Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cơ hội nâng cao giá trị cho giống lúa đặc sản của đồng bào Thái

Hà Anh - 16:35, 03/10/2022

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai mô hình "Sản xuất lúa bản địa phục vụ phát triển sản phẩm OCOP tại một số tỉnh miền núi phía Bắc". Trong đó, tại xã Tà Hừa, huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu), mô hình này áp dụng với giống lúa Tan Pỏm – giống lúa đặc sản của đồng bào Thái của địa phương, mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho người dân.

Đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và ngành chức năng địa phương kiểm tra mô hình lúa Tan Pỏm tại xã Tà Hừa
Đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và ngành chức năng địa phương kiểm tra mô hình lúa Tan Pỏm tại xã Tà Hừa

Nếp Tan Pỏm là giống lúa đặc sản, "báu vật" của đồng bào người Thái, trải qua nhiều thế hệ người Thái giống lúa này vẫn đang được đồng bào nơi đây canh tác, bảo tồn. Nếp Tan Pỏm được chia thành hai loại là Tan đỏ và Tan trắng, nhưng chúng đều có một đặc trưng không thể lẫn với giống lúa nào khác, đó là hạt tròn, màu trắng ngà, mẩy đều, cho chất cơm dẻo, rất thơm, vị ngọt, giàu chất dinh dưỡng.

Tuy nhiên, dù biết đây là giống lúa quý nhưng trước đây, bà con chỉ trồng để phục vụ nhu cầu ngày Tết và những ngày lễ quan trọng. Việc trồng nhỏ lẻ manh mún, dùng trong gia đình là chính nên năng suất và hiệu quả kinh tế của nếp Tan Pỏm không cao. Do đó, mô hình này không chỉ chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến, thu hoạch, bảo quản, chế biến giống lúa đặc sản của người dân địa phương mà còn mở ra cơ hội giúp người dân khai thác lợi thế, tạo ra sản phẩm đặc trưng, nâng cao giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế.

Cụ thể, vụ mùa năm 2022 vừa qua, dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, mô hình sản xuất giống lúa Tan Pỏm được thực hiện với quy mô 20ha tại xã Tà Hừa. Đây là giống lúa bản địa được lựa chọn xây dựng mô hình đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, có năng suất, chất lượng cao. Tham gia dự án có 124 hộ dân, Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 70% giống, được cấp giống đầy đủ, đúng định mức, quy định, phù hợp với quy trình kỹ thuật và đúng thời gian.

Anh Tòng Văn Hom, xã Tà Hừa, một trong những hộ dân tham gia mô hình sản xuất lúa Tan Pỏm do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ chia sẻ: Được tham gia mô hình, tiếp thu được kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho giống lúa, bà con chúng tôi rất phấn khởi. Đặc biệt, khi tham gia mô hình, việc tiêu thụ sản phẩm cũng được hỗ trợ nên ai cũng yên tâm sản xuất.

Theo đó, dự án đã liên kết với Hợp tác xã Thanh Xuân chịu trách nhiệm thống nhất lựa chọn giống, lập kế hoạch sản xuất, tiếp nhận hỗ trợ của dự án, cung cấp các dịch vụ nông nghiệp, quản lý sản xuất với từng thành viên, chịu trách nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm và tiêu thụ đầu ra sản phẩm lúa gạo nếp Tan Pỏm của mô hình.

Điều phấn khởi là, mô hình triển khai rất thuận lợi. TS. Nguyễn Văn Chinh, Chủ nhiệm dự án (Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc) cho biết: Qua đánh giá trên thực địa vừa qua, lúa nếp Tan Pỏm sinh trưởng phát triển tốt, sạch sâu bệnh. Có được kết quả này là do khâu kiểm tra đánh giá và tuyên truyền cho bà con phòng trừ bệnh kịp thời, đúng thời điểm.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh trao đổi kinh nghiệm sản xuất cùng người dân tham gia mô hình
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh trao đổi kinh nghiệm sản xuất cùng người dân tham gia mô hình

Dự kiến, năng suất mô hình lúa vụ này đạt trên 50 tạ/ha, với giá bán trung bình từ 14.000 - 17.000 đồng/kg, doanh thu từ bán lúa đạt từ 64,6 - 72 triệu đồng/ha, lãi thuần đạt từ 45 - 52 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế tăng trên 15% so với ngoài mô hình.

Chia sẻ về kỳ vọng đối với mô hình chuyển giao kỹ thuật và nâng cao giá trị giống lúa Tan Pỏm của địa phương, ông Nguyễn Văn Thăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên nói: Tan Pỏm là một trong nhiều giống lúa quý của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện cũng như tỉnh Lai Châu. Vì vậy, thời gian qua huyện cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của giống lúa đặc sản này. Nay, với sự hỗ trợ trực tiếp của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tin tưởng rằng mô hình sẽ đem lại hiệu quả thiết thực góp phần nâng cao giá trị của giống lúa, mở ra cơ hội phát triển kinh tế hiệu quả cho người dân nơi đây.

Mới đây, tại buổi thực tế kiểm tra mô hình, Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia lưu ý người dân, trong quy trình canh tác phải nâng cao sự đồng đều, đặc biệt, vấn đề ý thức của bà con trong vấn đề liên kết "cùng nhau bàn, cùng nhau làm ăn". Ông cũng đề nghị HTX Thanh Xuân phải cùng chịu trách nhiệm và chia sẻ lợi nhuận với bà con, có như vậy, mô hình mới thực sự phát huy hiệu quả bền vững…