Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã: Mối họa cho sức khỏe con người

Hồng Phúc - 23:56, 04/05/2020

Mặc dù đã được khuyến cáo, cảnh báo rộng rãi, động vật hoang dã (ĐVHD) mang trong mình những vi khuẩn, ký sinh trùng nguy hại khôn lường cho sức khỏe cho con người, tuy nhiên, những năm qua, việc săn bắt, mua bán, tiêu thụ ĐVHD vẫn ngày càng phức tạp.

Chợ chim thiên nhiên được bày bán công khai trên đại lộ Thăng Long (Hà Nội).
Chợ chim thiên nhiên được bày bán công khai trên đại lộ Thăng Long (Hà Nội).

Tại Việt Nam, tình hình buôn bán trái phép các loài động thực vật hoang dã trong những năm gần đây vẫn diễn ra khá sôi động và phức tạp. Số liệu mới nhất do Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) công bố năm 2019 cho thấy, trong khoảng 15 năm gần đây, trong số các vụ bắt giữ buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam hoặc liên quan đến Việt Nam có ít nhất 105,72 tấn ngà voi (khoảng 15.779 cá thể voi); 1,69 tấn sừng tê giác (khoảng 610 cá thể tê giác); da, xương từ ít nhất 228 cá thể hổ và cơ thể và vảy của 65.510 cá thể tê tê.

Trước đó, thống kê của Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã và Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin cũng khẳng định, trong thời gian 5 năm (1/2013 - 12/2017), có đến 1.504 vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD bị phát hiện, ngăn chặn và xử lý; 41.328kg cá thể và sản phẩm bị thu giữ; 1.461 đối tượng vi phạm và 432 bị cáo bị đưa ra xét xử.

Những con số trên khiến chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, ĐVHD, nhất là những loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ đang dần biến mất và để lại những hiểm họa kinh hoàng cho loài người. Bởi trong chúng tiềm ẩn những vi khuẩn, ký sinh trùng nguy hại khôn lường cho sức khỏe. Không ít người đã rước họa vào thân, từ lây nhiễm bệnh tật đến mất mạng do nhiều vi khuẩn chết người ẩn chứa trong ĐVHD.

Năm 2019, Việt Nam và 9 quốc gia khác phải chịu những tổn thất kinh tế nghiêm trọng khi phải tiêu hủy 5 triệu con lợn nhiễm bệnh. Nguồn bệnh được cho là bắt nguồn từ lợn hoang dã ở châu Phi. Dịch tả lợn châu Phi vẫn là mối đe dọa lâu dài đối với ngành Chăn nuôi nước ta.

Ngay tại thời điểm này, chúng ta đang gồng mình chống chọi dịch bệnh Covid-19, một chủng virus được cho là phát hiện truyền từ ĐVHD. Thế nhưng, những mối nguy hại âm ỉ như chợ ĐVHD, mua bán động vật tinh vi trên mạng xã hội, nhà hàng đặc sản chim, thú rừng… vẫn tồn tại.

Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho biết, việc thừa nhận các mối đe dọa từ buôn bán ĐVHD, đặc biệt là khả năng lây truyền dịch bệnh từ ĐVHD sang người là cơ hội để các quốc gia rà soát, sửa đổi và thực thi nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến bảo tồn ĐVHD và ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Vừa qua, 14 tổ chức bảo tồn thiên nhiên đã viết thư ngỏ gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị các biện pháp cụ thể để tiến hành đóng cửa thị trường buôn bán ĐVHD, cũng như kiểm soát chặt chẽ, xử lý các hành vi liên quan.

Thực tế, việc săn bắt ĐVHD có thể khiến người liên quan đối diện với nguy cơ tù tội, nhưng tình hình tiêu thụ ĐVHD vào mục đích ăn uống vẫn ngày một diễn ra tinh vi, phức tạp hơn. Điển hình như trường hợp chợ Thạnh Hóa (tỉnh Long An) ngang nhiên bày bán nhiều loài động vật hoang dã bất chấp sự phản ánh nhiều lần của các cơ quan báo chí.

Liên quan đến vấn đề xóa bỏ chợ đen ĐVHD, một số luật sư cho rằng, vấn về ĐVHD hiện nay, cần được nhìn nhận ở góc độ bảo tồn đa dạng sinh học và bảo đảm sức khỏe con người. Tuy nhiên, tại Việt Nam, quy định pháp luật bảo vệ ĐVHD còn bộc lộ hạn chế, đó là sự thiếu vắng quy định về quyền tự nhiên của động vật khi các quy định về ĐVHD hiện nằm rải rác trong các bộ luật chuyên ngành.