Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Cải tiến mô hình nuôi tôm, giảm ô nhiễm môi trường

PV - 15:04, 15/05/2018

Thời gian qua, trước thực trạng biến đổi khí hậu, môi trường ngày càng ô nhiễm, dịch bệnh gia tăng, đất đai bị thoái hoá, kém màu mỡ, làm cho tôm nuôi chậm lớn, dễ phát bệnh và lây lan dịch bệnh, các cơ quan chức năng ban ngành liên quan ở Cà Mau đã giới thiệu với bà con nhiều mô hình nuôi tôm mới như, nuôi tôm thẻ chân trắng ương trong ao lót bạt; nuôi tôm quảng canh cải tiến nước tĩnh… Nhằm giúp nông dân tìm hướng sản xuất mới phù hợp, hiệu quả kinh tế bền vững.

Ðể từng bước giải quyết những khó khăn cho người nuôi tôm theo hình thức quảng canh truyền thống, đầu năm 2014, từ nguồn kinh phí của Ðề án tôm-lúa của tỉnh, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư đã xây dựng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) nước tĩnh (hay ít thay nước).

Mô hình nuôi tôm giảm ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao chất lượng và năng suất. (Ảnh MH) Mô hình nuôi tôm giảm ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao chất lượng và năng suất. (Ảnh MH)

 

Tại Tổ hợp tác nuôi tôm QCCT khóm 10, phường 6, TP. Cà Mau, mô hình nuôi tôm QCCT ít thay nước được triển khai từ tháng 7/2016, dưới hình thức tổ hợp tác, có quy mô 50ha với 40 hộ dân tham gia. Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 30% con giống ở lần thả đầu và được hỗ trợ kỹ thuật. Sau 5 tháng triển khai, hiện nay mô hình đang phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch.

Mô hình thực hiện theo cách không lấy và xả nước thường xuyên như nuôi truyền thống, chỉ khi nào có mưa lớn hoặc nắng nóng làm mực nước trong đầm dao động mới xả bớt hay lấy nước vào, đủ đảm bảo độ sâu mặt đầm luôn từ 0,5m trở lên.

Theo cách nuôi này, nông dân không cần cho tôm ăn. Trong đầm nuôi các hộ trồng thêm các loại năn tượng, mắm, đước… Các loại thực vật này vừa giúp cải tạo môi trường nước, vừa là nơi trú ẩn và tạo nguồn thức ăn cho tôm, giúp tôm mau lớn, đạt đầu con.

Do ít thay nước nên hạn chế được một phần dịch bệnh từ môi trường. Bên cạnh đó, do áp dụng khoa học-kỹ thuật xử lý ban đầu, có ô dèo tôm giống, dùng vôi, vi sinh để xử lý định kỳ nên đảm bảo tốt môi trường nuôi. Bà con nông dân cho biết, năng suất và chất lượng con tôm tăng lên hẳn. Nếu làm đúng quy trình kỹ thuật, thì thu nhập tăng gấp hai, ba lần so với cách nuôi truyền thống. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.000ha nuôi tôm theo mô hình này. Đây là mô hình phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh, phù hợp với các hộ ít đất, ít vốn và hạn chế về kỹ thuật.

Tại thị trấn Ðầm Dơi, mô hình sử dụng hố xi-phông (xử lý chất thải và các chất lắng đọng khác ở đáy ao-PV) để giảm chi phí và kiểm soát dịch bệnh tốt hơn đang có xu hướng phát triển mạnh trên địa bàn, với 160 hộ dân tham gia.

Lợi thế của hố xi-phông là chủ động thay nước liên tục, kiểm soát được ô nhiễm nguồn nước và hạn chế được dịch bệnh. Ông Nguyễn Chí Hạnh, khóm 5, thị trấn Ðầm Dơi, có thâm niên nuôi tôm công nghiệp trên 10 năm cho biết, sau những vụ đầu trúng đậm thì vuông tôm nhà ông cũng lại như bao vuông nuôi khác trong tỉnh rơi vào tình trạng thất mùa liên miên, dịch bệnh hoành hành. Sau 2 vụ nuôi có sử dụng hố xi-phông, ông Hạnh rút ngắn được thời gian nuôi, giảm chi phí sản xuất khoảng 25 triệu đồng/ao; năng suất tăng từ 10-15%. Ðiều đặc biệt hơn là, các đầm tôm có sử dụng hố xi-phông đáy sẽ hạn chế tình trạng tôm rớt đáy ở giai đoạn trên 2 tháng tuổi.

Theo tính toán, cũng là nền ao cũ, nay chỉ cần lắp đặt thêm hố xi-phông ở đáy ao (giá chỉ khoảng 2 triệu đồng/ao 1.000m2); hoặc nếu đầu tư mới hoàn toàn thì tổng mức đầu tư cho một khu nuôi 1 ha hoàn chỉnh ở mức 1-1,5 tỷ đồng hay 200-250 triệu đồng/ao.

Trước tình trạng nguồn nước ngày càng ô nhiễm, nuôi tôm theo cách truyền thống ngày một bấp bênh, việc tìm hướng đi mới, giúp nông dân sản xuất hiệu quả trên cơ sở phát huy được lợi thế sẵn có ở địa phương là rất cần thiết. Các mô hình này đang mang lại hiệu quả tích cực, giúp giảm chi phí cải tạo vuông nuôi tôm, quản lý tốt được môi trường nước, hạn chế ô nhiễm.

Đến nay, diện tích nuôi thuỷ sản của tỉnh, chủ yếu là con tôm, là hơn 275.000ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến đã có khoảng 87.700ha.

TRƯỜNG AN

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Ngày 30/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đăk Hà (Kon Tum) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8 năm 2024, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719).