Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cấp ủy, chính quyền các cấp đã có chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Trọng Bảo - 14:37, 09/05/2023

Ngày 9/5, tại tỉnh Lào Cai, Ban Kinh tế trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ NN&PTNT, Ủy ban Dân tộc, Bộ Công an; lãnh đạo các tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh dự và chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngày càng được nâng lên. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vào cuộc quyết liệt; đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung. Duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42%; năng suất, chất lượng rừng đã được nâng cao, dần đáp ứng yêu cầu về cung cấp nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, phòng hộ và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng đồ gỗ và lâm sản liên tục tăng mạnh; góp phần tạo việc làm, thu nhập cho hàng triệu người tham gia các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông và các đại biểu tham dự Hội nghị
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông và các đại biểu tham dự Hội nghị

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, nhất là rừng tự nhiên ở các khu vực giáp ranh vẫn còn diễn ra phức tạp. Các vụ việc chống người thi hành công vụ bảo vệ rừng tiếp tục diễn ra gay gắt với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Công tác tuyên truyền, vận động mặc dù thực hiện thường xuyên nhưng hiệu quả chưa cao. Công tác bảo đảm an sinh xã hội gắn với phát triển lâm nghiệp đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn những tồn tại nhất định.

Cụ thể, rủi ro trong sản xuất cao, chưa có bảo hiểm rủi ro trong sản xuất lâm nghiệp, người dân làm nghề rừng ít có khả năng đóng bảo hiểm xã hội; chủ yếu sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vì vậy các dịch vụ về giáo dục, y tế, văn hóa... đáp ứng chưa tốt. Giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, việc đảm bảo an sinh xã hội nhìn chung còn thiếu bền vững. Sản phẩm lâm nghiệp chủ yếu vẫn dừng lại ở những sản phẩm thô, công tác chế biến còn nhiều hạn chế, công tác bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều bất cập, đồng bào DTTS chưa khai thác được những tiềm năng, lợi thế từ rừng…

Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của cấp ủy, chính quyền một số nơi về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn chưa đầy đủ, thiếu thống nhất. Việc đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế; các quy định hiện hành chưa có chính sách đãi ngộ, thu hút đối với lực lượng bảo vệ rừng; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ và Nhân dân chưa cao…

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, đại biểu các bộ, ban, ngành, các địa phương đã tham luận nêu lên những kết quả đã đạt được sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 13 cũng như những tồn tại, khó khăn trong quá trình triển khai. Từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị với Đảng, Chính phủ sớm có những giải pháp tháo gỡ trong quá trình triển khai công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại cơ sở…

Nhận thức về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân đã có sự chuyển biến mạnh mẽ
Nhận thức về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân đã có sự chuyển biến mạnh mẽ

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong triển khai Chỉ thị số 13-CT/TW. Bên cạnh đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị các bộ, ban ngành Trung ương, các địa phương cần chủ động tham mưu với Trung ương ban hành những văn bản ở tầm cao hơn về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Khai thác tiềm năng, thế mạnh để rừng đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân khu vực có rừng, nhất là đồng bào DTTS của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, đồng thời tạo điều kiện cho các địa phương lấy rừng làm động lực cho phát triển nhanh, bền vững.

Đối với khu vực rừng có chung đường biên giới với các nước bạn, cần có cơ chế, chính sách để các địa phương hoàn thành tốt chức năng đa mục tiêu về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chống buôn lậu, gian lận thương mại; bảo vệ quốc phòng, an ninh và chủ quyền lãnh thổ quốc gia; thúc đẩy mở rộng đối ngoại, hợp tác quốc tế… Đẩy mạnh phát triển dịch vụ môi trường rừng; phát triển công nghiệp chế biến và xuất khẩu lâm sản; bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng; phát triển thị trường tín chỉ Cacbon...