Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cồng chiêng và những chiếc áo vỏ cây: Báu vật của người dân Đăk Long

Phạm Nguyên - 17:54, 15/03/2023

Xã biên giới Đăk Long, huyện Đăk Glei (Kon Tum) là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Đồng bào các dân tộc Xơ Đăng, Gié Triêng nơi đây không chỉ nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc mà còn gìn giữ di sản của cha ông như báu vật.

Các nghệ nhân thôn Đăk Ôn tập luyện cồng chiêng, múa xoang
Các nghệ nhân thôn Đăk Ôn tập luyện cồng chiêng, múa xoang

Xã Đăk Long có 9 thôn, làng, trong đó có 8 thôn đồng bào DTTS, chủ yếu là đồng bào Xơ Đăng và Gié Triêng sinh sống. Hiện có 8 thôn, làng lưu giữ được bộ cồng chiêng truyền thống của cộng đồng. Các già làng, nghệ nhân người Gié Triêng, Xơ Đăng đã và đang phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc truyền dạy di sản của cha ông cho thế hệ trẻ.

Già A Phoai là một trong số ít nghệ nhân người Gié Triêng ở thôn Đăk Tu, xã Đăk Long am hiểu về diễn tấu cồng chiêng và các nhạc cụ dân tộc truyền thống. Từ nhiều năm nay, già A Phoai luôn dành ngày Chủ Nhật hằng tuần để truyền dạy lại cồng chiêng cho thế hệ trẻ trong thôn. Thôn Đăk Tu hiện đã có 1 đội cồng chiêng trẻ và múa xoang nhí với khoảng 30 thành viên tham gia. Đội cồng chiêng, múa xoang luôn có mặt trong các lễ hội của địa phương và đi giao lưu với các địa phương khác khi có lễ hội.

(báo in chú phong duyệt) Cồng chiêng và những chiếc áo vỏ cây: Báu vật của người dân Đăk Long 1

Được già A Phoai dạy đánh cồng chiêng, em A Thược, thôn Đăk Tu chia sẻ: “Già A Phoai luôn tận tình chỉ dạy chúng cháu đánh cồng chiêng. Cháu cố gắng học đánh chiêng để nối tiếp truyền thống cha ông và giữ gìn văn hóa cho thế hệ mai sau”.

Từ năm 2021 đến nay, xã Đăk Long đã vận động các đơn vị đứng chân trên địa bàn hỗ trợ mua tặng 2 bộ cồng chiêng cho các thôn, làng. Hiện, 8 thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn xã đều có cồng chiêng và đã thành lập được đội cồng chiêng, múa xoang. Không chỉ phục vụ cho các ngày lễ, hội ở buôn, làng, các nghệ nhân còn được tham gia biểu diễn ở các Ngày hội văn hóa, hội thi do huyện, tỉnh tổ chức”.

Ông Huỳnh Ngọc LyChủ tịch UBND xã Đăk Long

Cùng với việc truyền dạy cồng chiêng ở các thôn, làng, Trường Tiểu học và Trường THCS xã Đăk Long cũng triển khai truyền dạy đánh cồng chiêng, múa xoang cho các em học sinh nhằm góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhờ đó, hầu hết các em học sinh là người DTTS đã biết đánh cồng chiêng và múa xoang.

Em Y Ngỗ (dân tộc Gié Triêng), học sinh lớp 9A, Trường THCS xã Đăk Long bày tỏ: “Được tham gia vào đội cồng chiêng, múa xoang của trường, em hiểu và biết yêu quý hơn bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.

Ngoài di sản văn hóa cồng chiêng, ở xã biên giới Đăk Long còn có một di sản văn hóa quý giá khác được đồng bào nơi đây coi như báu vật, đó là những chiếc áo làm bằng vỏ cây của người Xơ Đăng. Ông A Xen, Bí thư Chi bộ thôn Đăk Ôn, xã Đăk Long hiện đang cất giữ 7 chiếc áo vỏ cây truyền thống của người Xơ Đăng.

Ông A Xen cho biết, áo vỏ cây gọi theo tiếng Xơ Đăng là “kon kơ pong”. Ngày xưa, để làm quần áo bằng vỏ cây, thế hệ cha ông phải vào rừng giáp với biên giới Lào tìm cây loong phoong to cỡ bằng bắp chân. Sau đó, chặt cây thành từng khúc rồi bóc lớp vỏ bên ngoài để lột lấy lớp lụa giữa phần thân cây và vỏ về làm áo. Áo vỏ cây không chỉ để mặc ấm mà còn làm “áo giáp” để chiến đấu chống lại thú dữ trong rừng.

“Tấm áo này chỉ được đồng bào mình mặc, sử dụng trong các nghi lễ trọng đại của dân tộc như mừng nhà rông mới, mừng lúa mới... Trước khi dân làng đem áo ra mặc phải làm lễ tế yàng. Nhờ có các tấm áo này mà khi tham gia lễ hội cồng chiêng tại Kon Tum, làng mình đều giành được các giải thưởng. Nhiều người đến khám phá, quan sát nên mình rất tự hào”, ông A Xen chia sẻ.