Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Có một bản Mường đẹp như tranh giữa núi rừng Trà My

Tiêu Dao - Tuấn Tú - 12:17, 03/03/2023

Giữa núi rừng Trà My của tỉnh Quảng Nam, có một bản người Mường no ấm với những mái nhà sàn truyền thống khang trang. Mấy chục năm trước, khi người Mường đến nơi núi rừng heo hút này, chẳng ai nghĩ nơi đây sẽ trở nên ấm no, trù phú như ngày hôm nay.

 Đội cồng chiêng thôn 3, xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam vẫn định kỳ đội tổ chức các buổi sinh hoạt, tập luyện đánh cồng chiêng
Đội cồng chiêng thôn 3, xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My duy trì sinh hoạt định

Những ngày đầu gian khó

Già Bùi Văn Mớp (80 tuổi) vẫn còn nhớ như in khi từ Lạc Sơn (Hòa Bình) đặt chân đến  xã Trà Giang, huyện Trà My (nay là huyện Bắc Trà My), tỉnh Quảng Nam. Thuở ấy, những năm cuối 1980, đầu 1990, nơi đây chỉ là một vùng đất hoang vu, núi rừng bao phủ. Già Mớp thấy khí hậu trong lành, đất đai rộng nên đã chọn dừng chân ở đây rồi bắt tay khai hoang, mở lối đi, dựng nhà. 

Để ổn định cuộc sống, ban ngày, già ra thị trấn làm thuê kiếm tiền, đêm lại băng qua sông trở về tranh thủ khai hoang, trồng trọt. Sau một thời gian ổn định cuộc sống, già Mớp đưa vợ con vào đây lập nghiệp.

Gần 40 năm qua, sự có mặt của người Mường giữa vùng núi rừng bạt ngàn Trà My đã góp phần tạo nên bức tranh đa sắc cho vùng đất này
Gần 40 năm qua, sự có mặt của người Mường giữa vùng núi rừng bạt ngàn Trà My đã góp phần tạo nên bức tranh đa sắc cho vùng đất này

Bà Lê Thị Vụ (79 tuổi) vợ già Mớp, là người Kinh, theo chồng vào đây lập nghiệp. Đã từng là thanh niên xung phong từ lúc 16 tuổi, bà Vụ không ngại khổ cùng chồng dẫn nước về làng, khai phá ruộng vườn để trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế. Và rồi, trời không phụ lòng người, những thành quả sau nhiều năm đã được đền đáp khi những ruộng lúa trĩu bông, những vườn cây trái đơm quả ngọt đã giúp gia đình ông bà có cuộc sống ổn định và ngày càng sung túc.

Cứ thế, khi hay tin vợ chồng già Mớp vào đây lập nghiệp ổn định, đã có rất nhiều người Mường vào theo như gia đình ông Bùi Văn Chìn, ông Bùi Văn Quyên, hay gia đình ông Bùi Văn Tới...  Khi các hộ vào Trà My, già Mớp đều giúp đỡ nhiệt tình, chia cả ruộng đất khai hoang cho bà con canh tác. Chỉ mong cho tất cả mọi người đều no ấm, yên vui. Có lẽ vì điều đó, người trong bản đều trân quý và coi già Mớp là người uy tín của bản.

Suốt hơn 3 thập kỷ qua, giữa núi rừng Trà My trùng điệp này, một bản làng người Mường trù phú, ấm no được hình thành với những ngôi nhà sàn kiên cố nằm ẩn mình dọc theo dòng sông Trường. Đứng trên cầu sông Trường nhìn xuống, bản làng đẹp như tranh vẽ. Thấp thoáng những cánh đồng lúa ngả màu vàng óng và những dải rừng xanh ngút ngàn, ghi đậm dấu chân chinh phục của người Mường.

Những ngày đặc biệt, phụ nữ Mường lại diện trang phục truyền thống
Những ngày đặc biệt, phụ nữ Mường lại diện trang phục truyền thống

Bản Mường no ấm

Người Mường hiện nay sinh sống tập trung ở thôn 3 (thôn 6 cũ, xã Trà Giang), với hơn 140 hộ gia đình. Khi đến định cư ở vùng đất này, cộng đồng người Mường đã mang theo loài cây lát hoa có giá trị cao và trồng trên những cánh rừng Trà Giang. Cây lát hoa đã mang lại nguồn lợi kinh tế cao giúp người Mường ổn định cuộc sống. Hiện nay, nhà ít nhất cũng có vài ngàn cây lát hoa, nhà nhiều lên đến hàng chục ngàn cây, có cây vài người ôm không xuể. Bên cạnh trồng cây lát hoa, thì cây lá tràm cũng là nguồn thu đáng kể của đồng bào. 

Trên quê hương thứ hai, người Mường vẫn bảo tồn gần như nguyên vẹn văn hóa của dân tộc mình. Từ nhà sàn, trang phục truyền thống, bộ chiêng đến những trò chơi dân dân của người Mường và cả tiếng nói cũng vẫn được cộng đồng nơi đây gìn giữ.

Ông Lê Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Trà Giang chia sẻ, cộng đồng người Mường ở đây vẫn giữ được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, góp phần làm phong phú, đa dạng văn hóa của các dân tộc địa phương. Để giúp bà con người Mường duy trì, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, UBND xã Trà Giang đã hỗ trợ 15 triệu đồng, Nhân dân tại đây cũng đóng góp hơn 20 triệu đồng để mua đủ bộ chiêng 12 chiếc. 

Đội cồng chiêng được thành lập với 45 thành viên; định kỳ đội tổ chức các buổi sinh hoạt, tập luyện cồng chiêng, tham gia giao lưu, thi đấu cồng chiêng với với các đội cồng chiêng Ca Dong, Co…; góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch.

Hiện nay, người Mường ở Trà My vẫn bảo tồn gần như nguyên vẹn văn hóa của dân tộc mình.
Hiện nay, người Mường ở Trà My vẫn bảo tồn gần như nguyên vẹn văn hóa của dân tộc mình

Bà Trịnh Thị Hồng Nga - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Bắc Trà My cho biết: Trên địa bàn xã Trà Giang có 15 dân tộc đồng bào anh em sinh sống, riêng ở thôn 3 có 141 hộ người Mường định cư. Những năm qua, huyện Bắc Trà My đã chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn: Hỗ trợ mua sắm nhạc cụ, trang phục, xây dựng lại đội cồng chiêng, tạo điều kiện để bà con biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng, các trò chơi dân gian tại các lễ hội truyền thống của huyện. 

"Huyện khuyến khích bảo tồn những căn nhà sàn truyền thống. Hỗ trợ xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, kết nối điểm du lịch thác Năm Tầng, thác Ông Thực tại làng và các điểm nhà sàn đẹp tại đây, với các điểm du lịch khác. Đó cũng là một hình thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tộc người Mường ở trong vùng", bà Nga cho biết thêm.