Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thanh Hóa: Tăng cường giải pháp thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS

Quỳnh Trâm - 11:51, 21/01/2024

Với đặc thù là tỉnh có đông đồng bào DTTS cùng sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp thu hút đầu tư vào vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm từng bước nâng cao đời sống người dân, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền.

Triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) tỉnh Thanh Hóa có trên 1 triệu người, trong đó đồng bào DTTS có trên 600.000 người, chủ yếu là các dân tộc Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú, sinh sống tập trung ở 11 huyện miền núi. Xác định phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS&MN, là nhiệm vụ quan trọng, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt các chính sách dân tộc đối với đồng bào khu vực này. Trong đó, triển khai nhiều giải pháp thu hút đầu tư vào vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Thanh Hóa cũng đã triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS&MN qua các phiên chợ, hội chợ.
Thanh Hóa cũng đã triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS&MN qua các phiên chợ, hội chợ.

Giai đoạn 2023 - 2025, nhằm thu hút đầu tư vào vùng DTTS&MN theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, UBND tỉnh Thanh Hoá tập trung triển khai nhiều hoạt động.

Cụ thể, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, Sở Công thương, Liên minh Hợp tác xã tỉnh; UBND các huyện, thị xã DTTS&MN phối hợp cùng các sở ngành, đơn vị cấp tỉnh tổ chức các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm, các phiên chợ văn hóa, hội chợ, giao lưu, diễn đàn, các lễ hội gắn với hoạt động thương mại, du lịch. Truyền thông, quảng bá các sản phẩm của vùng DTTS&MN, thu hút đầu tư trên các phương tiện thông tin truyền thông. Hỗ trợ xây dựng và thực hiện một số mô hình nhằm tiêu thụ sản phẩm của vùng DTTS&MN; cung ứng các mặt hàng thiết yếu của địa phương.

Cùng với đó, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức khởi nghiệp, lập nghiệp cho DTTS&MN; các lớp bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng quản lý, phát triển doanh nghiệp, kỹ năng quản lý tài chính, quản trị nhân lực, kỹ năng tiếp cận nguồn lực tài chính…

Đối tượng mà chương trình hướng tới là các doanh nghiệp, Hợp tác xã đang hoạt động trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại các xã, thôn vùng DTTS&MN. Các hoạt động này sẽ thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2025.

Một số phụ nữ dân tộc thiểu số miền núi Thanh Hóa khởi nghiệp bằng cách sản xuất gối ngủ từ thảo dược
Một số phụ nữ dân tộc thiểu số miền núi Thanh Hóa khởi nghiệp bằng cách sản xuất gối ngủ từ thảo dược

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng cho biết: Mục tiêu của các hoạt động này là nhằm triển khai có hiệu quả các hoạt động thu hút đầu tư vào vùng DTTS&MN, hướng tới khai thác tiềm năng lợi thế về xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch vùng DTTS&MN nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, hỗ trợ quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa dịch vụ ở khu vực các xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS&MN dựa trên tiềm năng, thế mạnh tại địa phương.

Nguồn kinh phí thực hiện chương trình này từ nguồn ngân sách Trung ương được bố trí hằng năm thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ- TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Thu hút đầu tư vùng DTTS

Theo ông Mai Xuân Bình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, thực hiện Kế hoạch số 182/KH-UBND ngày 04/7/2023 của UBND tỉnh về triển khai Nội dung số 03 thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3: Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023 - 2025; Ban Dân tộc đã xây dựng Kế hoạch triển khai nội dung trên. 

Theo đó, với hoạt động truyền thông, quảng bá các sản phẩm vùng đồng bào DTTS&MN, thu hút đầu tư trên các phương tiện thông tin truyền thông, Ban Dân tộc đã thực hiện 03 phóng sự tuyên truyền trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; 12 bài trên Báo Dân tộc phát triển; 12 bài trên Báo Thanh Hóa về quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc sản, tiềm năng khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh trong quý III, IV năm 2023. 

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa cũng đã triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS&MN như các phiên chợ, hội chợ. Điểm đặc biệt của các phiên chợ, hội chợ này là các sản phẩm được trưng bày đều là các loại nông sản được trồng, sản xuất, chế biến từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đang hoạt động trên địa bàn các xã khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN.

Quảng bá các sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thu hút đầu tư trên các phương tiện thông tin truyền thông
Quảng bá các sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thu hút đầu tư trên các phương tiện thông tin truyền thông

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp mà đến cuối năm 2023,  tỷ lệ hộ nghèo ở 11 huyện miền núi còn 25.651 hộ, chiếm tỷ lệ 11,04% (giảm 4,15% so với cuối năm 2022); Tỷ lệ hộ cận nghèo ở 11 huyện miền núi còn 32.551 hộ, chiếm tỷ lệ 14,01% (giảm 3,06% so với cuối năm 2022); Hộ nghèo DTTS  còn 23.541 hộ, chiếm tỷ lệ 14,75% (giảm: 8.632 hộ, tỷ lệ giảm 5,11% so với cuối năm 2022).

Trên địa bàn 11 huyện miền núi có 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 2 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; có 04 thôn được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 65 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Lũy kế đến nay, trên địa bàn 11 huyện miền núi đã có: 64/163 xã (đạt 39,3%), 647 thôn (đạt 35%), bản được công nhận đạt chuẩn NTM, 7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; có 55 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 101 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao (Ống hút tre, xã Tân Thành, huyện Thường Xuân).

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thăm mô hình phát triển kinh tế tại huyện miền núi Mường Lát (Ảnh Minh Hiếu)
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thăm mô hình phát triển kinh tế tại huyện miền núi Mường Lát (Ảnh Minh Hiếu)

Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, tập trung mọi nguồn lực hướng về khu vực miền núi, đến nay, các huyện đã thực hiện được một số mục tiêu như tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, tạo động lực cho đồng bào vùng DTTS và miền núi vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống...