Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhiều hệ lụy từ buôn bán thảo dược tự phát

PV - 17:37, 06/05/2019

Thời gian gần đây, quanh các khu du lịch Tam Đảo, Tây Thiên (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) xuất hiện tình trạng người dân bày bán các loại thuốc Nam, thảo dược, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho du khách và người trồng dược liệu.

Thảo dược được người dân phơi ngay trên sân xi măng. Thảo dược được người dân phơi ngay trên sân xi măng.

Bày bán tự phát

Tại Khu danh thắng Tây Thiên (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo), các loại thảo dược được bày bán dọc tuyến đường đi bộ từ chân Đền Thõng lên đền Thượng. Người bán chỉ trải 1 tấm bạt xuống nền đất, rồi để mấy loại cây thuốc Nam như: sâm cau, ba kích, đỗ quyên... bán cho du khách.

Chị Lý Thị M ở Yên Bái kể: Mới đây, chị và gia đình đi lễ tại Khu danh thắng Tây Thiên. Trên đường đi bộ từ đền Thượng xuống, chị thấy nhiều người đứng lại bên sạp thảo dược mua hoa bách thảo để trị nám da mặt. Tin tưởng lời giới thiệu của chủ hàng về công dụng của hoa bách thảo, chị và một số người đã mua 2kg hoa bách thảo với giá 2 triệu đồng/kg. Khi về kiểm chứng tại các nhà thuốc Đông y ở xã Đại Đình, thấy giá chênh lệch quá nhiều, trong khi đó, hoa bách thảo chị mua lại không có tem, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ.

“Tôi đã làm đơn trình báo với Ban Quản lý Khu danh thắng Tây Thiên và Công an huyện Tam Đảo để nghị cơ quan chức năng có giải pháp chấn chỉnh tình trạng trên", chị M cho biết.

Tại khu du lịch Tam Đảo, tình trạng này cũng diễn ra tương tự. Qua quan sát của phóng viên, quanh khu vực đền Chúa Thượng Ngàn, thuộc Tổ dân phố 3, thị trấn Tam Đảo, người dân bày bán la liệt các loại thảo dược.

Chị Nguyễn Thị L, chủ sạp hàng bán thuốc Nam ở Khu danh thắng Tam Đảo cho biết: “Dược liệu của gia đình chị bán chủ yếu là những loại cây như ba kích, giảo cổ lam, sâu chít... do người dân đi đào trên núi về nên không qua kiểm chứng của cơ quan chức năng và cũng không có cơ sở sản xuất rõ ràng, khách hàng chủ yếu là tin tưởng vào công dụng của sản phẩm để mua”.

Cần siết chặt quản lý

Có thể nói, quanh các khu du lịch như Tây Thiên, Tam Đảo, nơi có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để trồng dược liệu nên nhu cầu mua bán dược liệu là điều tất yếu. Tuy nhiên, dược liệu là một mặt hàng có yếu tố đặc thù, kinh doanh có điều kiện do đó việc buông lỏng quản lý tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi dược liệu không được kiểm tra kỹ dễ dẫn tới tình trạng pha trộn hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng từ đó ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. Không những vậy, về lâu dài, vấn đề này còn ảnh hưởng đến sản xuất của người trồng dược liệu.

Được biết, theo thông tư của Bộ Y tế quy định về hoạt động kinh doanh dược liệu, nêu rõ điều kiện đối với các cơ sở bán lẻ dược liệu phải có địa điểm cố định, diện tích phù hợp với quy mô kinh doanh...

Thế nhưng những quy định này dường như khá xa lạ với người dân quanh các khu du lịch. Ông Trần Quang Thà, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo cho biết: Hiện nay, trên địa bàn thị trấn có 10 hộ kinh doanh thảo dược có đăng ký còn đều hoạt động tự phát. Thông qua kiểm tra, UBND xã nắm được, một số mặt hàng không phải nguồn gốc ở Tam Đảo, nhưng các hộ kinh doanh lại in tem, nhãn xuất xứ ở thị trấn Tam Đảo.

Ông Lê Quý Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo cho biết, để làm tốt công tác quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm, huyện cũng đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh phải đăng ký kinh doanh. Trong quá trình hoạt động phải thực hiện đóng gói các loại hàng hóa phải ghi rõ địa chỉ nơi sản xuất, định lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng và thành phần. Tuy nhiên, do khu du lịch rất đông các hàng quán và khách thăm quan mà lực lượng cơ quan chức năng lại mỏng, nên ngoài các văn bản thông báo, tuyên truyền, chính quyền cũng chưa có giải pháp gì khác.

Thiết nghĩ, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, cũng như sự phát triển lâu dài bền vững của người trồng dược liệu, rất cần quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành địa phương. Trong đó, các đơn vị cần tăng cường phối hợp kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp bán thảo dược trái quy định; tuyên truyền để người trồng và người bán hiểu rõ được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, tránh tâm lý ăn xổi. Chỉ khi nào dược liệu của các khu du lịch đảm bảo được sự an toàn, giá cả tốt mới tạo được uy tín, thương hiệu để người dân trong vùng an tâm, đầu tư phát triển bền vững cây dược liệu cải thiện cuộc sống.

THIÊN ĐỨC