Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Các quốc gia trên thế giới vẫn đối mặt nguy cơ bùng phát dịch trở lại

PV - 09:42, 11/06/2021

Tuy nhiều quốc gia đã kiểm soát được dịch bệnh và tình hình ở nhiều nơi được cải thiện, nhưng theo giới chuyên gia, tất cả các quốc gia trên thế giới vẫn trong tình trạng đối mặt nguy cơ để đại dịch bùng phát lại, bởi các chủng virus mới nguy hiểm hơn vẫn có thể phát sinh trong thời gian tới.

Các nhà hàng, trung tâm thương mại vắng vẻ ở Singapore trong bối cảnh đại dịch (Ảnh: CNA)
Các nhà hàng, trung tâm thương mại vắng vẻ ở Singapore trong bối cảnh đại dịch (Ảnh: CNA)

Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 11/6 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 175.576.659 ca, trong đó 3.787.298 ca tử vong và 159.435.134 ca đã được chữa khỏi.

Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca nhiễm. Trong ngày hôm qua, Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới là 11.524 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 34.272.447 ca, trong đó 613.855 ca đã tử vong.

Trong khi đó, số ca nhiễm mới ở Ấn Độ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai bởi đại dịch cũng có dấu hiệu giảm, với 91.266 ca. Tổng số ca nhiễm tại nước này là 29.273.338 ca, trong đó 363.097 ca đã tử vong. Sau ngày cao điểm với hơn 6000 ca tử vong được ghi nhận, ngày hôm qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 3.402 ca tử vong vì dịch COVID-19.

Brazil trở thành quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với 17.210.969 ca và số ca tử vong là 482.019. Riêng ngày hôm qua, nước này ghi nhận thêm 85.612 ca nhiễm mới, 2.228 ca tử vong.

Châu Á trở thành khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (53.092.428 ca). Với 47.069.730 ca mắc, châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là Bắc Mỹ với 40.079.962 ca và Nam Mỹ với 30.235.787 ca. Châu Phi (5.028.091 ca) và châu Đại Dương (69.940 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.

Tình hình dịch bệnh ở châu Á vẫn diễn biến phức tạp với số ca nhiễm và tử vong mới tiếp tục tăng, trong đó Indonesia ghi nhận số ca nhiễm trong ngày 10/6 ở mức cao nhất kể từ ngày 26/2 với 8.892 ca; Mông Cổ có số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục với 1.460 ca; Malaysia thêm 5.671 ca nhiễm mới và 73 ca tử vong; Campuchia với 11 ca tử vong và 426 ca nhiễm mới...

Tại châu Á, sau Ấn Độ, Iran là quốc gia chịu ảnh hưởng thứ hai bởi dịch COVID-19 với 5.313.098 ca, trong đó 48.524 ca đã tử vong. Ngày hôm qua, nước này ghi nhận 12.398 ca nhiễm mới.

Tại Singapore, tình hình dịch bệnh đã có tiến triển tích cực với số ca lây nhiễm trong cộng đồng được ngăn chặn và số ca nhiễm mới giảm mạnh. Giới chức Singapore quyết định sẽ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội theo 2 giai đoạn, bắt đầu từ 14/6. Tuy nhiên, yêu cầu làm việc tại nhà vẫn được duy trì để giảm rủi ro. Song song với nới lỏng giãn cách xã hội từng bước, Singapore tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng và chiến dịch xét nghiệm phòng ngừa. Ngày 10/6, Singapore chỉ ghi nhận 4 ca nhiễm mới, mức thấp nhất trong ngày trong gần 4 tháng qua.

Tại Hàn Quốc, người dân bắt đầu tiêm vaccine Janssen của hãng dược Johnson&Johnson và do Mỹ cung cấp, với hy vọng sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Janssen là vaccine thứ tư được nhập khẩu vào Hàn Quốc, sau các vaccine của hãng AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và Moderna. Đây là vaccine chỉ tiêm một mũi duy nhất. Các loại còn lại phải tiêm hai mũi.

Trong khi đó, người phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Hans Kluge, cảnh báo châu Âu chưa qua cơn nguy hiểm dù số ca nhiễm và tử vong mới trong dịch COVID-19 đang giảm trên toàn châu lục, đồng thời kêu gọi người dân di chuyển có trách nhiệm trong kỳ nghỉ hè. Theo ông Kluge, biến thể Delta, xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ, rất đáng lo ngại, đồng thời nhắc nhở rằng các nước cần rút ra bài học từ đợt bùng phát số ca trong mùa hè năm ngoái ngay cả khi các chiến dịch tiêm phòng hiện đang được đẩy nhanh khắp khu vực. Theo ông, đến nay chỉ có 30% dân số khu vực châu Âu được tiêm liều vaccine đầu tiên, và điều đó là chưa đủ đề ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới.

Một phân tích từ số liệu của Đại học John Hopkins (Mỹ) cho thấy, thế giới đã ghi nhận hơn 1,88 triệu ca tử vong vì COVID-19 trong chưa đầy 6 tháng đầu năm nay, vượt quá tổng số người chết vì đại dịch trong cả năm 2020. Tại thời điểm cuối năm 2020, châu Âu và Bắc Mỹ chiếm tới 73% số ca nhiễm mỗi ngày và 72% số ca tử vong trên toàn thế giới. Thế nhưng giờ đây, hơn 80% số ca nhiễm và ca tử vong lại xảy ra ở Nam Mỹ, châu Á và châu Phi.

Theo giới chuyên gia, tất cả các quốc gia trên thế giới vẫn trong tình trạng có nguy cơ để đại dịch bùng phát lại bởi các chủng virus mới nguy hiểm hơn vẫn có thể phát sinh trong thời gian tới./.