Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cô gái Gia Rai đầu tiên đưa mô hình trồng nấm sạch về làng

Ksor H’Yuên - 16:06, 25/10/2021

Từ quyết tâm không cam chịu đói nghèo và làm việc gì đó giúp ích cho chính những người xung quang, Ksor H'Nhi, dân tộc Gia Rai ở buôn Rưng Ma Nin, xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai đã nhiều lần đến Công ty Cổ phần đầu tư phát triển xanh bền vững Fargreen Việt Nam ở Hà Nội để học cách trồng nấm sạch. Sau 3 năm triển khai, đến nay mô hình đã từng bước khẳng định chất lượng, thu hút sự tham gia, hưởng ứng của hội viên nông dân, góp phần gây dựng sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.

Ksor H'Nhi giới thiệu mô hình nấm sò đang sinh trưởng tốt
Ksor H'Nhi giới thiệu mô hình nấm sò đang sinh trưởng tốt

Thất bại không bỏ cuộc

Vốn xuất thân từ gia đình làm nông nên H’Nhi thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân từ khi trồng đến thu hoạch, giá nông sản lại bấp bênh, thu nhập không ổn định bởi điệp khúc “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”. Trong khi nhiều việc phải chi tiêu, lại thêm cảnh con đau bệnh phải chữa trị hết sức tốn kém nhưng bản thân không có thu nhập ổn định nên H’Nhi đã quyết tâm tìm hiểu mô hình nuôi dế, trồng nấm để cải thiện cuộc sống.

Qua tìm hiểu trên mạng Internet và những lần đưa con khám bệnh tại Hà Nội, nghe nhiều người nhắc đến mô hình trồng nấm sạch của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển xanh bền vững Fargreen Việt Nam, H’Nhi đã chủ động liên hệ với Công ty và xin phép được tham quan, học hỏi mô hình. Ngay sau khi Công ty chấp thuận, H’Nhi ra thủ đô Hà Nội để tìm hiểu kỹ hơn về mô hình rồi về áp dụng tại địa phương.

Cái mới luôn thử thách lòng người, những mẻ nấm đầu tiên của H’Nhi không như mong đợi, khi thì nấm không mọc, có khi mọc lên rồi lại bị bệnh. Không nản chí, H’Nhi tiếp tục tìm đến Công ty học kỹ hơn về kỹ thuật trồng nấm. Từ cuối năm 2018 đến năm 2019, H’Nhi phải ra vào Hà Nội tới 3 lần để học cho thạo nghề. Nhận thấy sự quyết tâm của cô gái Gia Rai, Công ty đã cử kỹ thuật viên xuống tận buôn Rưng Ma Nin để trực tiếp hướng dẫn cho H’Nhi trồng nấm. Những mẻ nấm sau này đã thành công như mong đợi.

Hiện tại, H’Nhi trồng cả hai loại nấm là nấm sò và nấm rơm trên diện tích hơn 200 mét vuông. So với nấm sò, việc trồng nấm rơm thuận lợi hơn bởi phù hợp với khí hậu nóng ẩm và trồng ngoài trời, đặc biệt tận dụng tối đa nguồn rơm sẵn có tại địa phương. Theo H’Nhi, trồng nấm rơm cần lưu ý đến quy trình rửa rơm kỹ bằng nước vôi để tránh mầm bệnh, sau đó tiến hành ủ rơm trong vòng 12 ngày. Tùy theo độ cứng mềm mà thao tác đảo rơm có thể dao động trong khoảng từ 3 đến 4 lần/ngày.

Càng làm, càng thạo nghề. Mẻ nấm trong năm 2021 cũng là mẻ nấm thứ ba của H’Nhi đang cho kết quả khả quan. Hiện tại, mỗi ngày H’Nhi thu hoạch được 6 đến 7kg nấm, với 5 luống rơm có thể cho thu hoạch từ 3 đến 4 đợt, mỗi đợt thu hoạch hơn 13kg, tổng thu 4 đợt hơn 40 kg nấm rơm. 

Còn đối với nấm sò, thời gian thu hoạch ít hơn với 3 đợt, nhưng tổng thu 3 đợt nhỉnh hơn với 50kg nấm. Khách hàng chủ yếu của H’Nhi là các hộ dân trong làng, các xã lân cận với giá bán 100 ngàn đồng/kg nấm rơm, 60 ngàn đồng/kg nấm sò. 

Còn nấm khô được H’Nhi phơi đóng gói bán cho Công ty FarGreen với giá hấp dẫn, 950 ngàn đồng/kg nấm rơm và 450 ngàn đồng/kg nấm sò. Hằng tháng, sau khi trừ chi phí, H’Nhi thu lợi khoảng 4 đến 5 triệu đồng. “Điều khiến mình tự hào chính là đã triển khai thành công mô hình trồng nấm sạch đầu tiên tại làng, sản phẩm an toàn góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ra với việc trồng nấm, mình đã cải thiện nhu cầu về thu nhập hằng tháng tạm đủ lo cho con cái học hành, chữa bệnh”, H’Nhi chia sẻ.

Mô hình được nhân rộng

Nhận thấy mô hình trồng nấm của H’Nhi triển khai hiệu quả, nhiều tiềm năng nhân rộng ở các hộ dân, UBND xã Ia Rbol, trực tiếp là Đoàn Thanh niên và HTX Thống Nhất xã Ia Rbol đã kết nối với H’Nhi triển khai nhân rộng trong các hộ dân có nhu cầu. Tính đến nay, đã có 10 hộ dân tham gia tổ liên kết trồng nấm. Không chỉ được trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm, các hộ còn được H’Nhi kết nối với Công ty nhận bao tiêu sản phẩm, nên hoàn toàn yên tâm sản xuất và mở rộng quy mô.

Ksor H'Nhi theo dõi quá trình sinh trưởng nấm rơm tại vườn nhà
Ksor H'Nhi theo dõi quá trình sinh trưởng nấm rơm tại vườn nhà

Là một trong những hộ tiên phong tham gia mô hình, chị Nay H’Noer trú tại buôn Rưng Ma Nin chia sẻ: “Hiện tại, gia đình mình đang triển khai tốt 6 luống trồng nấm rơm dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của bạn H’Nhi. Mỗi tháng trừ chi phí, mình thu lợi được 1,5 đến 2 triệu đồng, giúp trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày. Thời gian tới, mình sẽ tiếp tục trồng nấm sò để tăng thêm thu nhập cho gia đình”.

Thể hiện sự đồng hành của chính quyền địa phương với người dân trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới mục tiêu xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương, UBND xã Ia Rbol đã hỗ trợ 2 phòng học cũ, hơn 200 mét vuông đất trống để giúp các hộ dân trong tổ liên kết trồng nấm trưng dụng để mở rộng mô hình trồng nấm, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

“Cùng với việc ra mắt tổ liên kết trồng nấm với 10 hộ tham gia, trong năm 2022, Đoàn Thanh niên xã đang phấn đấu có thêm 20 hộ thành viên tham gia vào mô hình trồng nấm tại địa phương nhằm tăng thêm thu nhập cho bà con. Đặc biệt là các hộ thanh niên trong quá trình tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp”, chị Rcom Bình Nguyên-Bí thư Đoàn xã Ia Rbol cho biết.