Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kiểm lâm Thái Nguyên: Đẩy mạnh công tác trồng rừng

Vân Khánh - 08:30, 28/11/2022

Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đã đẩy mạnh nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác trồng rừng và phát triển rừng. Tỉnh Thái Nguyên đang đề ra mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 sẽ trồng 2.000 ha gỗ lớn, chuyển hoá 5.000ha rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, 3.800ha quế, góp phần ổn định tỷ lệ che phủ rừng từ 46% trở lên.

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh và phòng nghiệp vụ kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng tại huyện Định Hóa.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh và phòng nghiệp vụ kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng tại huyện Định Hóa.

Chủ động kiểm soát nguồn gốc giống cây trồng

Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đã đẩy mạnh tổ chức thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ trồng 2.000 ha gỗ lớn, chuyển hoá 5.000ha rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, 3.800ha quế, góp phần ổn định tỷ lệ che phủ rừng từ 46% trở lên.

Để thực hiện mục tiêu đó, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm tăng cường bám sát địa bàn, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp, quản lý nghiêm các cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, kiểm soát nguồn gốc giống cây trồng lâm nghiệp và chủ động nguồn cây giống phục vụ kế hoạch trồng rừng hàng năm.

“Xác định giống cây lâm nghiệp có vai trò quan trọng trong công tác trồng rừng, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đã chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, kiểm soát nguồn giống đầu vào, đảm bảo rõ nguồn gốc. Đồng thời, cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn bà con kỹ thuật đóng bầu, chăm sóc và tiêu chuẩn cây xuất vườn”, ông Lê Cẩm Long, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên cho biết.

Ở xã Hoá Thượng, huyện Đồng Hỷ có diện tích hơn 2.000m2, vườn ươm của gia đình chị Hà Thị Hồng, xóm Ấp Thái có khả năng cung cấp 30 vạn cây keo giống/năm. Chị Hồng cho biết: Gia đình đã được Kiểm lâm địa bàn hướng dẫn kỹ thuật gieo ươm đối với từng loài cây, chị đã tiến hành đảo bầu để cây hấp thụ tối đa ánh sáng mặt trời. Đến nay, 70% lượng cây giống đã đủ điều kiện xuất vườn, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Ở huyện Định Hoá, thời gian qua, công tác phát triển rừng đã được đẩy mạnh. Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng Ban Quản lý rừng ATK Định Hoá: Đến nay, tổng diện tích trồng rừng tập trung trên địa bàn là: 1.248,37ha/1000ha kế hoạch, đạt 124,837%. Riêng tháng 11, các đoàn thể, người dân tự bỏ kinh phí trồng 7.600 cây phân tán các loại, nâng lũy kế từ đầu năm trồng đạt 277.935 cây/345.000 cây, đạt 80,561% kế hoạch giao. Hiện, đơn vị đã chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch của Hạt Kiểm lâm rừng ATK Định Hóa về việc kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, phục vụ công tác trồng rừng năm 2023 trên địa bàn.

Diễn tập PCCR cấp xã 2022, xã Bồng Nhiêu, huyện Định Hóa
Diễn tập PCCR cấp xã 2022, xã Bồng Nhiêu, huyện Định Hóa

Hiện nay, với trình độ canh tác được nâng lên một bước, việc trồng rừng được Nhân dân tại các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đang tích cực đẩy mạnh. Như chia sẻ của ông Ma Văn Toàn, xóm Cây Thị, xã La Hiên, huyện Võ Nhai: Trước đây, do chưa nắm được kỹ thuật nên bà con thường trồng dày khiến keo chậm lớn. Được cán bộ kiểm lâm hướng dẫn, chúng tôi đã tuân thủ quy trình kỹ thuật, thực hiện cuốc hố đúng khoảng cách, xé vỏ ny lon ở bầu trước khi trồng, bón phân, tỉa cành để cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Đẩy mạnh phát triển trồng rừng gỗ lớn

Những năm gần đây, các cấp chính quyền địa phương phối hợp với Kiểm lâm trên địa bàn các huyện đã tích cực vận động người dân tham gia phát triển rừng gỗ lớn. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Trọng Vân, xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ. Với 3ha rừng keo từ 5- 7 năm tuổi, đã có thể khai thác, nhưng được sự hướng dẫn, vận động của cán bộ xã, ông Vân đã quyết định tạm dừng khai thác, chuyển sang phát triển cây gỗ lớn, sau từ 10 - 12 năm trở lên mới tiến hành khai thác để có thu nhập cao hơn.

Bà Nguyễn Thị Loan, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ cho biết: Đến nay, diện tích trồng mới rừng gỗ lớn của huyện Đồng Hỷ đạt gần 200ha. Nhiều hộ dân đang tích cực chuyển hoá từ rừng gỗ sang phát triển rừng gỗ lớn. Năm 2022, huyện phấn đấu trồng mới 120ha rừng gỗ lớn.

Theo ông Trần Minh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên: Năm 2022, Thái Nguyên phấn đấu trồng 3.700ha rừng tập trung, chuyển hoá rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn 860ha, đảm bảo ổn định tỷ lệ che phủ rừng từ 46% trở lên. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích rừng gỗ lớn và diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững đạt 10% tổng diện tích rừng trồng sản xuất, giá trị sản phẩm gỗ đạt 2.438 tỷ đồng, trong đó từ sản phẩm gỗ lớn đạt 1.125 tỷ đồng. Đến năm 2030 diện tích rừng gỗ lớn và diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững đạt đạt 30% tổng diện tích rừng trồng sản xuất, giá trị đạt 10.919 tỷ đồng, trong đó giá trị sản phẩm gỗ lớn đạt 7.169 tỷ đồng (giá hiện hành).

Lễ ký kết quy chế phối hợp công tác quản lý bảo vệ rừng giữa Hạt Kiểm lâm vườn Quốc gia Tam Đảo và Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ
Lễ ký kết quy chế phối hợp công tác quản lý bảo vệ rừng giữa Hạt Kiểm lâm vườn Quốc gia Tam Đảo và Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Thái Nguyên cũng thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tham gia trồng rừng, khai thác rừng, như: hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn bằng cây sinh trưởng chậm một lần 15 triệu đồng/ha; trồng rừng gỗ lớn bằng cây sinh trưởng nhanh một lần 10 triệu đồng/ha; chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn bằng công khoán bảo vệ rừng theo quy định.

Ông Lê Cẩm Long, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên chia sẻ: Trong năm 2022, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên tiếp tục tổ chức thực hiện Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2020 - 2025, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân về tầm quan trọng của đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; thực hiện hiệu quả chính sách thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh, góp phần nâng cao giá trị sản xuất; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lâm sản, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng…

Theo Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên: Đến nay, tỉnh đã trồng rừng tập trung được 4.163,11ha/3.700ha, đạt 112,52% kế hoạch. Với Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, tính đến ngày 15/11/2022, số cây xanh phân tán trồng trên địa bàn tỉnh là 1.611.783 cây/1.705.000 cây, đạt 94,53% kế hoạch. Số lượng cây xanh được cập nhật lên phần mềm quản lý cây xanh ThaiNguyen SmartTrees từ năm 2021 đến nay là: 6.039.788 cây, trong đó: trồng phân tán 1.766.337 cây; trồng tập trung 4.273.451 cây.