Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cô gái Ca Dong với thương hiệu dược liệu Mười Cường

Tấn Sỹ-Thanh Huyền - 09:11, 07/09/2020

Gần 10 năm nay, chị Hồ Thị Mười, người Ca Dong (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng), chủ cơ sở kinh doanh dược liệu, nông sản Mười Cường ở xã Trà Mai, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đã lặn lội đến từng nhà để thu mua nông sản, dược liệu của bà con, rồi mày mò chế biến tìm đầu ra cho sản phẩm; nhờ đó mà nhiều hộ đồng bào DTTS nơi đây có thêm thu nhập, thoát nghèo. Chị cũng là một trong những đại biểu tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam được tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020.

Chị Hồ Thị Mười bên các sản phẩm nông sản, dược liệu của mình.
Chị Hồ Thị Mười bên các sản phẩm nông sản, dược liệu của mình.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Nam Trà My, chị Hồ Thị Mười hiểu rất rõ giá trị của các loại thảo mộc, dược liệu ở rừng núi của đồng bào mình. Song, do chưa có thương hiệu, thị trường đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh nên nhiều loại dược liệu quý vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng, giá trị của nó. Trước thực tế đó, năm 2011, chị Mười đã quyết tâm đứng ra tổ chức kết nối đưa sản phẩm của đồng bào miền núi đến với thị trường miền xuôi. Theo đó, cơ sở kinh doanh dược liệu Mười Cường ra đời.

Thời gian đầu, do ít vốn và chưa quen việc buôn bán nên công việc của chị Mười gặp không ít khó khăn, nhưng sau thời gian quyết tâm, nỗ lực nghiên cứu, tìm kiếm thị trường, số lượng hàng của chị bán ra tăng dần, theo hình thức vừa bán sỉ vừa bán lẻ. Đặc biệt, từ khi huyện Nam Trà My có phiên chợ Sâm núi Ngọc Linh từ ngày 1 đến ngày 3 hằng tháng, dược liệu và nông sản đặc trưng của chị Mười đã thu hút được số lượng người mua khá lớn.

Nhiều năm bén duyên với kinh doanh dược liệu và các mặt hàng nông sản, cơ sở sản xuất Mười Cường đã cho ra đời nhiều loại sản phẩm như: Chè dây, rượu lúa rẫy, giảo cổ lam khô, chuối hột khô… Có những loại dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, Hồ Thị Mười bảo quản và kinh doanh theo kiểu nguyên liệu tươi, tùy theo yêu cầu khách hàng mà chế biến thành sản phẩm.

Đặc biệt, chị Hồ Thị Mười đã mạnh dạn xây dựng sản phẩm độc quyền, mang thương hiệu của núi rừng Nam Trà My đó là “Trà giảo cổ lam” - hiện sản phẩm đạt 3 sao theo Chương trình OCOP của tỉnh Quảng Nam.

Tháng 3/2018, chị Mười được mời tham gia Hội chợ giới thiệu sản phẩm - dịch vụ chất lượng cao ASEAN tại Singapore. Tại đây, cơ sở sản xuất chị Mười được Ủy ban Tổ chức đánh giá và truyền thông về sản phẩm dịch vụ chất lượng cao. Cũng từ đó, thương hiệu và uy tín của cơ sở Mười Cường ngày càng được nhiều người biết tới.

Năm 2019, chị Mười mạnh dạn thành lập thêm Hợp tác xã Cộng đồng dược liệu Sâm Ngọc Linh. Theo đó, chị đã xây dựng một vài dự án cùng cộng đồng phát triển, chị ưu tiên để một số hộ khó khăn nhất tham gia là thành viên của Hợp tác xã.

Hiện tại, cơ sở sản xuất Mười Cường và Hợp tác xã Cộng đồng dược liệu Sâm Ngọc Linh có 10 công nhân người DTTS làm việc thường xuyên; 15 hộ liên kết chuỗi, 8 hộ tổ hợp tác. Mức thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh thu hằng năm đạt từ trên dưới 1 tỷ đồng/năm.

Chị Hồ Thị Mười bộc bạch: “Suy nghĩ khởi nghiệp từ dược liệu, gắn bó với dược liệu đơn giản vì mình rất đam mê. Hơn nữa mình mong muốn, mang sản phẩm của đồng bào DTTS đi xa hơn nữa, giới thiệu cho người dân cả nước biết về giá trị của dược liệu Nam Trà My ”.