Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp tuần hoàn

Văn Hoa - 11:00, 16/03/2022

Chiều ngày 15/3, Đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông quốc gia do bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm làm Trưởng đoàn đã có buổi khảo sát các mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn tại Hà Nam.

Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham quan khảo sát mô hình nông nghiệp tuần hoàn
Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham quan khảo sát mô hình nông nghiệp tuần hoàn

Trong buổi khảo sát, Đoàn công tác đã thực hiện khảo sát 2 mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn tiêu biểu của tỉnh Hà Nam. Trong đó, Đoàn đánh giá cao hiệu quả phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn của hộ gia đình ông Đặng Xuân Nam ở xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân.

Theo ông Đặng Xuân Nam, hiện tại gia đình đang phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn với diện tích hơn 30 ha. Theo đó, từ chăn nuôi bò sữa, gia đình đã tận dụng phân, nước thải của bò để trồng cỏ, nuôi giun quế, trồng cây húng chiết tinh dầu. Xác cây húng, cây cỏ già sẽ được ủ phân vi sinh bón đất, giúp đất tơi xốp hơn. Bên cạnh đó, gia đình còn trồng thêm cây ăn quả, cây chuối, dịp cuối năm cũng trồng thêm hoa cải để phát triển du lịch nông nghiệp, đem lại thu nhập đáng kể. Theo ông Nam, từ khi áp dụng mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ rệt.

Người dân sử dụng phân hữu cơ trước khi gieo trồng
Người dân sử dụng phân hữu cơ trước khi gieo trồng

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hà Nam thông tin, phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, hiểu đơn giản là sản xuất nông nghiệp không có rác thải, giúp người nông dân giảm chi phí và đặc biệt giúp cải tạo đất.

Ông Hùng nhấn mạnh: "Hiện nay Hà Nam đang đẩy mạnh mô hình sản xuất thủy sản theo mô hình sông trong ao. Toàn bộ lượng phân của cá được thu gom và đưa lên để tưới rau, cũng như tưới cây trên bờ, mô hình này sẽ được khép kín, có nghĩa là nó sẽ không làm ô nhiễm môi trường nước. Chúng tôi quan tâm đến các mô hình trang trại kinh tế lớn, các hộ tích tụ ruộng đất 5 - 10 ha đến vài chục ha sẽ áp dụng mô hình này, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người dân".

Ông Hùng cho biết thêm, Sở NN&PTNT Hà Nam giao Trung tâm Khuyến nông Hà Nam và Trung tâm Nông nghiệp của các huyện tham gia quá trình tập huấn, hướng dẫn cho nông dân hoặc các hộ trang trại và tổ chức các hội nghị tham quan đầu bờ để nông dân học tập lẫn nhau. Chính vì vậy, trong thời gian qua, có rất nhiều hộ tham gia. Có những hộ có diện tích tới vài chục ha.

Xác thực vật sau khi chiết tinh dầu được ủ làm phân vi sinh và được đem đi bón cây
Xác thực vật sau khi chiết tinh dầu được ủ làm phân vi sinh và được đem đi bón cây

Sau khi thăm quan các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hạ Thúy Hạnh đánh giá, mô hình nông nghiệp tuần hoàn ở Hà Nam là một trong những mô hình hiệu quả, phù hợp với các quy mô chăn nuôi khác nhau và quan trọng hơn cả là chủ trang trại đã thay đổi nhận thức canh tác. Có thể thấy rằng, phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, giúp người dân chủ động hơn, không mất nhiều chi phí để mua phân bón vô cơ, giúp cải tạo đất, cải tạo môi trường…

Bà Hạnh nhấn mạnh, nếu áp dụng mô hình này thì sẽ rất tốt cho môi trường các địa phương miền núi. Tuy nhiên, tùy từng quy mô khác nhau thì sẽ sử dụng các công nghệ khác nhau và trong quá trình triển khai, áp dụng thì cần có sự hỗ trợ của các cán bộ khuyến nông tại chỗ, tư vấn cho người dân nên sử dụng giải pháp nào, sử dụng các loại chế phẩm sinh học nào cho phù hợp; đồng thời cần tăng cường thông tin tuyên truyền với người dân./.