Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

“Cây giảm nghèo” của đồng bào DTTS ở Tam Đường

Đức Bình - 06:23, 15/12/2023

Xác định chanh leo là cây có giá trị kinh tế cao, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tổ chức mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc chanh leo. Với mục tiêu đưa chanh leo trở thành cây trồng mũi nhọn trong giảm nghèo.

Cây chanh leo cho thu nhập cao gấp 3-4 lần trồng lúa, giúp đồng bào DTTS thoát nghèo
Cây chanh leo cho thu nhập cao gấp 3-4 lần trồng lúa, giúp đồng bào DTTS thoát nghèo

Tam Đường là huyện vùng cao của tỉnh Lai Châu, có 12 dân tộc anh em cùng chung sống; trong đó có hơn 85% dân số là đồng bào DTTS. Trong những năm qua được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chương trình, chính sách đối với đồng bào DTTS trên địa bàn được quan tâm triển khai thực hiện. Đặc biệt là việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) nhằm hỗ trợ, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Tại huyện Tam Đường, cây chanh leo được đưa vào trồng thử nghiệm từ năm 2019. Kết quả trồng thử nghiệm cho thấy, cây chanh leo phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của huyện. Cây sinh trưởng phát triển tốt, quả to, chất lượng quả tốt, vỏ dày, cứng và đều màu, tỷ lệ quả đạt hàng loại VIP, A cao trên 50%.

Nhận thấy, trồng chanh leo đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số cây trồng khác, huyện Tam Đường đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng chanh leo. Đồng thời kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm chanh leo.

Được Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón, lại được doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm, người dân các xã, thị trấn của huyện Tam Đương tích cực đăng ký trồng chanh leo. Đến nay, toàn huyện Tam Đường đã có gần 400ha chanh leo, tập trung ở các xã: Thèn Sin, Hồ Thầu, Sơn Bình… và thị trấn Tam Đường.

Là một trong những hộ đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình anh Chang A Thào, ở bản Chu Va 12, xã Sơn Bình đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng chanh leo với diện tích 7.000m2. Với quy trình sản xuất khoa học, từ khâu chọn giống đến chăm sóc, thu hoạch nên diện tích cây chanh leo của gia đình phát triển tốt cho năng suất cao, trừ chi phí mỗi năm gia đình anh thu nhập trên 100 triệu đồng.

Cán bộ nông nghiệp hướng dẫn người dân làm giàn trồng cây chanh leo
Cán bộ nông nghiệp hướng dẫn người dân làm giàn trồng cây chanh leo

Trong 3 năm 2021 - 2023, tỉnh Lai Châu được giao tổng kế hoạch vốn để thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên 1.559 tỷ đồng, trong đó: vốn sự nghiệp gần 780 tỷ đồng, vốn đầu tư trên 779 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, tỉnh đã tập trung phân bổ nguồn lực cho các huyện để triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ đồng bào DTTS xây dựng các mô hình khởi nghiệp, mô hình kinh theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân.

Trước đây, anh Giàng A Cháo ở xã Sơn Bình chủ yếu trồng ngô ở sườn đồi núi dốc, lởm chởm đá tai mèo, cày cấy gặp khó khăn nên năng suất thấp. Năm 2023, sau khi được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng CSXH, gia đình anh chuyển đổi hơn 6000m2 đất nông nghiệp để trồng thử nghiệp hơn 560 gốc chanh leo. Đến nay cây chanh leo của gia đình phát triển tốt và sắp cho thu hoạch.

Xác định chanh leo là cây có giá trị kinh tế cao, huyện Tam Đường đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tổ chức mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc chanh leo. Với mục tiêu đưa chanh leo trở thành cây trồng mũi nhọn trong giảm nghèo, tạo việc làm và nâng cao thu nhập, mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại huyện Tam Đường.

Gia đình ông Lê Văn Vi là một trong 5 hộ gia đình tham gia trồng chanh leo theo mô hình liên kết đầu tiên của bản Đội 4, xã Hồ Thầu, với 5.000m2 trồng từ năm 2020. Sau 2 năm thu hái, mỗi năm cho gia đình ông thu nhập trên 100 triệu đồng. Với hiệu quả kinh tế mang lại đến nay ông đã mở rộng diện tích cây chanh leo nhà mình lên 1,1 ha và tích cực chăm sóc để có thu nhập cao hơn trong thời gian tới.

Xã Hồ Thầu là xã có diện tích cây chanh leo lớn nhất huyện Tam Đường với 80 ha, được trồng tập trung ở bản Đội 4 và bản Nhiều Sang. Từ khi cây chanh leo được đưa vào trồng đã giúp nhiều hộ dân có thu nhập hàng chục triệu đồng. Đặc biệt, cây chanh leo có đầu ra ổn định khi Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc đã ký kết với các hộ dân bao tiêu sản phẩm. Do đó người dân có thể yên tâm tập trung sản xuất. Đây cũng là một trong những hướng đi mới, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập cho người dân nơi đây.

Cây chanh leo trồng tại Tam Đường cho chất lượng quả tốt, vỏ dày, cứng và đều màu
Cây chanh leo trồng tại Tam Đường cho chất lượng quả tốt, vỏ dày, cứng và đều màu

Theo đánh giá, cây chanh leo sẽ cho thu hoạch quả liên tục trong thời gian từ 3 - 4 năm với năng suất bình quân đạt từ 30 - 40 tấn/ha. Sau khi thu hoạch quả các công ty liên doanh, liên kết đều đảm bảo thu mua hết cho bà con tại ruộng.

Ông Sùng Lử Páo, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: Hiện nay cây chanh leo đang hứa hẹn không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho người nông dân một cách bền vững. Với việc liên doanh, liên kết hiệu quả cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, mang lại giá trị kinh tế cao, từ đó giúp người dân có thu nhập và thay dổi tập quán canh tác mà huyện Tam Đường hướng tới.

Thời gian tới huyện Tâm Đường sẽ thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng xây dựng và hình thành các vùng chuyên canh tập trung, có sản lượng hàng hoá quy mô lớn, ổn định, phát huy lợi thế tự nhiên, gắn kết với tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Có thể nói, cây chanh leo đã và đang khẳng định được "chỗ đứng" tại huyện vùng cao Tam Đường, trở thành “cây giảm nghèo”, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.