Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phú Yên: Vốn tín dụng chính sách giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững

Vân Khánh - 16:17, 06/12/2023

Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi đã giúp cho đồng bào DTTS, miền núi tại tỉnh Phú Yên có điều kiện phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình kinh tế phù hợp, giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Yên hỗ trợ người dân (đặc biệt là đồng bào DTTS) tiếp cận nguồn vốn vay.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Yên hỗ trợ người dân (đặc biệt là đồng bào DTTS) tiếp cận nguồn vốn vay.

Trước đây, gia đình anh Sô Minh Hoàng (ở xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) không có chỗ ở ổn định, kinh tế vô cùng khó khăn. Năm 2017, anh được các cấp chính quyền hỗ trợ vay 25 triệu đồng theo chương trình xóa nhà tạm. Nhờ vậy gia đình anh đã dựng được một ngôi nhà để lấy chỗ an cư. Nhờ chăm chỉ làm ăn, chỉ một thời gian ngắn sau, anh Hoàng đã trả được nợ xây nhà. Mới đây, để tiếp tục phát triển kinh tế, anh Hoàng được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đồng Xuân giải ngân cho 60 triệu đồng theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719)

Với số tiền trên, vợ chồng anh Hoàng trích một phần để sửa chữa lại nhà ở cho kiên cố nhằm bớt nỗi lo mỗi khi mùa mưa bão tới, phần còn lại để đầu tư trồng mía, sắn, keo và chăn nuôi bò. Để nâng cao năng suất sản xuất, anh Hoàng tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do chính quyền tổ chức để tiếp thu thêm kiến thức. Nhờ vốn kiến thức tích luỹ được, anh Hoàng tự tin trong quá trình chăm sóc đàn bò và các loại cây trồng khác. Đến nay, kinh tế gia đình anh đã phát triển ổn định, dần trả được nợ cho ngân hàng.

“Từ hai bàn tay trắng, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mà gia đình tôi đã được tạo điều kiện vay vốn để xây dựng nhà ở và phát triển kinh tế hộ gia đình. Không chỉ được hỗ trợ về vốn, tôi còn được cán bộ địa phương hướng dẫn tận tình về việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ vậy, năng suất sản xuất được nâng lên, kéo theo nguồn thu nhập ổn định hơn trước. Mong rằng, ngày sẽ có nhiều người dân vùng đồng bào DTTS như tôi được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo thành công”, anh Hoàng tâm sự thêm.

Tương tự gia đình anh Hoàng, chị KPá Thị Ẩn (ở xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân) thuộc diện hộ nghèo, phụ nữ đơn thân, chưa có nhà ở và việc làm ổn định. Đầu tháng 7/2023, chị Ẩn được chính quyền hỗ trợ 40 triệu đồng vay vốn ưu đãi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đồng Xuân. Với số tiền trên, chị không đã có thêm điều kiện để sửa chữa nhà ở, mở rộng sản xuất từ việc trồng cây keo, qua đó góp phần ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đồng Xuân cho biết, để nhiều người được tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP, phòng giao dịch đã tích cực tuyên truyền đến đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, việc giải ngân cũng thực hiện đúng đối tượng nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn, chương trình đề ra, góp phần an sinh xã hội trên địa bàn.

Còn tại huyện Sơn Hoà (tỉnh Phú Yên), những năm qua, nhiều người dân đồng bào DTTS cũng được tiếp cận nguồn vốn tính dụng chính sách ưu đãi để phát triển kinh tế. Tiêu biểu như hộ gia đình bà H’Diêm, dân tộc Chăm H’Roi (ở thôn Suối Bạc, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa). Bà H’Diêm tâm sự, cuối năm 2022, bà được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Hòa thông qua tổ vay vốn địa phương giải ngân cho vay 60 triệu đồng.

Nguồn vốn này đã giúp bà mua 6 con bò sinh sản để nuôi. Đến nay, bò đã lớn, đẻ ra bò con, cả đàn bò trị giá hơn 120 triệu đồng. “Ngoài nuôi bò, gia đình tôi còn mở rộng diện tích ruộng nương để trồng mấy sào mía. Nhờ việc biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp theo hướng dẫn của cán bộ địa phương, nên năng suất sản xuất được tăng lên rõ rệt. Tôi cũng như người thân mừng lắm”, bà H’Diêm bộc bạch.

Theo số liệu từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Yên, 9 tháng đầu năm 2023, chi nhánh giải ngân 834 tỷ đồng cho 22.928 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Đến ngày 30/9/2023, dư nợ toàn chi nhánh gần 4.144 tỷ đồng, tăng hơn 305 tỷ đồng so với đầu năm (tăng 7,96%), hoàn thành 88% kế hoạch giao tăng trưởng, với 90.632 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

Người dân đồng bào DTTS ở Phú Yên vay vốn tín dụng chính sách ưu đãi để mua bò sinh sản phát triển kinh tế.
Đồng bào DTTS ở Phú Yên vay vốn tín dụng chính sách ưu đãi để mua bò sinh sản phát triển kinh tế.

Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hơn 3.200 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở Phú Yên đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm hơn 6.800 lao động; hơn 3.300 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã nhận khoản vay vốn học tập. Vốn chính sách cũng cho vay các hộ dân để xây dựng hơn 16.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn. Ngoài ra, hơn 540 hộ vùng khó khăn cũng được vay vốn sản xuất kinh doanh, hơn 650 hộ đồng bào DTTS vay vốn phát triển sản xuất và 201 căn nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Hiện ở Phú Yên, nguồn vốn tín dụng chính sách đã phủ sóng đến 100% thôn, buôn, khu phố của 110 xã, phường, thị trấn. Trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào DTTS miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng nông thôn… Vốn tín dụng chính sách xã hội đầu tư cho phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm và đáp ứng nhu cầu căn bản, thiết yếu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới ở Phú Yên. Đặc biệt, hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo của Phú Yên từ 3,93% cuối năm 2019 xuống còn 2,17% cuối năm 2021 và giảm 0,87% trong năm 2022, hoàn thành kế hoạch giảm nghèo của tỉnh.

Theo ông Hồ Văn Thục, Giám đốc Chi nhanh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Yên, nguồn vốn vay ưu đãi vùng đồng bào DTTS đã đến đúng địa chỉ, kịp thời và được các đối tượng sử dụng đúng mục đích, góp phần ổn định đời sống, phát triển kinh tế gia đình.

Từ nay đến cuối năm 2023, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Yên tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương; phối hợp với các sở, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Trong đó, tăng cường phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, các địa phương triển khai rà soát nhu cầu vốn của các đối tượng thụ hưởng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ - CP của Chính phủ, chủ yếu cho vay hỗ trợ nhà ở, chuyển đổi nghề, cải tạo đất sản xuất nhằm giúp đối tượng thụ hưởng có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài.