Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tam Đường (Lai Châu): Thực hiện hiệu quả Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719

Hà Minh Hưng - 05:20, 12/12/2023

Thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) huyện vùng cao Tam Đường, tỉnh Lai Châu đã và đang tích cực triển khai các hoạt động nhằm nâng cao năng lực, kiến thức cho các tâng lớp cán bộ, Nhân dân về bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

(CĐ LAI CHÂU) Tam Đường thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống
Màn trình diễn khèn Mông liên thế hệ với sự góp mặt của hơn 130 nghệ nhân diễn viên và học sinh trong Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông năm 2023.

Khôi phục bản sắc văn hóa các dân tộc

Trong suy nghĩ của nhiều người, lâu nay chỉ có vùng đất Bắc Hà (Lào Cai) mới có hội đua ngựa. Song tháng 9 vừa qua, trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa dân tộc Mông huyện Tam Đường năm 2023; Phòng Văn hóa Thể thao và Thông tin huyện Tam Đường phối hợp với xã Tả Lèng tổ chức Cuộc thi đua ngựa thu hút đông đảo người dân và các nài ngựa của 12 xã trong huyện tham gia.

 Sức hút của ngày hội nằm ngoài dự tính của ban tổ chức, đã có nhiều du khách quay xuôi vì tắc đường, nuối tiếc không được tham dự cuộc đua thú vị này. Có dịp trao đổi các cao niên đến dự hội mới biết, phong trào đua ngựa của đồng bào Mông các xã Tả Lèng, Giang Ma, Khun Há, Nùng Nàng đã cách đây hàng chục năm, nhưng gián đoạn một thời gian, nay mới khôi phục trở lại.

Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông huyện Tam Đường, ngoài những hoạt động thường niên, như các trò chơi dân gian, thi thể thao, giã bánh dày, tù lu, du khách đặc biệt ấn tượng với màn trình diễn khèn Mông của 3 thế hệ. Nghệ nhân Lý Páo Thào, xã Nùng Nàng bộc bạch: "Lần đầu tiên tại không gian thực cảnh có nhiều người xem tôi trình diễn khèn Mông. Cảm giác cùng các cháu nhỏ múa khèn giữa bốn bề mây núi, lúa vàng… mới thấy tự hào về giá trị văn hóa dân tộc mình được tôn vinh. Lần đầu tiên một màn trình diễn khèn Mông liên thế hệ, với sự góp mặt của hơn 130 nghệ nhân diễn viên và học sinh bậc THCS trên địa bàn huyện. Đó là sự tiếp nối, trao truyền tới thế hệ kế cận hôm nay...".

Cuối tháng 11 vừa qua, tại Tam Đường diễn ra Tuần Văn hóa và Du lịch với nhiều nội dung hấp dẫn thu hút du khách và Nhân dân. Nghệ nhân Lò Văn Chai cùng với đội văn nghệ xã Nà Tăm trình diễn lễ hội Cầu Mùa, một nghi lễ đặc sắc của đồng bào Lào diễn ra vào dịp khi cây lúa xuống đồng.

Cũng tại đây các nghệ nhân, những người nắm giữ di sản được dịp trình diễn những nét văn hóa tiêu biểu dân tộc Lào như, tục hát đối, múa xòe chiêng, se lanh, dệt vải và đặc biệt là tục nhuộm răng đen.

(CĐ LAI CHÂU) Tam Đường thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống 1
Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Dao Đầu Bằng bản Sì Thâu Chải thể hiện bản lĩnh của đàn ông dân tộc Dao trong việc chinh phục thiên nhiên.

Với người Dao ở Hồ Thầu, lễ hội Nhảy lửa là nét sinh hoạt văn hóa tinh thần hết sức phong phú và độc đáo. Theo quan niệm, thần lửa là vị thần linh thiêng nhất, lửa mang lại sự ấm áp cầu thần linh mang lại cho dân an vật thịnh, xua đuổi điều xui, đẩy lùi bệnh tật và và mang sức khỏe cho cộng đồng. Có lẽ, người vui nhất bản Sì Thâu Chải là ông Phàn A Nao, trong khuôn khổ Tuần Văn hóa, thầy Nao làm chủ lễ Nhảy lửa. Được biết, trước khi ngày hội khai mạc, ngày nào thầy Nao cũng say sưa chỉ dẫn các học trò tập luyện các động tác, nghi thức cho thuần thục.

Nhạc sỹ Lê Minh Cừ người có nhiều năm gắn bó với công tác bảo tồn văn hóa - Tổng đạo diễn Chương trình "Đại ngàn khoe sắc" trong Tuần Văn hóa- Du lịch huyện Tam Đường năm 2023 chia sẻ: "Đại ngàn khoe sắc" là chương trình nghệ thuật thực cảnh phản ánh đời sống văn hóa, "văn hóa tâm linh, sinh hoạt, lao động sản xuất…"; mỗi trích đoạn, hoạt cảnh, là một gam màu đa sắc được hòa quyện giữ thiên nhiên cùng những nét văn hóa tinh hoa các dân tộc huyện Tam Đường…"

Tiếp nối, trao truyền và hướng đế phát triển bền vững

Cứ đều đặn, cứ vào thứ tư hằng tuần, các em học sinh trên địa bàn xã Hồ Thầu lại khoác trên mình những bộ trang phục truyền thống và tập luyện diễn xướng những trích đoạn truyền thống như nghi thức trong Lễ Tủ cải, Lễ cưới, tục Nhảy lửa, những bài hát, vũ điệu, sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình…

Thầy giáo Nguyễn Đình Diên, Hiệu trưởng trường TH&THCS xã Hồ Thầu cho biết: Năm học 2023 -2024, trường TH&THCS Hồ Thầu, có 531 học sinh, dân tộc Dao chiếm 99 %. Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục. Những năm gần đây, nhà trường đã lồng ghép giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc địa phương vào các tiết học và các hoạt động ngoại khóa. Qua đó, nâng cao ý thức cho học sinh trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

(CĐ LAI CHÂU) Tam Đường thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống 2
Lễ hội Cầu mùa của dân tộc Lào xã Nà Tăm, cầu mong một năm mưa thuận, giò hòa, mùa màng bội thu.

Thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719, Tỉnh ủy Lai Châu cùng các cấp cơ sở đã cụ thể hóa nhiều chỉ thị, Nghị quyết nhằm nâng cao năng lực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS. Cụ thể như Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy Lai Châu về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. 

Đặc biệt là, Nghị quyết 59/2021 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Lai Châu về chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025. Theo đó, mỗi CLB được hỗ trợ thành lập 41 triệu 500 nghìn đồng, đối với phục dựng lễ hội được hỗ trợ 80tr/một lễ hội. 

Thực hiện Nghị quyết số 03 - NQ/HU, ngày 10/9/2020 của BCH Đảng bộ huyện Tam Đường về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Xã Bản Bo đã thành lập 13/13 đội văn nghệ quần chúng, thường xuyên luyện tập các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài ra, xã thành lập được 03 câu lạc bộ sử dụng và trình diễn nhạc cụ dân tộc Lào, dân tộc Thái, dân tộc Mông...; phục dựng và duy trì 01 lễ hội truyền thống (Lễ hội Xòe chiêng).

Trong lĩnh vực di sản văn hóa, xã Bản Bo phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức 02 buổi truyền dạy đánh chiêng, thổi sáo cho 15 thành viên. Cùng với đó, hỗ trợ các nghệ nhân trong việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa phi vật thể. Tổ chức 01 lớp truyền dạy dân ca dân vũ tại bản Nà Cang cho 10 thành viên của CLB Dân ca múa dân tộc Lào…

Ông Đỗ Trọng Thi, Trưởng Phòng Văn hóa Thể thao và Thông tin huyện cho biết: "Xác định tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS. Những năm qua, huyện Tam Đường đã tập trung nỗ lực triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các DTTS trên địa bàn huyện. Với những kết quả ban đầu, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc, nhất là đối với thế hệ trẻ… ".

Tin cùng chuyên mục
Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Ngày 4/12, Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị truyền thông tuyên truyền “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, Trung học cơ sở xã Bắc La.