Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thanh Hóa: Hội thảo phát triển sản xuất cây gai xanh làm nguyên liệu cho ngành Dệt may

Quỳnh Trâm - 10:17, 07/05/2022

Ngày 6/5, tại huyện Cẩm Thủy, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa và Tập đoàn An Phước đã phối hợp tổ chức Hội thảo phát triển sản xuất cây gai xanh làm nguyên liệu chế biến sợi, phục vụ ngành Dệt may tại một số tỉnh phía Bắc.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã hình thành vùng nguyên liệu cây gai xanh, với tổng diện tích đã trồng đạt 703 ha, dự kiến từ năm 2023 trở đi hàng năm tăng thêm 1.500 ha, đến năm 2025 đạt khoảng 6.500 ha, bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ Nhà máy Dệt sợi An Phước

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, Hội thảo là cơ hội cho tỉnh Thanh Hóa cùng với các địa phương đang phát triển cây gai xanh nguyên liệu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để có định hướng, giải pháp phát triển cây gai xanh góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Nhận thấy, giá trị của cây gai xanh làm nguyên liệu phục vụ Nhà máy sợi Dệt An Phước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo phát triển mở rộng diện tích trồng gai bằng những chủ trương, chính sách cụ thể, như: Phê duyệt đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh tại Quyết định 1484/QĐ-UBND, ngày 24/4/2018 với tổng quy mô 6.457 ha tại 18/27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; HĐND tỉnh đã ban hành 2 nghị quyết (số 385/2021/NQ-HĐND và số 116/2021/NQ-HĐND) về chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh nguyên liệu.

Gần đây nhất, ngày 6/4/2022 UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị bàn các giải pháp phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh.

Việc tổ chức hội thảo phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh là cơ hội để tỉnh Thanh Hóa được chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức khoa học - kỹ thuật, phương pháp tổ chức sản xuất; giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, nông dân có định hướng, giải pháp hiệu quả trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra đối với phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh, cũng như phát triển nông nghiệp nói chung, mang lại đời sống tốt hơn cho Nhân dân, xây dựng nên nông nghiệp hiện đại.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cùng các đại biểu thăm vùng sản xuất cây gai xanh nguyên liệu tại xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy)
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cùng các đại biểu thăm vùng sản xuất cây gai xanh nguyên liệu tại xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy)

Tại hội thảo, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã trình bày tham luận xây dựng chuỗi giá trị phát triển sản xuất cây gai xanh phục vụ ngành dệt truyền thống. Đại diện các Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình trình bày các tham luận thực trạng và định hướng phát triển cây gai xanh làm nguyên liệu sợi dệt tại các địa phương. Đại diện Công ty CP Nông nghiệp An Phước - Viramiet trình bày tham luận phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ ngành Công nghiệp diệt may và cơ hội cho người nông dân; đồng thời giới thiệu giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cây gai xanh; thông tin một số giống gai phổ biến trong sản xuất…

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cùng đoàn công tác thăm khu sản xuất giống cây gai xanh của Công ty CP Nông nghiệp An Phước - Viramiet
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cùng đoàn công tác thăm khu sản xuất giống cây gai xanh của Công ty CP Nông nghiệp An Phước - Viramiet

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định, cây gai xanh là cây trồng mới, có hiệu quả kinh tế. Đồng thời, tiếp thu các ý kiến tham luận trong hội thảo để Bộ NN&PTNT có định hướng phát triển vùng nguyên liệu ở các địa phương trong thời gian tới.

Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Nhà máy sợi dệt An Phước xây dựng đề án phát triển cây gai xanh nguyên liệu để hỗ trợ cho các tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu của nhà máy. Đồng thời, phối hợp với tỉnh Thanh Hóa xây dựng thí điểm mô hình HTX dịch vụ và mô hình sản xuất áp dựng cơ giới hóa đồng bộ theo hướng làm dịch vụ. Nghiên cứu với các địa phương xây dựng các sản phẩm OCOP làm từ nguyên liệu cây gai xanh...