Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cô gái dân tộc Mông giúp đồng bào làm giàu từ thổ cẩm dân tộc

Thuý Hồng- Hồng Phúc - 09:27, 25/12/2022

Từ nhỏ được tiếp xúc với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của bà, của mẹ, cô gái dân tộc Mông Tráng Thị Cầu, ở xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đã tìm tòi, sáng tạo trong nghề để biến sản phẩm thổ cẩm dân tộc mình trở thành hàng hóa giúp gia đình và bà con trong xã phát triển kinh tế.

Chị Tráng Thị Cầu bên các sản phẩm thổ cẩm do tự tay mình làm ra
Chị Tráng Thị Cầu bên các sản phẩm thổ cẩm do tự tay mình làm ra

Xã biên giới Nà Bủng có 100% đồng bào Mông sinh sống, với nhiều nét văn hoá đặc sắc. Đặc biệt, bà con nơi đây vẫn còn lưu giữ được nghề dệt làm thổ cẩm truyền thống của dân tộc.

Cảm nhận được nét đặc trưng từ thổ cẩm của dân tộc mình có thể phát triển thành sản phẩm hàng hóa, chị Tráng Thị Cầu đã thành lập tổ hợp tác thêu chân váy để tập hợp những chị em phụ nữ biết thêu thùa, may vá trong xã. Mục tiêu của tổ là tạo ra sản phẩm có thể giúp chị em có thêm nguồn thu nhập cho gia đình, và điều quan trọng là giúp người Mông giữ  bản sắc dân tộc độc đáo mà ngày xưa các cụ để lại.

Theo đó, từ nguồn vốn của cá nhân và sự giúp đỡ của nhiều ban, ngành, đoàn thể ở huyện, chị Cầu mua máy khâu, máy vắt sổ và những nguyên liệu cần thiết. Tất cả các trang phục đều được thêu tay, sau đó mới dùng đến máy móc để may thành từng bộ.

Người dân chỉ tranh thủ thời gian rảnh dỗi để thêu thổ cẩm mang lại thu nhập ổn định
Đồng bào Mông tranh thủ thời gian rảnh rỗi để thêu thổ cẩm mang lại thu nhập ổn định

Chị Cầu cho biết: Tham gia việc này, bà con chỉ cần tận dụng thời gian rảnh, ngoài lúc trồng lúa, ngô, thì tham gia khâu váy, áo. Làm xong quần áo, bán được tiền thì bà con vui lắm, vì lại có tiền mua gạo, may áo cho các con đi học.

Chia sẻ về ý tưởng kinh doanh từ sản phẩm thổ cẩm của dân tộc, chị Tráng Thị Cầu cho biết: Trong một lần tình cờ lên mạng xã hội, thấy những sản phẩm thổ cẩm đăng lên mạng đã nhận được sự yêu thích của mọi người. Thấy mọi người hỏi đặt mua quần, áo trên Facebook, tôi đã lấy vải về, rủ chị em trong bản cùng làm. Dần dần cũng thành quen, chị thường xuyên đăng trên trang cá nhân để bán thổ cẩm, được nhiều người biết đến hơn và tìm mua nhiều hơn. 

Các sản phẩm được thêu thủ công bằng tay
Các sản phẩm được thêu thủ công bằng tay

Sau gần 2 năm đưa trang phục dân tộc Mông trở thành hàng hóa bán ra thị trường, chị Tráng Thị Cầu chuyển từ bản Nậm Tắt, ra trung tâm xã Nà Bủng mở cửa hàng, vận động chị em cùng tham gia mở rộng quy mô. 

Cùng với sự quan tâm của các cấp, nhất là Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Nậm Pồ, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nà Bủng, mô hình thêu may trang phục dân tộc của chị Tráng Thị Cầu đã vận động được hơn 30 hội viên tham gia. Thu nhập của các thành viên trong tổ hợp tác khoảng từ 4-5 triệu đồng/tháng. 

Các sản phẩm thổ cẩm của Tổ hợp tác được đông đảo khách hàng yêu thích
Các sản phẩm thổ cẩm của Tổ hợp tác được đông đảo khách hàng yêu thích

Theo ông Nguyễn Xuân Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, mô hình Tổ hợp tác thổ cẩm của chị Tráng Thị Cầu không chỉ tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình, mà còn góp phần bảo tồn văn hoá của đồng bào dân tộc Mông. Với hướng đi này, đang từng bước giúp cho nhiều hộ dân giảm nghèo.  

"Hiện nay, từ nguồn lực Chương trình MTQG, huyện đang ưu tiên xây dựng đề án bảo tồn và phát huy nghề thêu may trang phục truyền thống dân tộc Mông, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến đồng bào về những lợi ích từ việc duy trì, bảo tồn những nghề truyền thống sẽ mang lại nhiều cơ hội để giúp bà con vươn lên làm giàu trên quê hương.