Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bốn phương diện thành công của Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025

Tào Đạt - 5 giờ trước

Diễn ra từ ngày 06 đến 08/5 tại Học viện Phật giáo Việt Nam (huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh), Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 đã được tổ chức thành công tốt đẹp trên bốn phương diện trọng tâm, đó là: về tâm linh, văn hóa, hội thảo học thuật, cầu nguyện hòa bình cho thế giới. Lần thứ tư là nước chủ nhà của một lễ hội tôn giáo tầm cỡ quốc tế, Việt Nam đã tái khẳng định vai trò là một trong những trung tâm của Phật giáo thế giới, trung tâm của nền Phật giáo nhập thế gắn với các hoạt động ngoại giao văn hóa, thúc đẩy sự đoàn kết, hòa hợp vì hòa bình, an lạc cho con người.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường và Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham dự khai mạc Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, diễn ra vào sáng 6/5
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường và Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham dự khai mạc Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, diễn ra vào sáng 6/5

Dấu ấn lịch sử và tâm linh thiêng liêng

Trao đổi với báo chí, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết: Thành công của Vesak 2025 là minh chứng về sự phối hợp hiệu quả giữa Ủy ban Quốc tế Ngày Vesak Liên Hợp Quốc.

Sự kiện Vesak năm nay không chỉ mang tính chất là lễ hội tôn giáo quốc tế của Phật giáo, mà còn là dịp để khẳng định những giá trị cao đẹp của dân tộc Việt Nam trong tiến trình hội nhập và phát triển toàn diện. Đại lễ đã diễn ra trong không khí thiêng liêng, trang nghiêm và tràn đầy tinh thần đoàn kết, thể hiện sự hòa quyện hài hòa giữa tinh thần yêu nước, truyền thống văn hóa dân tộc và giáo lý từ bi - trí tuệ - hòa bình của Đức Phật.

“Với sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, cùng nỗ lực cao độ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cộng đồng quốc tế, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 đã được tổ chức thành công tốt đẹp trên bốn phương diện trọng tâm”, Thượng tọa Thích Nhật Từ nhấn mạnh.

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, về phương diện tâm linh, chiêm bái Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong khuôn khổ Đại lễ là sự kiện đầu tiên và mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Lễ cung thỉnh và tôn trí Xá lợi Đức Phật - Bảo vật Quốc gia, được Chính phủ Ấn Độ cho phép thỉnh từ Bảo tàng Quốc gia Ấn Độ – nơi trung chuyển Xá lợi được khai quật từ thánh địa Nagarjunakonda. Lễ cung nghinh chính thức diễn ra vào ngày 2/5, mở đầu cho hành trình thiêng liêng kéo dài đến ngày 21/5, với hàng triệu lượt phật tử và Nhân dân cả nước thành kính chiêm bái.

Hàng triệu lượt phật tử và Nhân dân cả nước đã đến thành kính chiêm bái Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. (Trong ảnh: Người dân xếp hàng chiêm bái Xá lợi Đức Phật khi được tôn trí tại chùa Thanh Tâm tại TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 2-8/5)
Hàng triệu lượt phật tử và Nhân dân cả nước đã đến thành kính chiêm bái Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. (Trong ảnh: Người dân xếp hàng chiêm bái Xá lợi Đức Phật khi được tôn trí tại chùa Thanh Tâm tại TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 2-8/5)

Bên cạnh đó, Xá lợi Trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức, Quốc bảo thiêng liêng của Việt Nam – biểu tượng sống động của tinh thần vị tha và từ bi – đã được cung thỉnh long trọng vào ngày 5/5, và chính thức an vị để công chúng chiêm bái từ ngày 6/5. Đây là hai sự kiện mang dấu ấn lịch sử và tâm linh thiêng liêng nhất của Vesak năm nay.

Hài hòa giữa nghệ thuật truyền thống và tinh thần hiện đại

Cũng theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, các hoạt động văn hóa của Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 thể hiện sự hài hòa giữa nghi lễ Phật giáo, nghệ thuật truyền thống và tinh thần hiện đại, mở ra không gian văn hóa Phật giáo sống động, lan tỏa niềm tin và cảm hứng tâm linh.

Lễ thượng cờ Phật giáo 500 mét vuông và 108 quốc kỳ các nước, lễ hoa đăng với 37.000 đóa sen lung linh đã diễn ra trong không gian thiêng liêng và xúc động, thể hiện khát vọng hòa bình, cầu nguyện cho thế giới an lành. Đồng thời tưởng niệm và cầu siêu cho hàng triệu người con Việt Nam đã anh dũng hy sinh hoặc qua đời trong chiến tranh, vì nền độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc.

Triển lãm, trưng bày 87 Bảo vật quốc gia, nghệ thuật kiến trúc Phật giáo đã làm sáng tỏ vai trò của văn hóa Phật giáo trong việc kết nối cộng đồng và nuôi dưỡng bản sắc dân tộc.

Việt Nam đã tái khẳng định vai trò là một trong những trung tâm của Phật giáo thế giới, khi đã tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025.
Việt Nam đã tái khẳng định vai trò là một trong những trung tâm của Phật giáo thế giới, khi đã tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025

Chương trình 3 đêm biểu diễn nghệ thuật quốc tế tại Công viên Láng Le vào ngày 3-5/5 đã tạo nên không gian cộng hưởng giữa ánh sáng, âm thanh, triết lý Phật giáo và tâm nguyện hòa bình. Đêm 3/5 là cải lương Cuộc đời Đức Phật. Đêm 4/5 là chương trình biểu diễn Vesak Rạng ngời. Đêm 5/5 là chương trình biểu diễn nghệ thuật quốc tế Vesak Thiêng liêng.

Chương trình giao lưu nghệ thuật quốc tế diễn ra vào tối ngày 7/5 tại Thisky Hall (TP.HCM) để lại ấn tượng sâu sắc, góp phần giới thiệu bản sắc văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Kết tinh trí tuệ qua hàng trăm tham luận

Cũng theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, về phương diện hội thảo học thuật, hội thảo quốc tế Vesak 2025 đã quy tụ hơn 1.200 đại biểu, học giả, trí thức Phật giáo đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, với chủ đề: "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo về hòa bình thế giới và phát triển bền vững".

Tuyên bố chung tại Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2025 là lời kêu gọi hướng đến thế giới công bằng, hòa bình và phát triển bền vững
Tuyên bố chung tại Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2025 là lời kêu gọi hướng đến thế giới công bằng, hòa bình và phát triển bền vững

Hội thảo tiếng Anh gồm 5 tiểu ban chuyên đề và tiếng Việt cũng gồm 5 chuyên đề; thảo luận sâu sắc về các nội dung thiết yếu: hòa bình bền vững, đạo đức toàn cầu, giáo dục từ bi, trị liệu bằng chánh niệm, bình đẳng giới, hợp tác và hành động Phật giáo vì nhân loại.

“Sự kết tinh trí tuệ qua hàng trăm tham luận quốc tế và quốc nội là minh chứng rõ ràng cho vị thế Phật giáo trên toàn cầu cũng như ngày càng cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên bản đồ Phật giáo thế giới, đồng thời làm nổi bật vai trò của Phật giáo trong việc đối thoại và định hình các giải pháp về các vấn nạn toàn cầu”, Thượng tọa Thích Nhật Từ cho hay.

Mang ước nguyện về thế giới hòa bình

Thượng tọa Thích Nhật Từ khẳng định: Về phương diện cầu nguyện hòa bình thế giới, hai lễ cầu nguyện hòa bình thế giới được tổ chức long trọng, sâu sắc và đầy xúc cảm.

Lễ cầu nguyện lan tỏa ước nguyện hòa bình và hướng mỗi người biết sống với chánh niệm và từ bi. (Trong ảnh: Chư tăng trong nước và quốc tế tham dự lễ cầu nguyện hòa bình tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, diễn ra tối 6/5)
Lễ cầu nguyện lan tỏa ước nguyện hòa bình và hướng mỗi người biết sống với chánh niệm và từ bi. (Trong ảnh: Chư tăng trong nước và quốc tế tham dự Lễ cầu nguyện hòa bình tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, diễn ra tối 6/5)

Lễ thứ nhất vào tối ngày 6/5, tại chùa Thanh Tâm, với sự tham dự của hơn 1.300 đại biểu quốc tế, 1.000 tăng ni Việt Nam, 4.000 sinh viên và 10.000 Phật tử trong nước, là sự kết nối kỳ diệu giữa tâm linh và lòng nhân ái, thắp lên ngọn đèn trí tuệ giữa thế giới nhiều bất an.

Cùng với đó, Lễ cầu nguyện hòa bình thứ hai diễn ra vào chiều ngày 8/5 tại Núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh cũng đã lan tỏa ước nguyện sâu xa về thế giới hòa bình, hòa hợp, bao dung để "không ai bị bỏ lại phía sau".

Tin cùng chuyên mục
Bình Gia (Lạng Sơn): Huy động các nguồn lực ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng

Bình Gia (Lạng Sơn): Huy động các nguồn lực ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng

Trong những năm qua, huyện Bình Gia (Lạng Sơn) đã huy động các nguồn lực để ưu tiên đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhiều công trình giao thông, trường học, nước sinh hoạt từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn xã hội hóa đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống đồng bào các DTTS trên địa bàn.