo được làm xong, nghệ nhân tiếp tục công đoạn làm đòn dong. Thường gọi là “cần câu” gồm 2 cây tràm lớn, mỗi cây dài 10m, được làm từ những cây tràm hàng trăm tuổi tròn và cong. Một cây nằm từ giữa thân ghe ra đầu ghe, còn cây kia nằm ở hướng ngược lại, đây là hai cây “cần câu” có tác dụng giữ nhịp và độ nhún cho ghe ngo trong khi đua. Để đóng một chiếc ghe ngo, cần phải có 3 người (thường là một nghệ nhân chính và 2 người thợ giỏi tay nghề), thực hiện trong vòng hơn một tháng. Mỗi chiếc ghe ngo khi hoàn tất nặng khoảng 4 tấn, trị giá khoảng 200 triệu đồng và đều được bảo quản rất cẩn thận, thiêng liêng trong các ngôi chùa nổi tiếng ở địa phương.

Nghệ nhân Danh Vũ đang gắn mắt (điểm nhãn) cho chiếc ghe ngo
Nghệ nhân Danh Vũ đang gắn mắt (điểm nhãn) cho chiếc ghe ngo

Trang trí ghe ngo theo quan niệm tâm linh

Mỗi chiếc ghe ngo khi được đóng xong đều được các nghệ nhân giỏi tay nghề và am tường về hội họa trang trí hoa văn họa tiết bên ngoài thân ghe. Theo nghệ nhân Danh Ngọc Thành ở xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), vẽ hoa văn cho ghe ngo đòi hỏi nghệ nhân vừa có năng khiếu, sự đam mê, kiên nhẫn tỉ mẩn, vừa am hiểu về hoa văn và quan niệm tâm linh trong văn hóa truyền thống Khmer. Màu sắc dùng để trang trí ghe ngo gồm 5 màu đặc trưng truyền thống, đó là đỏ, xanh, vàng, cam và đen.

Hoa văn họa tiết thực hiện ở phần đầu và đuôi ghe ngo được gọi là “đọt hoa văn” với những hình trang trí hoa, lá cách điệu nhỏ và nhọn. Phần trang trí ở thân ghe ngo được gọi là “lá hoa văn” với những hình hoa, lá to và tròn. Những hoa văn trang trí trên ghe ngo là hoa văn đặc trưng của đồng bào Khmer Nam Bộ. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, nghệ nhân phải có sự sáng tạo, nghĩ ra những nét vẽ đẹp, cân đối, sinh động và khác lạ với những chiếc ghe ngo trước đó. Nhờ vậy, ngoài việc tạo nên vẻ đẹp, sinh khí cho mỗi chiếc ghe ngo, góp phần làm cho lễ hội thêm rực rỡ thì mỗi chiếc ghe ngo thực sự là một tác phẩm nghệ thuật hội họa mang đậm màu sắc tâm linh.

(BÁO IN ĐÃ THÊM ẢNH CHƯA BT CHÚ THÍCH) Công phu nghề đóng ghe ngo 3

Văn hóa tâm linh của ghe ngo được thể hiện trong việc trang trí ghe chính là ở sự chọn các biểu tượng. Với mỗi chiếc ghe có một biểu tượng riêng theo quan niệm truyền thống của từng ngôi chùa. Những linh vật được chọn làm biểu tượng nhiều nhất là hình rồng, lân, rắn thần, cọp, voi… Theo đó, ghe ngo của chùa Bốn Mắt (Sóc Trăng) có biểu tượng là một con chim, chùa Champa (Sóc Trăng) có biểu tượng là con cọp, chùa Ông Mek (Trà Vinh) lấy biểu tượng là con cá nược.

Phía đầu mỗi chiếc ghe ngo đều được trang trí biểu tượng tâm linh khác nhau để thể hiện sức mạnh và sự linh thiêng của từng ghe
Phía đầu mỗi chiếc ghe ngo đều được trang trí biểu tượng tâm linh khác nhau để thể hiện sức mạnh và sự linh thiêng của từng ghe

Nếu ghe ngo mang biểu tượng rắn thần Naga thì họa tiết hoa văn hai bên sườn ghe được thể hiện toát lên hình ảnh của một con rắn. Khi ghe lướt trên sóng nước khiến người xem có cảm giác như xem hình ảnh một con rắn thần linh thiêng đang lướt sóng.

Đặc biệt yếu tố tâm linh được thể hiện rất rõ, đó là ở phần đầu của mỗi chiếc ghe ngo đều được vẽ hai mắt gắn nổi, thể hiện phù hợp với biểu tượng của ghe. Tục vẽ mắt nổi cho ghe ngo chính là chi tiết thể hiện yếu tố tâm linh xuất phát từ quan niệm coi ghe ngo như loài cá, loài rồng, rắn thần cần phải có mắt thấy đường đi. Đây là quan niệm rất giống với tục vẽ mắt (điểm nhãn) cho tàu, thuyền, ghe bầu đã có từ lâu đời ở Nam Bộ.

Yếu tố tâm linh còn thể hiện ở quan niệm coi mỗi chiếc ghe gho đều có một vị thần bảo hộ và tạo nên sức mạnh, sự may mắn, an toàn cho các vận động viên khi tham gia các cuộc đua ghe ngo.

Mỗi chiếc ghe đều được trang trí màu sắc rất rực rỡ, góp phần cho những cuộc đua trong lễ hội thêm sinh động, hấp dẫn
Mỗi chiếc ghe đều được trang trí màu sắc rất rực rỡ, góp phần cho những cuộc đua trong lễ hội thêm sinh động, hấp dẫn

Có thể nói, đối với người Khmer Nam Bộ, mỗi một chiếc ghe gho là một sản phẩm văn hóa tâm linh rất thiêng liêng. Chính vì thế, ghe ngo chỉ được sử dụng vào việc thi đấu trong các lễ hội truyền thống như Ooc Om Bok, Lễ cúng trăng, Lễ hội đua ghe ngo hằng năm được tổ chức vào ngày Rằm tháng 10 (âm lịch). Ghe ngo được coi là vật linh thiêng nên nhất cử, nhất động đều phải cử hành lễ cúng với những nghi lễ riêng, mỗi lễ đều có quy định cụ thể về lễ vật, văn khấn, vị trí đặt, người cử hành, người tham dự. Đó là lễ xin hạ cây làm gỗ đóng ghe, lễ khởi công đóng ghe, lễ khánh thành hoàn tất việc đóng và trang trí ghe, lễ mặc áo cho ghe, lễ đưa ghe lên chùa, lễ hạ thủy ghe...

Tóm lại, đối với đồng bào Khmer Nam Bộ, ghe ngo và dàn nhạc ngũ âm chính là hai tài sản quý giá, độc đáo, thiêng liêng trong đời sống văn hóa tâm linh tín ngưỡng tôn giáo của cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục
Văn Lãng (Lạng Sơn): Học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác giảm nghèo tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương

Văn Lãng (Lạng Sơn): Học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác giảm nghèo tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương

Nhằm trao đổi kinh nghiệm về công tác giảm nghèo, trong các ngày 29-30/11, Đoàn công tác của huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã đến học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác giảm nghèo và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.