Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS ở Đăk Tô

Ngọc Chí – Nhật Quang - 06:45, 01/08/2024

Huyện Đăk Tô (Kon Tum) có 17 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 55% dân số toàn huyện và mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán riêng. Chính vì vậy, thời gian qua, huyện đã chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS, tạo nên sự phong phú, đa dạng về văn hóa, làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân trên địa bàn huyện.

Huyện Đăk Tô có 17 dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo nên vùng đất đa dạng về văn hóa
Huyện Đăk Tô có 17 dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo nên vùng đất đa dạng về văn hóa

Vùng đất giàu bản sắc văn hóa

Trong công cuộc kháng chiến, quân và dân huyện Đăk Tô cùng với các đội quân chủ lực của ta đã chiến đấu anh dũng, làm nên chiến thắng lẫy lừng với chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (tháng 4/1972). Sau khi huyện Đăk Tô được giải phóng, đồng bào các dân tộc trong huyện tiếp tục cùng quân, dân trong tỉnh và cả nước chiến đấu, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Phát huy truyền thống đấu tranh bất khuất trong chiến tranh, với khát vọng phát triển, đồng bào các dân tộc huyện Đăk Tô đã đồng sức, đồng lòng, tích cực lao động sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng vùng đất Đăk Tô ngày càng phát triển. Cùng với đó, các giá trị văn hóa truyền thống luôn được đồng bào DTTS gìn giữ và phát huy.

Công chiêng được xem là tài sản quý giá của đồng bào Ba Na ở thôn Đăk Rao Lớn, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô
Cồng chiêng được xem là tài sản quý giá của đồng bào Ba Na ở thôn Đăk Rao Lớn, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô

Văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn huyện Đăk Tô khá đa dạng với nhiều loại hình: Các lễ hội, di sản văn hóa cồng chiêng, nhà Rông truyền thống, nghề truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, những phong tục tập quán tốt đẹp.

Ông A Bin (dân tộc Ba Na), Già làng, Người có uy tín thôn Đăk Rao Lớn, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô chia sẻ: Thôn có gần 100% là người Ba Na – nhánh Rơ Ngao sinh sống. Thôn luôn giữ được bản sắc văn hóa riêng của mình như nhà Rông, trang phục, nghề truyền thống và cồng chiêng, múa xoang. Bởi đây là giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc nên phải gìn giữ cho thế hệ mai sau.

Huyện Đăk Tô là nơi sinh sống lâu đời của người Xơ Đăng, cũng như các dân tộc khác, người Xơ Đăng luôn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay, như: Cồng chiêng, múa xoang; nghề đan lát, dệt thổ cẩm, rèn; chế tác nhạc cụ đàn T’rưng, K’lông Pút, đàn goong; các lễ hội truyền thống như: Lễ hội mừng lúa mới, lễ cúng máng nước...

Việc đưa văn hóa cồng chiêng vào biểu diễn ở các sự kiện của huyện góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, Nhân dân trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc
Việc đưa văn hóa cồng chiêng vào biểu diễn ở các sự kiện của huyện góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, Nhân dân trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc

Ông A Thu (dân tộc Xơ Đăng), thôn Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô chia sẻ: Giống như nhiều dân tộc anh em khác sinh sống ở huyện Đăk Tô, đời sống tinh thần dân tộc Xơ Đăng gắn bó với các lễ hội, chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa đậm đà bản sắc. Vào những dịp lễ hội, Tết, đồng bào Xơ Đăng thường diễn xướng cồng chiêng và kể những câu chuyện sử thi về dân tộc mình cũng như về cội nguồn của vùng đất Tây Nguyên. Việc tổ chức các lễ hội không chỉ để duy trì những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Xơ Đăng, mà còn là dịp để người dân giao lưu, thắt chặt thêm tình đoàn kết.

Ngoài các DTTS tại chỗ, huyện Đăk Tô còn có một số đồng bào DTTS từ các tỉnh phía Bắc đến sinh sống, lập nhiệp, như: Mường, Nùng, Tày, Thái, Thổ... Mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán riêng tạo nên sự phong phú, đa dạng về văn hóa, làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân trên địa bàn huyện.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa

Quán triệt và nhận thức sâu sắc các quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội”, những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS luôn được huyện Đăk Tô quan tâm, chú trọng. Các cấp, ngành đã triển khai hiệu quả "Đề án bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 – 2020 và giai đoạn 2021 - 2025", "Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến 2030".

Để bảo tồn văn hóa cồng chiêng, từ năm 2021 đến nay, UBND huyện Đăk Tô đã cấp 17 bộ cồng chiêng cho các thôn đồng bào DTTS chưa có cồng chiêng; Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với UBND các xã mở 6 lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang cho hàng trăm học viên; tổ chức 1 lớp dạy chỉnh chiêng cho 8 nghệ nhân là đồng bào DTTS ở các xã.

Những nghệ nhân người Ba Na trình diễn cồng chiêng
Những nghệ nhân người Ba Na trình diễn cồng chiêng

Theo thống kê, đến nay, toàn huyện có 59 bộ cồng chiêng, các thôn, làng vùng đồng bào DTTS đều có cồng chiêng của tập thể và cá nhân. 100% thôn, làng DTTS tại chỗ có nhà Rông truyền thống. Huyện duy trì tổ chức Ngày hội Văn hóa các DTTS và Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS 2 năm/lần. Tiếng cồng chiêng và nhịp múa xoang độc đáo của các thế hệ cha ông đang tiếp tục được trình diễn trong các ngày hội, tạo thành nét đẹp văn hóa và niềm tự hào của đồng bào DTTS nơi đây.

Em Y Lâm Huy (dân tộc Xơ Đăng), ở thôn 5, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô chia sẻ: Em rất thích âm thanh ngân vang của cồng chiêng. Nhờ các nghệ nhân trong thôn chỉ dạy nên em đã biết đánh cồng chiêng. Khi tham gia Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS em cảm thấy rất vui, được mang đến cho mọi người nhiều tiết mục ý nghĩa và em cũng mong muốn những giá trị văn hóa truyền thống đó luôn được gìn giữ.

Đặc biệt, thực hiện Dự án 6, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 – 2025, huyện Đăk Tô đã hỗ trợ mua sắm trang phục, đạo cụ, nhạc cụ và hỗ trợ thù lao bồi dưỡng trong tập luyện, biểu diễn cho 09 đội văn nghệ ở các thôn vùng đồng bào DTTS; hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại 6 thôn vùng đồng bào DTTS.

Anh A Huyền (dân tộc Xơ Đăng), thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô chế tác các nhạc cụ truyền thống của dân tộc
Anh A Huyền (dân tộc Xơ Đăng), thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô chế tác các nhạc cụ truyền thống của dân tộc

Ông A Sút (dân tộc Xơ Đăng), Thôn trưởng thôn Đăk Manh 2, xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô cho biết: Vừa rồi xã có đầu tư cho thôn xây dựng hàng rào, sửa chữa nhà Rông với tổng kinh phí hơn 160 triệu đồng. Công trình hoàn thành đã tạo nên cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Có nhà Rông khang trang thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và nhất là tổ chức dạy cồng chiêng, múa xoang cho thế hệ trẻ trong thôn.

"Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa đã được huyện Đăk Tô coi trọng, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của các tầng lớp Nhân dân, làm tăng sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong tiến trình hội nhập và phát triển. Công tác tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội, về công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc ngày càng được chú trọng, nâng cao với nhiều hình thức. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân về vị trí, vai trò và trách nhiệm của Nhân dân, nhất là người DTTS trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc", ông Nguyễn Nhật Quang, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đăk Tô cho biết.

Tin cùng chuyên mục
Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Ngày 4/12, Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị truyền thông tuyên truyền “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, Trung học cơ sở xã Bắc La.