Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bảo tồn, phát triển cộng đồng người Chứt ở Hà Tĩnh: Hành trình 59 năm

PV - 10:17, 25/01/2018

Kỳ 1: Tạm định cư, chưa định canhỞ bản Rào Tre, những người sinh năm 1990 trở về trước cơ bản không biết chữ. Người “nhiều chữ” nhất, được bảo trợ đi học THPT ở TP. Hồ Chí Minh cũng nằng nặc bỏ về.

Nhà ở của bà con dân tộc Chứt bản Rào Tre được cán bộ, chiến sỹ Biên phòng Hà Tĩnh sửa chữa, xây mới. (Ảnh chụp ngày 26/2/2017). Nhà ở của bà con dân tộc Chứt bản Rào Tre được cán bộ, chiến sỹ Biên phòng Hà Tĩnh sửa chữa, xây mới. (Ảnh chụp ngày 26/2/2017).

 

Cấp gạo đều đều

Rào Tre nằm lặng lẽ ở góc rừng, dưới chân dãy núi Cà Đay, thuộc địa phận xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Cuối chiều, nắng tà xiên qua đỉnh núi, chiếu loang lổ xuống những thửa ruộng nhỏ phía trước trụ sở Tổ công tác-Đồn Biên phòng 575.

Vội tắm rửa sau một ngày vật lộn với nắng gió để chỉ huy anh em xây thêm 6 ngôi nhà mới, thay thế những ngôi nhà cũ đã xập xệ cho bà con, Trung tá Nguyễn Quốc Phú, Tổ trưởng Tổ công tác, dẫn chúng tôi đi thăm bản. Chỉ tay về phía những nóc nhà sàn gối lưng vào sườn núi, rồi chỉ vào những thửa ruộng vừa mới cấy trước mặt, anh Phú nói: “Sau bao nhiêu năm, bà con cũng chỉ mới tạm định canh, định cư thôi. Chứ chặng đường phía trước còn gian nan lắm!”.

Tôi biết, ẩn sau câu nói của anh là cả một nỗi trăn trở. Không trăn trở sao được khi đã qua gần 60 năm được tìm thấy và đưa về sinh sống tập trung tại Rào Tre, bà con dân tộc Chứt ở đây dường như vẫn còn khá lạ lẫm với nếp sống mới.

Trong muôn vàn cái khó thì có lẽ, khó nhất là để cây lúa, con chữ “cắm” được tại bản Rào Tre. Tính từ thời điểm Tỉnh ủy Hà Tĩnh giao cho Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện Dự án bảo tồn, phát triển dân tộc Chứt (tháng 6/2001) đến nay đã gần 16 năm, nhưng Tổ công tác vẫn phải “cắm bản” để “cầm tay, chỉ việc”, từ khâu làm đất đến xuống giống, thậm chí cả lúc gặt hái.

“Tổ công tác chỉ có 30 cán bộ, chiến sĩ, lại phân thành nhiều lĩnh vực khác nhau để giúp đỡ bà con. Nên sau nhiều năm, cả bản chỉ mới khai hoang được 3,4ha đất canh tác, trong đó có 2,7ha đất lúa 2 vụ”, anh Phú chia sẻ.

Lúc này, tôi mới hiểu thấu tiếng thở dài của Chủ tịch UBND xã Hương Liên, ông Đinh Văn Sảnh, khi trao đổi về khó khăn của 41 hộ đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre. Sau gần 60 năm rời hang đá, chính quyền các cấp cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã cho bà con cái họ, cái tên, tạo lập nơi ăn chốn ở, tập làm quen với phương thức sản xuất mới.

Nhưng cái nghèo thì vẫn dai dẳng. “Xã vẫn phải tiếp tục đề xuất với huyện, với tỉnh cấp gạo cho bà con thôi. Bao năm rồi, cứ 15kg gạo/người/tháng, chưa có cách nào hay hơn”, Chủ tịch UBND xã Hương Liên đã nhẩn đi nhẩn lại câu nói đó suốt cả buổi trò chuyện.

Thật ra, xã cũng đã tìm nhiều cách để bà con tự ổn định cuộc sống ấy chứ. Như năm 2016, một lớp đào tạo nghề mây tre đan đã được mở ngay tại bản, hơn 30 lao động tham gia. Nhưng kết thúc lớp học đồng thời cũng kết thúc luôn “giải pháp” của chính quyền xã. Vậy nên, vẫn cứ phải cấp gạo, vẫn cứ phải “cầm tay chỉ việc”.

Lay lắt con chữ

Gieo cây lúa đã khó, việc “cắm” con chữ ở Rào Tre lại còn khó khăn hơn. Cả bản có 41 hộ với 147 nhân khẩu, trong đó có 44 em đang theo học các cấp học. So với tổng dân số, số lượng học sinh ở Rào Tre chiếm tỷ lệ 29,9% chứ có ít đâu.

Nhưng cái khó là càng lên cấp học cao hơn, số lượng học sinh của bản lại càng giảm. Năm học 2016-2017, Rào Tre có 15 học sinh cấp Mầm non, 18 học sinh cấp Tiểu học, 11 học sinh cấp THCS và THPT.

“Với các cháu học tại xã thì không có vấn đề gì nhưng nan giải nhất là với các cháu học THCS, THPT, phải rời bản học ở Trường THPTDTNT huyện. Mặc dù xã, huyện rất quan tâm, thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ các cháu, thậm chí bố trí xe đưa đón nhưng các cháu không yên tâm học, lúc nào cũng muốn về”, Chủ tịch UBND xã Hương Liên chia sẻ.

Ông Sảnh kể thêm, trong bản có em Hồ Thị Kiên, sinh năm 1987, được Trường PTTH tư thục Duy Tân (Tp. Hồ Chí Minh) nhận đài thọ nuôi ăn học. Nhà trường còn mua vé máy bay, xã bố trí người đưa Kiên vào để học, nhưng em không chịu.

“Cháu nó bảo sợ rời bản. Hiện cháu ở nhà, chờ lấy chồng”, Chủ tịch xã Hương Liên tặc lưỡi.

Như cách nói của Trung tá Nguyễn Quốc Phú thì Hồ Thị Kiên là học sinh “nhiều chữ” nhất của bản, tính đến thời điểm này. Còn đa phần những người sinh năm 1990 trở về trước thì cơ bản nói được tiếng phổ thông, nhưng về “con chữ” thì chịu. Một phần nguyên nhân xuất phát từ tâm lý không muốn đi xa gia đình của bà con.

Tâm lý “ngại rời bản”, hay đúng hơn là ngại tiếp xúc, phải chăng vẫn là một bản năng mà người Chứt ở bản Rào Tre chưa thể dứt bỏ? Đây có lẽ là rào cản lớn nhất khiến bà con sau gần 60 năm rời hang đá vẫn chưa hòa nhập với đời sống mới, tự đặt mình vào “ốc đảo” của chính mình?.

SỸ HÀO