Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bảo tồn và khai thác giá trị đàn đá Khánh Sơn

Phương Lê - 10:06, 06/05/2020

Đàn đá là loại nhạc cụ cổ có giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của đồng bào Raglai. Từ xưa đến nay, đồng bào Raglai vẫn luôn tự hào với loại nhạc cụ thô sơ, độc đáo được chế tác từ những thanh đá này.

Qua công tác truyền dạy, lớp trẻ Raglai dần có đam mê với đàn đá.
Qua công tác truyền dạy, lớp trẻ Raglai dần có đam mê với đàn đá.

Năm 1977, tại thôn Dốc Gạo, thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), ông Bo Bo Ren, một người dân địa phương tình cờ phát hiện 12 thanh đá với kích thước, hình dáng khác nhau, có thể phát ra âm thanh như tiếng đàn. Căn cứ vào những hiện vật tìm thấy, các nhà khảo cổ học đã kết luận bộ đàn đá này có niên đại từ 2.000 đến 5.000 năm.

Đến năm 1979, những thông tin về đàn đá Khánh Sơn đã được chính thức công bố rộng rãi ở trong và ngoài nước.

Theo các nhà nghiên cứu, đàn đá được xếp đặt dọc các con suối gần nương, rẫy, tạo nên âm thanh vừa đuổi chim muông, thú rừng, vừa góp phần làm thi vị cuộc sống buôn làng. Giá trị hơn, những bộ đàn đá được sử dụng biểu diễn trong các kỳ lễ hội, những ngày vui của cộng đồng. Từ những thanh đá vô tri, qua đôi bàn tay của các nghệ nhân, nhạc công đã trở thành một loại nhạc cụ phát ra các thanh âm trong trẻo, trầm bổng, có hồn, có điệu.

Ông Trương Văn Vỹ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn cho biết: Đàn đá không chỉ mang trong mình nét đẹp văn hóa, tâm hồn của đồng bào mà còn là niềm tự hào của người Raglai. Tuy nhiên, hiện nay, những bộ đàn đá để biểu diễn còn rất ít, người biết đánh đàn đá cũng ít, còn người biết chọn đá để làm đàn lại càng ít hơn.

“Hiện tại, toàn huyện Khánh Sơn có 2 bộ đàn đá dùng để biểu diễn. Một bộ tại Phòng Truyền thống huyện, còn một bộ do xã Sơn Hiệp quản lý. Số người biết đánh đàn đá cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, chúng tôi rất lo vì không biết sau này có còn ai biết chơi đàn đá nữa không”, ông Vỹ chia sẻ.

Trước thực tế trên, UBND huyện Khánh Sơn đang triển khai kế hoạch bảo tồn, khôi phục và nâng cao giá trị loại nhạc cụ này trong cuộc sống hôm nay. Trong năm 2020, huyện Khánh Sơn khảo sát, phục dựng 3 hệ thống đàn đá nước theo nguyên bản của người Raglai. Mỗi hệ thống có từ 9 đến 15 thanh đá, kích thước lớn, dài và kêu vang, bảo đảm yếu tố mỹ thuật truyền thống.

Các đàn đá này sẽ được bố trí tại các dòng chảy tự nhiên ở 3 địa điểm gồm: Thôn Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp), xã Ba Cụm Nam và xã Thành Sơn. Đối với đàn đá dùng biểu diễn, huyện cũng cho chế tác 10 bộ để bổ sung cho Phòng Truyền thống huyện và 8 xã, thị trấn. Mỗi bộ gồm 14 thanh có chất âm kêu vang, có thể biểu diễn độc tấu và hòa tấu.

Cùng với việc phục dựng các bộ đàn đá, huyện cũng tổ chức tập huấn về phương pháp bảo tồn và kỹ năng biểu diễn đàn đá cho 16 nhạc công người Raglai tại địa phương; tổ chức quảng bá giá trị về loại nhạc cụ cổ truyền người Raglai gắn với phát triển du lịch. Địa phương đã mời các nhạc sĩ, nghệ nhân am hiểu về đàn đá để thực hiện dự án, đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành.

Ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn chia sẻ: Việc khôi phục đàn đá nhằm tăng cường bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn. Quyết tâm của địa phương là đưa đàn đá trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào. Từ đó, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống của dân tộc mình. Vậy nên, việc bảo tồn, khôi phục phải được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực tiễn của địa phương.