Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bình Liêu (Quảng Ninh): Nhiều công trình chống lũ hoàn thành trước mùa mưa bão

Mỹ Dung - 16:42, 23/07/2024

Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh hội tụ đủ những đặc thù của một huyện vùng cao có đông đồng bào DTTS sinh sống, giao thông khó khăn, thường xuyên phải đối mặt với thời tiết mưa lũ bất thường. Do vậy những năm qua, huyện rất chú trọng đầu tư, xây dựng hệ thống ngầm tràn thay thế bằng những cống hộp cỡ lớn. Đây là những công trình vượt lũ, không chỉ giúp bà con vùng DTTS đi lại thuận lợi chấm dứt cảnh ngập lụt nhiều năm qua, đảm bảo giao thương thông suốt, ngay cả khi mưa bão về mà còn có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Các dự án cầu vượt lũ thay thế các tràn qua sông, suối có ý nghĩa dân sinh lớn
Các dự án cầu vượt lũ thay thế các tràn qua sông, suối có ý nghĩa dân sinh lớn

Theo chia sẻ của người dân Bình Liêu, nhiều năm qua, cứ sau một trận mưa lớn là không ít thôn, xã vùng cao bị cô lập hoàn toàn bởi lối giao thông duy nhất bị ngập sâu trong nước. Chị La Thị Liếp, thôn Phiêng Sác, xã Đồng Tâm nói: “Năm nào cũng thế, cứ mùa mưa đến là người dân trong thôn đi lại khó khăn lắm. Nước sông dâng cao chảy xiết, ngầm tràn ngập có lần kéo dài cả tuần nên gần như không làm được gì cả, học sinh phải nghỉ học nhiều ngày”.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền địa phương chỉ còn cách duy nhất là bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, căng dây, cắm biển cảnh báo, chỉ dẫn để người dân không đi qua tràn. Bước vào mùa mưa bão năm nay, người dân thôn Phiêng Sáp phấn khởi, vì hệ thống ngầm tràn đang dần được thay thế bằng những cống hộp cỡ lớn (giống như cây cầu) chấm dứt cảnh ngập lụt, giao thông chia cắt mỗi khi lũ về.

Anh Phùn Dương Huy, Bí thư, Trưởng thôn Phiêng Sáp cho biết: "Lúc chưa có cầu thì thôn gần như bị cô lập khi mưa lũ lớn. Nay có cầu đi lại thuận tiện, khi lũ về bà con vẫn có thể đi lại giữa bản này với bản khác. Bà con thấy phấn khởi, yên tâm lao động, sản xuất, con em không lo phải nghỉ học”.

Sau mỗi trận mưa lớn việc đi lại của bà con địa phương cực kỳ khó khăn
Sau mỗi trận mưa lớn việc đi lại của bà con địa phương cực kỳ khó khăn

Không chỉ có thôn Phiêng Sáp, trước mùa mưa bão năm nay, Bình Liêu có 9 ngầm tràn khác ở các thôn được thay thế bằng những cống hộp cỡ lớn, với tổng mức đầu tư hơn 55 tỷ đồng. Đây là những công trình vượt lũ xóa nỗi lo thấp thỏm của người dân vùng cao. Tiêu biểu nhất phải kể tới công trình cầu vượt lũ Nà Khau - Pắc Pò, nằm trên tuyến đường huyết mạch nối trung tâm xã Đồng Tâm với 5 thôn, bản khác. Cây cầu thay thế tràn Nà Khau - Pắc Pò được xây mới, với 11 cống xả nước, cao 7m, mỗi cửa xả rộng 6m. Mặt đường được nâng lên kéo dài gần 100m với 2 làn xe qua lại, đảm bảo thoát nước ngay cả khi lượng mưa lên tới 300-400mm/ngày. 

Ông Nông Thanh Sơn, Phó Chủ tịch xã Đồng Tâm cho hay: Trên quãng đường từ xã Đồng Tâm vào các thôn này chỉ có 5 cây số, nhưng có tới 5 cống hộp. Nà Khau - Pắc Pò là tuyến cống khó thi công nhất vì 2 bên bờ sông rất rộng. Ban đầu cũng gặp khó khăn vì người dân chưa hợp tác về giải phóng mặt bằng, nhưng sau chúng tôi vận động thì người dân hiểu ý nghĩa của cây cầu trong việc đi lại, phát triển kinh tế và có việc gì khẩn cấp, thì xã có thể vào được với bà con ngay để cùng khắc phục khó khăn, vậy là người dân ủng hộ.

Từ tháng 6/2021 đến nay, từ nguồn ngân sách của tỉnh Quảng Ninh, huyện Bình Liêu đã đầu tư cải tạo nâng cấp 34 hệ thống tràn vượt lũ, trong đó phần lớn là ở các địa bàn thôn, xã vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS. Ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Bình Liêu cho biết, trước mùa mưa bão năm nay, sẽ có 10 công trình đi vào hoạt động: "Chúng tôi thay thế toàn bộ hệ thống cống hộp, toàn bộ hệ thống giao thông không bị tắc lũ. Đến nay, đã xây xong 22 cống hộp và huyện đang đôn đốc cố gắng hoàn thành thêm 10 cống hộp trước mùa mưa lũ 2024. Hiện nay, 10 công trình này giải ngân 70%".

Thực tế cho thấy, các dự án cầu vượt lũ thay thế các tràn qua sông, suối có ý nghĩa dân sinh về đảm bảo an toàn đi lại của người dân và giúp hàng hóa nông sản của người dân thông thương ngay cả khi lũ về. Đây cũng là cách thiết thực của chính quyền địa phương nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống người dân vùng còn nhiều khó khăn, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền.