Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Đầu năm gặp những nông dân sản xuất giỏi ở miền núi Bình Định

T.Nhân-H.Trường - 11:43, 01/03/2024

Những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Bình Định đã có nhiều khởi sắc. Góp phần làm nên sự khởi sắc này, không thể không nói đến vai trò của những nông dân người DTTS đã thay đổi tập quán sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình và truyền đạt kinh nghiệm cho bà con cùng nhau vươn lên làm giàu.

Anh Đinh Văn Óc chia sẻ về quá trình vượt khó, vươn lên làm giàu
Anh Đinh Văn Óc chia sẻ về quá trình vượt khó, vươn lên làm giàu

Câu chuyện vượt khó vươn lên của gia đình anh Đinh Văn Óc, sinh năm 1980, là người dân tộc Ba Na ở làng Cát, xã Canh Liên, huyện Vân Canh (Bình Định) khiến nhiều người nể phục. Những ngày đầu năm mới, chúng tôi về Canh Liên, tìm đến nhà anh Óc để nghe câu chuyện vượt khó, vươn lên làm giàu của anh.

Trước đây, gia đình anh Óc thuộc diện hộ nghèo, chủ yếu sống bằng nghề làm lúa nước, làm nương rẫy, thu nhập chẳng đáng là bao. Được sự động viên và hỗ trợ của các cấp chính quyền, năm 2007, anh Óc đã mạnh dạn vay vốn chính sách để mua hai con bò cái về  chăn thả. Nhờ chịu khó chăm sóc, hai con bò lớn nhanh và sinh sản đều đặn. Thấy nuôi bò có hiệu quả kinh tế cao, anh tiếp tục vay thêm 20 triệu đồng để mua thêm bò giống về thả nuôi. Đến nay, gia đình anh sở hữu một đàn bò 30 con, trị giá khoảng 300 triệu đồng.

Ngoài đàn bò 30 con, anh Óc còn trồng hơn 20ha keo, mỗi đợt thu hoạch mang về cho gia đình hàng trăm triệu đồng. “Đây là một trong những nguồn thu nhập chính của gia đình tôi, với giá keo ổn định như hiện nay, mỗi đợt thu hoạch có thể mang về từ 500-600 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi đợt như vậy gia đình tôi có lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng”, anh Óc cho hay.

Không chỉ trồng keo, chăn nuôi bò, gia đình anh Óc còn chăn nuôi heo và trồng lúa nước, cũng mang lại thu nhập thêm cho gia đình anh mỗi năm khoảng 150 triệu đồng. Thời gian gần đây, nghiên cứu thổ nhưỡng và tìm hiểu kỹ thuật, anh Óc trồng thử nghiệm hơn 100 gốc sầu riêng, bước đầu cây sầu riêng sinh trưởng tốt. Hy vọng trong tương lai gần sẽ mang lại thu nhập cao không chỉ cho gia đình anh Óc mà còn giúp người dân Canh Liên có thể học hỏi chuyển đổi cây trồng.

Sau nhiều năm chịu khó làm ăn, anh Óc tích luỹ được một số vốn kha khá, năm 2023, anh xây dựng một ngôi nhà mới, khang trang với diện tích hơn 165m2, tổng kinh phí hơn 1,1 tỉ đồng. Anh óc tâm sự: Để có được cơ ngơi như hôm nay, ngoài việc nỗ lực của bản thân, gia đình chúng tôi được sự hỗ trợ rất lớn từ các cấp chính quyền như hỗ trợ cho vay vốn, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng cây. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu để tăng thu nhập cho gia đình. Vợ chồng tôi rất hy vọng diện tích sầu riêng sẽ cho kết quả tốt. Tôi sẽ mở rộng diện tích và hướng dẫn bà con cùng trồng để phát triển kinh tế.

Tuy đã có của ăn, của để nhưng hằng ngày, vợ chồng ông Đinh Văn Thảo vẫn miệt mài lao động
Tuy đã có của ăn, của để nhưng hằng ngày, vợ chồng ông Đinh Văn Thảo vẫn miệt mài lao động

Rời làng Cát, chúng tôi đến làng Kà Bông, ghé thăm gia đình ông Đinh Văn Thảo (SN 1960, đồng bào Ba Na) cũng là một nông dân sản xuất giỏi, vươn lên từ nghèo khó. Ông Thảo tâm sự: Hồi xưa, mình ở Canh Tiến, sau đó chuyển về làng Kà Bông sinh sống. Thời điểm đó rất khó khăn về kinh tế. Vợ chồng động viên nhau khai hoang đất để làm nương rẫy nhưng thu nhập không đáng kể, phải chạy ăn từng bữa. Từ khi có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mình mạnh dạn vay vốn để mở trại gà và đào ao nuôi cá, đầu tư trồng hơn 20ha keo. Từ đó, cuộc sống của mình dần khấm khá. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, mình dư gần 200 triệu đồng.

Một trong những thay đổi đáng ghi nhận nhất, là đồng bào DTTS ở các huyện miền núi không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước như trước đây. Bây giờ, ý thức tự lực vươn lên của đồng bào đã được nâng cao. Nhờ đó, đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả được nhân rộng, góp phần đáng kể trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh".

Ông Đinh Văn LungTrưởng ban Ban Dân tộc Bình Định

Tuy đã có được kinh tế vững chắc nhưng ông Thảo vẫn luôn tìm tòi, học hỏi thêm những mô hình kinh tế khác. Thời gian gần đây, ông Thảo tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây ăn trái trên đất trồng mì. “Gia đình mình và các hộ dân trong làng được cán bộ tập huấn về chăn nuôi cũng như trồng cây ăn quả nên mình tự tin sẽ làm thành công. Hiện mình đã xây dựng được một ngôi nhà khang trang hơn 1 tỉ đồng. Trước đây, mình không dám nghĩ là sẽ có căn nhà khang trang, có của ăn của để như ngày hôm nay. Đó là nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, sự động viên của cán bộ địa phương nên mới có cơ ngơi như hôm nay”, ông Thảo trải lòng.

Tại huyện miền núi An Lão, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững cũng được triển khai rộng khắp. Từ đó có nhiều nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương bằng đôi tay, khối óc của mình. Ông Nguyễn Văn Bảy, 65 tuổi, ở thị trấn An Lão là một trong những người như thế.

Là hội viên nông dân, ông Nguyễn Văn Bảy luôn ý thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình không nên bỏ ruộng hoang. Ông đã quyết định chuyển đổi 03 ha đất đồi của gia đình mình để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng đồi từ cây mì, bắp sang trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với diện tích canh tác 03 ha đất đồi để làm vườn trồng cây ăn quả chất lượng cao như Bưởi da xanh, ổi, mãng cầu, đu đủ, bơ, sapoche,… Đồng thời, ông tận dụng một góc diện tích để xây dựng chuồng trại với khoản 250 m2 nuôi 40 con heo thịt, 05 con heo nái sinh sản và 10 con bò. Kết quả thu được hàng năm trừ chi phí đi còn dư lãi 100 - 200 triệu đồng. 

Ông Nguyễn Văn Bảy là một trong những nông dân sản xuất giỏi ở huyện miền núi An Lão
Ông Nguyễn Văn Bảy là một trong những nông dân sản xuất giỏi ở huyện miền núi An Lão

Ông Bảy chia sẻ: Muốn làm nông nghiệp hiệu quả, mình phải mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Đồng thời, học hỏi áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất gắn với bảo vệ môi trường; tích cực hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, vận động mọi người cùng thực hiện tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Theo ông Đinh Văn Lung, Trưởng ban Ban Dân tộc Bình Định, một trong những thay đổi đáng ghi nhận nhất, là đồng bào DTTS ở các huyện miền núi không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước như trước đây. Bây giờ, ý thức tự lực vươn lên của đồng bào đã được nâng cao. Nhờ đó, đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả được nhân rộng, góp phần đáng kể trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh.

“Với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đông bào DTTS và miền núi, tỉnh Bình Định đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống người dân như: đường giao thông, công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, công trình phúc lợi xã hội về nhà ở, y tế, giáo dục… Bên cạnh đó địa phương cũng chú trọng trong việc đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm nhằm giải quyết lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra thông qua các dự án đầu tư và hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế để nâng cao thu nhập cho người dân cũng được tỉnh Bình Định được quan tâm. Từ đó sẽ có thêm nhưng nông dân miền núi sản xuất giỏi, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương”, ông Lung chia sẻ thêm.