Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bảo vệ di sản: Thách thức sinh kế cho cộng đồng dân cư

PV - 10:40, 20/08/2018

Việt Nam được UNESCO đánh giá rất cao trong quá trình bảo vệ di sản cả vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, tổ chức này cũng đã có cảnh báo về những thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong việc bảo đảm sinh kế cho những người dân địa phương sinh sống trong vùng di sản.

Cả nước hiện có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận. Đây là những “mỏ vàng” của ngành Du lịch nước ta. Dòng khách hướng tới các khu di sản mang lại nguồn thu lớn và kích thích phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là ngành Du lịch.

Theo thống kê từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2017, khách du lịch quốc tế, trong nước tới thăm quan các khu di sản ở Việt Nam tăng mạnh, đem lại nguồn thu lớn. Riêng 8 khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã đón trên 16 triệu lượt khách (trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế), với doanh thu từ vé thăm quan và phí dịch vụ trực tiếp khoảng trên 2.500 tỷ đồng.

Để bảo vệ di sản làng cổ Đường Lâm, người dân không được sửa chữa, xây mới nhà cửa. Để bảo vệ di sản làng cổ Đường Lâm, người dân không được sửa chữa, xây mới nhà cửa.

Tuy nhiên, trong nội tại các di sản lại có nhiều mâu thuẫn. Đáng kể nhất là việc các di sản đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương, nhưng lại hạn chế nhu cầu và lợi ích của một bộ phận dân cư. Chẳng cần nói đâu xa, ngay tại làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), từ bao nhiêu năm nay, để giữ gìn di sản này, người dân nơi đây, dù nhà cửa xuống cấp, mục nát, nhưng không được tiến hành tu sửa, chứ đừng nói là xây mới. Ở phố cổ Hội An (Quảng Nam) cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Với những di sản thiên nhiên thì mâu thuẫn này dù không bộc lộ trực tiếp nhưng cũng rất gay gắt. Như ở Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình), đây là di sản thế giới tự nhiên đặc thù gắn với cộng đồng các DTTS Arem, Rục, Sách (thuộc dân tộc Chứt) và người Bru-Vân Kiều. Chính cộng đồng các DTTS cùng với các giá trị văn hóa truyền thống nơi đây là những “di sản sống”, làm nên diện mạo di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng.

Theo một nghiên cứu của UNESCO, từ khi Phong Nha-Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới (lần đầu vào năm 2003, lần thứ 2 vào năm 2015) đã tác động không nhỏ đến sinh kế, tập quán truyền thống của các cộng đồng DTTS. Tại Hội thảo khoa học quốc tế “Sự tham gia của cộng đồng và cách tiếp cận quyền tại các khu di sản thế giới” được tổ chức vào tháng 11/2015, đại diện UNESCO tại Việt Nam đã cảnh báo, quá trình hình thành di sản thế giới đã ảnh hưởng đến đất đai, tài nguyên và quyền sở hữu của cộng đồng địa phương. Trong khi người dân bị hạn chế khai thác gỗ, canh tác nương rẫy, thì Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng đang được giao cho các đơn vị Nhà nước và tư nhân để khai thác du lịch; khu vực vốn là quyền hoạt động tập quán truyền thống bị thu hẹp. Trong khi khả năng tiếp nhận các hình thức trao quyền về kinh tế và xã hội của di sản thế giới cho bên thứ ba nhanh, thì việc giải quyết quyền sử dụng tài nguyên và đất cộng đồng chậm.

Mới đây (ngày 27/7/2018), tại Hội nghị “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững” được tổ chức tại Hà Nội, đại diện UNESCO một lần nữa cảnh báo về những thách thức trong bảo đảm sinh kế cho các cộng đồng dân cư địa phương ở các di sản của Việt Nam. Đại diện UNESCO đánh giá, du lịch phát triển nhờ các di sản, nhưng cộng đồng cư dân địa phương có nguy cơ bị cách ly khỏi nhịp phát triển xã hội và mất đi nguồn mưu sinh truyền thống, trong khi hầu như không có cơ hội hưởng lợi từ nguồn thu di sản.

Tại Hội nghị “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ, di sản không phải là di sản chết mà phải đóng góp vào phát triển bền vững. Như vậy, chúng ta có nhiệm vụ làm di sản luôn hồi sinh và tồn tại có ích. Để phát huy giá trị di sản phi vật thể, cần tôn vinh các nghệ nhân và coi họ chính là báu vật sống của quốc gia; giải quyết hài hoà lợi ích giữa bảo tồn và phát triển, gìn giữ di sản và phát triển du lịch.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, cả nước có gần 40.000 di tích; 61.669 di sản văn hóa phi vật thể (trong đó 249 di sản được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia); 161 bảo tàng, 142 bảo vật quốc gia và trên 3 triệu tài liệu, hiện vật. Nổi bật trong số đó là 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 12 di sản văn hóa phi vật thể và 7 di sản tư liệu được UNESCO công nhận.

KHÁNH THI