Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nghệ An: Những mô hình sống an toàn cùng lũ

An Yên - 15:16, 18/11/2020

Câu cửa miệng bao đời “sống chung với lũ” của người dân những vùng thấp trũng xứ Nghệ đang dần dịch chuyển sang “sống an toàn với lũ”. Để rồi những mô hình nhà chống lũ đã ra đời, những chiếc thuyền nan được mua sắm thêm…; hay chỉ đơn giản hơn, những chiếc bể chứa nước mưa cũng đã được xây dựng để “vượt lũ”.

Sống an toàn cùng lũ
Những chiếc thuyền nhỏ rất cơ động để di tản dân khi có lũ ở huyện Hưng Nguyên

“Tổ ấm” mùa lũ

Từ lâu, “rốn lũ” ở Hưng Nguyên (Nghệ An) được nhiều người biết đến với những xã nằm trọn ngoài đê tả sông Lam như Hưng Lợi, Hưng Lĩnh, Châu Nhân... Đây là vùng dễ ngập lụt và ngập nặng trong mùa mưa bão bởi không có đê bao bọc.

Lũ về, nhà nào nhà ấy ngập ngang hông; mọi sinh hoạt đời thường bị gián đoạn. Nước dâng cao bao nhiêu thì kê đồ đạc lên bấy nhiêu. Nhưng có năm, lũ to, kê đến mấy cũng không lại với trời đành bất lực nhìn tài sản ngâm trong nước. “Của đau con xót”, nhiều hộ dân đã nghĩ đến phương án tôn nền, xây dựng nhà có gác xép để tránh khi lũ về.

Nay, những xã nằm ngoài đê tả sông Lam thuộc huyện Hưng Nguyên, hầu hết các gia đình đã xây nhà có gác xép, gác chạn kết hợp tôn nền nhà cao tới hơn 1m so với mặt đường để tránh lũ. Gác chạn thường được thiết kế cách nền nhà từ 2,8 – 3m. Phòng khi có lũ, gác chạn trở thành nơi tá túc, tránh trú của mọi người trong nhà.

Đây còn là nơi cất giữ lương thực quanh năm của các gia đình, đảm bảo không bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Và, những chiếc “lưng nhà” còn được trổ vài lỗ vuông để khi lũ rút, nước có đường thoát nhanh và dễ làm vệ sinh nhà cửa…

Sống an toàn cùng lũ 1
Người dân xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên làm gác chạn và tích trữ nước để luôn sẵn sàng “vượt lũ”

Những người đến xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên lần đầu sẽ không khỏi ngạc nhiên vì những bể nước hình trụ được thiết kế cao tới 4 - 5m. Nước được dẫn bằng các ống nhựa từ mái nhà, đặc biệt hữu ích khi lũ về. Mặc bốn bề là nước lũ đục ngầu, người dân vẫn có nước sạch để dùng khi rút lên các chòi nhà, gác chạn, cách nền nhà 2,5-3 mét.

Đó là những “tổ ấm mùa lũ,” nơi có đầy đủ lương thực, thực phẩm dự trữ, chỗ nấu ăn và cả chỗ ngủ. Trâu bò cũng có thức ăn và chỗ trú ngay cạnh chủ nhờ những chòi cao được xây cặp theo nhà.

Và những chiếc thuyền cứu hộ

Rời “rốn lũ” huyện Hưng Nguyên, chúng tôi ngược lên vùng “rốn lũ” Bích Hào nằm sát sông Lam của huyện Thanh Chương. Bích Hào là một trong 5 xã khó khăn nhất huyện, gồm: Thanh Xuân, Thanh Lâm, Thanh Hà, Thanh Tùng, Thanh Long và Bích Hào. Gọi là vùng khó, bởi nơi đây chỉ sản xuất được một vụ vì “chưa nắng đã khô, chưa mưa đã ngập”.

“Sống an toàn với lũ”, người dân vùng Bích Hào không chỉ xây dựng nhà tránh lũ, cồn tự cứu, mà còn mua sắm thêm thuyền nhỏ để dễ cơ động khi nước lũ bủa vây. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết mỗi nhà dân nơi đây đều có 1 chiếc thuyền tôn nhỏ gác mái, sẵn sàng “hạ thủy” khi có lũ. Khi các cấp chính quyền chưa thể tiếp cận, người dân đã cơ động dùng thuyền nhỏ sơ tán người già, trẻ nhỏ cùng những tài sản có giá trị đến nơi an toàn.

Sống an toàn cùng lũ 2
Nhà tránh lũ của người dân xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương

Cũng tương tự như xã Bích Hào, người dân và chính quyền xã Thanh Tùng cũng đã quen dần với việc “sống an toàn cùng lũ". Theo ông Đặng Hữu Biền, Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng, xã luôn nhắc nhở người dân về ý thức tự phòng tránh, mình là dân vùng lũ, phải chủ động trong việc đối phó để sống an toàn với lũ. Nếu bị động thì hậu quả rất khủng khiếp, ngoài mất ngoài còn là tài sản.

Lối tư duy “sống an toàn cùng lũ” đã và đang được rất nhiều vùng lũ ở xứ Nghệ áp dụng, thực hiện có hiệu quả. Bởi vậy, dù năm nào cũng xuất hiện lũ nhưng thiệt hại đã giảm rất đáng kể. Chính những căn nhà chòi, nhà có gác xép, nhà cộng đồng tránh lũ đến những chiếc thuyền tôn cơ động trong thôn xóm; hay thậm chí là những bể chứa nước mưa xây dựng “vượt lũ”… đã cho thấy nhận thức, hành động ứng phó với thiên tai, mưa lũ của bà con đã thay đổi hoàn toàn.