Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bảo đảm quyền việc làm cho đồng bào DTTS: Thúc đẩy khởi nghiệp (Bài cuối)

Cù Hương - Sỹ Hào - 10:24, 18/11/2023

Một trong những rào cản trong giải quyết việc làm cho lao động (LĐ) người DTTS là tâm lý ngại thay đổi, không muốn rời xa bản làng, ít LĐ vượt lên bứt phá để tìm những hướng đi mới. Chính vì vậy, bên cạnh các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, cấp tín dụng ưu đãi,… thì Nhà nước đã và đang triển khai các cơ chế khuyến khích khởi nghiệp, tự tạo việc làm của LĐ người DTTS.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trao quà động viên tinh thần các thành viên Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Ngãi trong Chương trình “Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp ở vùng đồng bào DTTS và miền núi” diễn ra tối ngày 19/4/2023.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trao quà động viên tinh thần các thành viên Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Ngãi trong Chương trình “Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp ở vùng đồng bào DTTS và miền núi” diễn ra tối ngày 19/4/2023.

“Khơi thông” động lực

Do xuất phát điểm thấp nên nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi chủ yếu được phân bổ từ ngân sách nhà nước. Các tỉnh miền núi có đông đồng bào DTTS sinh sống rất khó thu hút đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân (KTTN), trong khi đây là địa bàn còn nhiều tiềm năng.

Những năm gần đây, với những chính sách khuyến khích của Nhà nước, khu vực KTTN (bao gồm cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài) ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có những tín hiệu khả quan. Lên miền núi thời điềm này, ngay cả ở những xã vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó thì vẫn thấy các băng-rôn, bảng thông tin tuyển lao động của các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Sự phát triển của khu vực KTTN ở miền núi đã tạo việc làm và mở ra nhiều cơ hội việc làm cho LĐ người DTTS, từng bước trở thành nguồn thu nhập quan trọng của các hộ gia đình ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Kết quả điều tra thu thập thông tin KT – XH 53 DTTS gần đây nhất do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, tiền lương đóng góp khoảng 45% tổng thu nhập trung bình của hộ gia đình DTTS, cao hơn cả tỷ trọng đóng góp của thu nhập từ nông nghiệp.

Chính vì vậy, theo chuyên gia độc lập về phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi - TS. Phạm Thái Hưng, khu vực KTTN hiện đang là động lực quan trọng trong việc đảm bảo, thúc đẩy quyền việc làm của LĐ người DTTS. Bên cạnh đóng góp quan trọng về thu nhập, làm việc tại các doanh nghiệp, LĐ người DTTS có điều kiện thay đổi tư duy “vượt lũy tre làng”, có nhiều cơ hội tiếp xúc, giao lưu. Những trải nghiệm ở môi trường công nghiệp là yếu tố quan trọng để nâng cao khả năng thích ứng của LĐ người DTTS trước yêu cầu của thị trường LĐ hiện nay.

Để “khơi thông” động lực này, cuối tháng 6/2023, Ủy ban Dân tộc phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và các bên liên quan tổ chức Diễn đàn Điều phối lần thứ I “Thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân tạo cơ hội cho đồng bào DTTS tại Hà Giang, Tuyên Quang, và Yên Bái”. Đây là một hoạt động trong Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao năng lực thể chế thực hiện Đề án Tổng thể phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030” do Ủy ban Dân tộc thực hiện, từ nguồn viện trợ không hoàn lại của ADB. Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2024 với tổng vốn 2,3 triệu USD.

Giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm về quá trình khởi nghiệp trong Chương trình “Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp ở vùng đồng bào DTTS và miền núi” diễn ra tối ngày 19/4/2023 tại Quảng Ngãi.
Giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm về quá trình khởi nghiệp trong Chương trình “Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp ở vùng đồng bào DTTS và miền núi” diễn ra tối ngày 19/4/2023 tại Quảng Ngãi.

Tại Diễn đàn này, chuyên gia độc lập về phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi Phạm Thái Hưng đã khuyến nghị, quyết tâm thu hút đầu tư tư nhân là một định hướng rõ ràng của các cấp chính quyền, nhưng các chính sách hỗ trợ cần được đơn giản hóa về thủ tục để doanh nghiệp dễ tiếp cận. Bên cạnh đó, đầu tư công cần phải có tác dụng “dẫn hướng” cho đầu tư tư nhân; tức là đầu tư công cần được ưu tiên cho những công trình cơ sở hạ tầng có ý nghĩa kết nối, thúc đẩy đầu tư tư nhân vào những lĩnh vực mà địa phương có lợi thế so sánh.

Khuyến khích khởi sự kinh doanh

Cùng các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, cấp tín dụng ưu đãi,… thì Nhà nước đã và đang triển khai các cơ chế khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của LĐ người DTTS. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Nội dung số 03 thuộc Tiểu dự án án 2 – Dự án 3, do Ủy ban Dân tộc chủ trì - Pv).

Triển khai Nội dung số 03 thuộc Chương trình MTQG 1719, Thông tư số 55/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính đã quy định, mức chi hỗ trợ thúc đẩy khởi sự kinh doanh, thu hút đầu tư vào vùng đồng bào DTTS và miền nú (Điều 14). Theo đó, đối với các tổ chức, cá nhân khởi sự kinh doanh, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ xây dựng mô hình; trong đó, hỗ trợ 50% chi phí đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản; hỗ trợ 100% chi phí hợp đồng đặt hàng các cơ sở viện, trường để nghiên cứu thử nghiệm phát triển sản phẩm dịch vụ; hỗ trợ 75% chi phí thiết kế bao bì, nhãn mác, quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Tại Tọa đàm “Khai thác giá trị văn hoá, phát triển sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi” được tổ chức ngày 29/9/2023, bà Bế Hồng Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc (Ủy ban Dân tộc) cho biết, thực hiện Nội dung số 03, đến nay đã hỗ trợ tạo được 249 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Thực hiện Nội dung số 03, đến nay đã hỗ trợ tạo được 249 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Ảnh minh họa)
Thực hiện Nội dung số 03 thuộc Chương trình MTQG 1719, đến nay đã hỗ trợ tạo được 249 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Ảnh minh họa)

“Cùng với đó, đã tổ chức được 445 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và 402 mô hình phát triển sản xuất cộng đồng. Đặc biệt, Chương trình đã tổ chức được 35 hội nghị tập huấn về năng lực thương mại, trong đó có tập huấn về kỹ năng thương mại, kỹ năng bán hàng - kinh doanh với sự tham gia của hơn 1.400 đồng bào DTTS”, bà Vân cho biết.

Việc hỗ trợ đồng bào DTTS khởi sự kinh doanh là một giải pháp để thúc đẩy phát triển thương mại miền núi. Trước đây, chính sách này đã được triển khai trong một số chương trình, đề án như: Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Từ năm 2021, vấn đề phát triển thương mại miền núi, vùng đồng bào DTTS được thể hiện rất rõ nét ở Dự án 3 của Chương trình MTQG 1719. Riêng ở Tiểu dự án 2 của Dự án 3 đã đặt mục tiêu là hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị phù hợp với từng vùng, miền và khai thác tiềm năng, lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình và giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi.