Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lễ bỏ mả của người Gia Rai và những giá trị nhân văn

Hồ Xuân Toản - 14:20, 01/03/2023

“Tháng ba, mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước, mùa em đi phát rẫy làm nương”, mùa của buôn làng Tây Nguyên rộn ràng trong tiếng cồng chiêng hòa giữa trời xanh lộng gió. Đó cũng được xem là mùa Tết, mùa lễ hội của các DTTS ở Tây Nguyên nói chung, người Gia Rai ở Gia Lai nói riêng.

Nghệ nhân đẽo tượng nhà mồ (Ảnh: Hồ Anh Tiến)
Nghệ nhân đẽo tượng nhà mồ (Ảnh: Hồ Anh Tiến)

Lễ bỏ mả - Lễ hội của cộng đồng

Người Gia Rai thường tổ chức các lễ hội vào thời điểm giao hòa giữa hai mùa mưa và mùa khô. Đây là thời điểm chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo trong năm và cũng là thời điểm tốt nhất để tổ chức các lễ hội tạ ơn thần linh đã giúp đỡ cho mùa màng bội thu.

Người Gia Rai theo nông lịch. Trong 12 tháng theo lịch của đồng bào thì 10 tháng đầu tiên được gọi bằng số (từ 1 đến 10), còn hai tháng cuối thì có tên riêng lần lượt là tháng Ning Nung và tháng Wor. Tháng Ning Nung có thể xem là tháng săn bắt. Wor nghĩa đen của từ này là “quên”. Chính vì vậy, sau một năm vất vả lo toan, đồng bào thường tổ chức các lễ hội mang dấu ấn đặc trưng của dân tộc để cùng nhau vui chơi, chăm lo đời sống tinh thần và quên đi rìu rựa, quên đi lo toan vất vả đời thường. Trong khoảng thời gian đẹp đẽ ấy, người Gia Rai tổ chức rất nhiều lễ hội: Lễ tạ ơn, Lễ mừng nhà mới, đặc biệt là Lễ bỏ mả - lễ hội văn hóa dân gian nổi trội nhất, hấp dẫn nhất, thu hút đông đảo cộng đồng tham dự.

Lễ hội bỏ mả của người Gia Rai là nghi thức tang ma, nhưng theo quan niệm của người Gia Rai thì đây là ngày hội của toàn cộng đồng. Đến với Lễ bỏ mả, mọi người như hòa vào tiếng nhạc cồng chiêng âm vang trầm hùng và những nhịp điệu của vòng xoang nối liền bất tận. Trong các ngày diễn ra Lễ bỏ mả, tại khu vực nghĩa địa quanh ngôi nhà mả, cồng chiêng hầu như không lúc nào ngưng, mọi người thay nhau ăn uống, nhảy múa. Khi hơi men rượu cần lan tỏa, tiếng nhạc cồng chiêng càng rộn ràng.

Tượng nhà mồ được dựng phục vụ cho Lễ bỏ mả (Ảnh: Hồ Xuân Toản)
Tượng nhà mồ được dựng phục vụ cho Lễ bỏ mả (Ảnh: Hồ Xuân Toản)

Trong buổi lễ, thời khắc náo nhiệt, sống động và sôi nổi nhất có lẽ là khi có nhóm người múa hóa trang xuất hiện. Mọi người đều vui mừng, phấn khởi, người thì mời rượu, người cho thịt, người châm thuốc… Tất cả đều quây quần, nhảy múa trong tiếng trống, tiếng cồng chiêng dồn dập. Người Gia Rai gọi đó là các Bram. Đây là nghi thức được dân làng chờ đợi nhất. Người Gia Rai cho rằng, các Bram là những hồn ma hiền bảo vệ cho người chết khỏi những ma ác, hoặc là hiện thân của những người đã khuất trở về để chung vui với buôn làng xung quanh khu nhà mồ.

Người được chọn làm Bram phải là những thanh niên có sức khỏe, uy tín, khi hóa thân không để cho người khác nhận ra. Nếu bị nhận ra cũng có nghĩa là các Bram không hoàn thành nhiệm vụ và sẽ bị ma bắt. Vì vậy, các Bram luôn được kính trọng, phải có đội cồng chiêng đón rước từ nơi hóa trang đến tận khu nhà mồ. Sau một lúc nhảy múa quanh khắp khu nhà mồ trước sự hoan hỷ của dân làng, các Bram trở về với thực tại, nhưng rượu, lửa, vòng xoang vẫn cứ theo nhịp điệu của cồng chiêng mà trôi đi miên man vô tận.

Đánh cồng chiêng quanh ngôi nhà mồ (Ảnh: Hồ Xuân Toản)
Đánh cồng chiêng quanh ngôi nhà mồ (Ảnh: Hồ Xuân Toản)

Trước, trong và sau lễ bỏ mả của người Gia Rai, tính cộng đồng được thể hiện rõ nét trong từng hoạt động cụ thể. Dưới sự chỉ đạo của già làng, không phân biệt già trẻ, nam nữ, không ai bảo ai mỗi người một việc. Từ việc vào rừng lấy gỗ, làm nhà mồ, tạc tượng chuẩn bị cho buổi lễ đến việc lấy nước, lót lá, thu gom củi, mài dao…

Trong buổi lễ, mọi việc diễn ra răm rắp. Trong những ngày này, khi gia chủ tổ chức lễ hội, chỉ cần thông báo, mọi người trong làng đều đến tham gia. Khi đến, họ mang thức ăn, gạo, heo gà và rượu cần đến góp. Ai góp gì và góp bao nhiêu cũng được, chẳng ai so đo tính toán. Đây cũng là dịp quy tụ nhiều người thuộc nhiều làng, nhiều vùng khác nhau trong cộng đồng người Gia Rai; có thể là mối quan hệ họ hàng, bạn bè, anh em kết nghĩa... 

Ẩm thực của người Gia Rai trong Lễ bỏ mả

Đến với lễ bỏ mả của người Gia Rai là đến với không gian ẩm thực đặc sắc. Đây là bữa ăn có rất đông người tham dự với các món chính như: Cơm lam, thịt nướng, canh và rượu cần.

Rượu ghè được xếp thành hàng tại khu vực diễn ra Lễ bỏ mả (Ảnh: Hồ Xuân Toản)
Rượu ghè được xếp thành hàng tại khu vực diễn ra Lễ bỏ mả (Ảnh: Hồ Xuân Toản)

Cơm lam được sử dụng phổ biến và được coi là món ăn truyền thống, một loại cơm được nấu trong ống nứa, gạo được chọn để nấu cơm lam thường là gạo nếp, khi nấu xong hạt  nóng hổi, dẻo, dậy mùi thơm. Cùng với cơm lam là thịt nướng. Các con vật sau khi làm lễ hiến sinh, dân làng trực tiếp xẻ thịt ngay tại khu vực diễn ra lễ hội. Các miếng thịt được cắt nhỏ, không ướp tẩm gia vị, dùng que nhọn để xiên thành từng xiên và gác lên bếp lửa than đã có sẵn. Hoặc thịt có thể được thái nhỏ gói trong lá chuối rồi vùi vào tro nóng hoặc cho vào ống nứa với muối, ớt để nướng như cơm lam.

Bên cạnh các món nướng, loại thức ăn được làm từ rau, bột cũng là một nét ẩm thực rất đặc trưng. Bột gạo giã quấy chung với các loại rau, thịt tạo thành món canh đặc, đựng trong lá chuối hay lá rừng là một trong những món ăn phổ biến không thể thiếu trong ngày lễ tết của người Gia Rai.

Nhắc đến lễ hội của người Gia Rai, không thể không nhắc đến rượu cần - một loại thức uống mang đậm bản sắc vùng miền. Rượu cần dường như tồn tại hầu hết trong tất cả các lễ hội của người Gia Rai. Rượu cần được xem là thức uống đặc trưng, đại diện trong buổi lễ. Rượu cần được làm từ chính những nguyên liệu có sẵn của núi rừng như gạo, nếp, ngô, kê, sắn... trộn với lá cây rừng ủ thành men. Rượu cần là thức uống ngon, dân dã và là loại thức uống truyền thống duy nhất mà đồng bào Gia Rai sử dụng trong mùa lễ tết của mình.

Đông đảo người dân cùng về dự Lễ bỏ mả (Ảnh: Hồ Xuân Toản)
Đông đảo người dân cùng về dự Lễ bỏ mả (Ảnh: Hồ Xuân Toản)

Trong lễ bỏ mả, rượu cần không chỉ của gia chủ chuẩn bị để thết đãi khách mà rượu được dân làng mang đến cùng vui dự hội. Rượu được xếp quanh nhà mồ hoặc xếp thành những hàng dọc, có lúc lên đến vài chục mét, ghè rượu càng nhiều chứng tỏ lễ hội đó càng lớn, càng có nhiều người đến dự hội. Không phân biệt khách - chủ, già - trẻ, nam - nữ, họ cùng ăn, cùng uống và nhảy múa hòa trong không khí náo nhiệt của lễ hội. 

Giá trị nhân sinh

Mang đậm ý nghĩa nhân văn, lễ bỏ mả ghi dấu sự đoạn giao giữa người sống với người chết. Trong ngày đặc biệt này, người sống sẽ chia của cho các hồn ma để họ có cuộc sống tự lập đầy đủ và không phải thiếu thốn ở thế giới mới. Những vật dụng chia cho người chết như thổ cẩm, ống điếu, gùi, nồi, chén, ghè rượu… được sắp xếp gọn gàng trên nấm mồ cùng với cơm, thịt, nước uống…

Tính nhân văn ấy còn được thể hiện trong điêu khắc tượng mồ. Với trí tưởng tượng cũng như những quan niệm đã có từ lâu, bên cạnh việc phản ánh hiện thực đời sống sinh hoạt hàng ngày vừa gần gũi vừa thân quen, tượng mồ còn mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện được tình cảm thiêng liêng, giản dị của những người đang sống đối với những linh hồn đã khuất về với thế giới bên kia, hàm chứa khát vọng nhân sinh muôn thuở của con người: Vui, buồn, khổ đau, hạnh phúc, hoan lạc... bởi tất cả những cảm xúc ấy không chỉ hiện hữu nơi trần thế, mà ở cả thế giới người đã khuất, những giá trị nhân sinh đó vẫn tiếp diễn.

Khi đất trời Tây Nguyên nhuốm thắm sắc dã quỳ, khi những làn gió thổi dập dềnh trên những đồi cỏ tranh và đám cỏ đuôi chồn vẩy lên chào nắng đẹp, thì cũng là lúc âm thanh trầm hùng của cồng chiêng vang vọng, vòng xoang của người Gia Rai liền nối nhịp để hòa mình vào không gian lễ hội. Hơn ai hết trong khoảnh khắc này, chính cộng đồng người Gia Rai như trải lòng mình thể hiện những tình cảm chân thành và sự kết nối thắm thiết giữa người với người, giữa người với thiên nhiên vạn vật và với các đấng thần linh. Đó chính là ý vị mà chỉ có mùa lễ hội - mùa Tết của người Gia Rai được thể hiện một cách rõ nét nhất.