Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nho Quan: Đồng bào Mường nỗ lực phát triển kinh tế và gìn giữ bản sắc văn hoá

Quỳnh Trâm - 11:12, 16/01/2023

Nho Quan là huyện miền núi duy nhất của tỉnh Ninh Bình, có 7 xã vùng đồng bào DTTS, nơi tập trung sinh sống chủ yếu của người Mường. Những năm qua, song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, địa phương này cũng tích cực giữ gìn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào DTTS.

Cồng chiêng là văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Mường ở Ninh Bình đã và đang được gìn giữ và phát triển mạnh mẽ
Cồng chiêng là văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Mường ở Ninh Bình đã và đang được gìn giữ và phát triển mạnh mẽ

Với đặc thù là huyện miền núi duy nhất của tỉnh Ninh Bình, huyện Nho Quan những năm qua nhận được sự quan tâm của cấp tỉnh và Trung ương với một số chương trình, dự án chính sách của Đảng và Nhà nước để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và giảm nghèo cho địa phương như: Chương trình 327; Chương trình 135; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới...

Nhờ phát huy hiệu quả các chương trình, chính sách vùng DTTS, các xã trên địa bàn huyện đã có bước phát triển vượt bậc, đời sống người dân ngày một nâng cao. Tại Nho Quan, xuất hiện nhiều mô kinh kinh tế mang lại hiệu quả rõ rệt, như các mô hình kinh tế rừng, chăn nuôi gia súc…giúp người dân thoát nghèo bền vững. Đến nay, mức thu bình quân đầu người trên địa bàn các xã vùng cao đạt gần 60 triệu đồng/người/năm.

Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho đồng bào DTTS, huyện Nho Quan cũng tích cực tham gia bảo tồn văn hoá truyền thống.

Ông Bùi Văn Tăng, Phó trưởng phòng Dân tộc, huyện Nho Quan cho biết: Hàng năm, huyện tiến hành hành khảo sát, rà soát, đánh giá thực trạng văn hoá của đồng bào DTTS tại các làng, bản trên địa bàn để có phương án bảo tồn cụ thể. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ để họ hiểu và tôn trọng bản sắc văn hoá dân tộc mình, có ý thức giữ gìn và phát huy.

Các phong trào thi đua “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, khu phố văn hóa lan tỏa mạnh mẽ đã cổ vũ, khuyến khích, thay đổi nhận thức của Nhân dân vùng đồng bào DTTS, góp phần xây dựng nếp sống ngày càng văn minh, tiến bộ.

Đặc biệt, để bảo tồn giá trị văn hoá phi vật thể của đồng bào dân tộc Mường, huyện đã xây dựng Đề án “bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Mường”; Đề án “Bảo tồn văn hoá cồng chiêng dân tộc Mường”.

Từ năm 2017, huyện đã tổ chức Ngày hội văn hoá, thể thao các dân tộc. Qua đó, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc giao lưu, trao đổi và học tập kinh nghiệm, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc, phát huy mô hình sinh hoạt văn hoá cộng đồng, tạo sự lan toả để tuyên truyền, quảng bá gắn với bảo tồn các nét đẹp văn hoá của đồng bào DTTS trên địa bàn, từng bước hình thành các sản phẩm du lịch.

Người Mường ở Nho Quan sử dụng trang phục truyền thống khi tham gia các hoạt động cộng đồng
Người Mường ở Nho Quan sử dụng trang phục truyền thống khi tham gia các hoạt động cộng đồng

Công tác xây dựng đời sống văn hoá cho đồng bào vùng DTTS được tích cực triển khai. Hạ tầng thiết chế văn hoá được đầu tư xây dựng. Cụ thể: huyện đã đầu tư xây dựng 2 nhà sàn là không gian sinh hoạt văn hoá cho đồng bào dân tộc Mường ở bản Xanh (xã Kỳ Phú), bản Đồng Trung (xã Quảng Lạc); sửa chữa, phục dựng lại nhà sàn truyền thống, đưa vào sử dụng làm nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng của đồng bào dân tộc Mường ở thôn Nga II, thôn Đồng Bót (xã Cúc Phương)…

Giờ đây, chính người dân cũng tự nâng cao ý thức gìn giữ và bảo tồn văn hoá truyền thống dân tộc. Vào các dịp lễ hội truyền thống của địa phương, người dân tộc Mường ở Nho Quan sử dụng trang phục truyền thống khi tham gia các hoạt động cộng đồng. Huyện Nho Quan cũng đã thành lập 7 CLB văn hoá, văn nghệ dân tộc Mường như: CLB hát Sắc Búa, CLB hát Giao duyên tiếng Mường, CLB hát Đúm văn hoá dân tộc Mường. Các lễ hội truyền thống được duy trì hàng năm như: Lễ hội đầu xuân, Lễ Khai hạ…

Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Tăng, hiện nay công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá DTTS còn có những khó khăn do nguồn lực đầu tư còn hạn chế; đa số nghệ nhân tuổi đã cao, việc tổ chức truyền dạy các loại hình văn hoá truyền thống chưa được bài bản, không có sách vở ghi chép chính thống, lưu truyền chủ yếu bằng truyền miệng…

Để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn, thời gian tới, Nho Quan sẽ tập trung huy động nguồn lực tài chính, nhất là nguồn xã hội hoá, khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo tồn văn hoá gắn với phát triển du lịch cộng đồng. 

Đồng thời, tập trung triển khai xây dựng Đề án “Bảo tồn, khôi phục và giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn”.