Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bắc Kạn: Phát huy lợi thế vùng gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

Việt Quỳnh - Thùy Như - 18:07, 19/12/2023

Hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung triển khai các dự án sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền, từ đó giúp người dân thay đổi tư duy làm kinh tế, nâng cao thu nhập.

(BCĐ - TT vận động) Bắc Kạn: Phát huy lợi thế từng vùng gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi
Chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn mang lại thu nhập khá cho người dân thôn, bản vùng cao

Phát triển mô hình liên kết theo chuỗi giá trị

HTX Nhung Lũy (xã Yến Dương, huyện Ba Bể, Bắc Kạn) khởi đầu là tổ hợp tác sản xuất bí xanh thơm, chăn nuôi lợn, gà, trồng lúa, trồng rừng với 10 thành viên. Nhận thấy tại địa phương có những sản phẩm truyền thống như lạp sườn, thịt lợn treo gác bếp, quả mắc mật sấy khô, quả bí xanh thơm... nhưng chủ yếu sản phẩm vẫn chỉ được người dân buôn bán nhỏ lẻ. Giữa năm 2018, HTX Nhung Lũy được thành lập, theo đó các sản phẩm nông sản đã được HTX đăng ký tham gia chương trình OCOP.

Đến năm 2023, HTX Nhung Luỹ đã có 4 sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao và 2 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Hiện HTX đã có 20 thành viên chính thức, thu nhập của các thành viên đạt khoảng 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Để mở rộng quy mô, HTX đã thành lập 36 tổ hợp tác với 400 thành viên (trong đó có 164 hộ nghèo, cận nghèo) liên kết trồng nguyên liệu. Các hộ tham gia liên kết được hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm tạo nguồn thu nhập ổn định.

Sau hơn 5 năm triển khai các mô hình HTX theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền, huyện Ba Bể đã có 34 sản phẩm OCOP (trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao, 33 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh). Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận, giúp nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập. Năm 2023, huyện Ba Bể có 2 sản phẩm đủ điều kiện nâng hạng sao, 15 sản phẩm đủ điều kiện tham gia chương trình OCOP. Trong đó nổi bật là 2 sản phẩm miến dong Yến Dương và gạo Nếp Tài của HTX Yến Dương. Riêng sản phẩm gạo Nếp Tài đã đạt sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn TCVN.

Để có vùng nguyên liệu ổn định, HTX Yến Dương đã liên kết với người dân thôn Phiêng Phàng trồng lúa Nếp Tài. Các hộ tham gia được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, kỹ thuật ủ phân, toàn bộ sản phẩm được HTX tiêu thụ. Năm nay, một kg gạo Nếp Tài bán được 30.000 đồng, mang lại nguồn thu nhập khá cho hàng chục hộ.

(BCĐ - TT vận động) Bắc Kạn: Phát huy lợi thế từng vùng gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi 1
Bí xanh thơm của huyện Ba Bể (Bắc Kạn) là một trong những sản phẩm OCOP được phân phối tới nhiều thành phố lớn và các tỉnh trên cả nước.

Tiếp tục đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ sản xuất để thành công

Để phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp; tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư; bàn giải pháp đẩy mạnh liên kết trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp; chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động liên kết với doanh nghiệp thực hiện theo hình thức đầu tư có thu hồi…; Bên cạnh đó, các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã quan tâm tới việc cho vay đáp ứng chi phí sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn, dư nợ khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đến hết tháng 3/2023 đạt trên 2.346 tỷ đồng, chiếm hơn 70% tổng dư nợ. Nhờ các nguồn vốn được vay, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đã sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị. Phát triển kinh tế nông nghiệp thời gian qua đã đem lại hiệu quả, qua đó thu hút được lực lượng lao động cho nông nghiệp, lực lượng lao động trong nông nghiệp của tỉnh đến nay có trên 89.000 người, cơ cấu lao động nông nghiệp chiếm 68,02%. Hiện nay, toàn tỉnh có 276 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 2 liên hiệp hợp tác xã, 391 tổ hợp tác gồm 4.725 thành viên; 10 trang trại chăn nuôi và trang trại tổng hợp…

(BCĐ - TT vận động) Bắc Kạn: Phát huy lợi thế từng vùng gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi 2
Lễ cắt băng khánh thành khai mạc hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể HTX KV phía Bắc năm 2023

Từ liên kết theo chuỗi giá trị, tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa, như: Vùng trồng dong riềng khoảng 1.000ha ở huyện Na Rì, huyện Ba Bể; vùng trồng bí xanh thơm khoảng 200ha ở huyện Ba Bể… Đặc biệt, nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu trong phát triển kinh tế, có thu nhập hằng trăm triệu đồng/năm. Điển hình như các hộ: bà Nguyễn Thị Hồng Minh ở xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn với mô hình trồng trọt - dịch vụ, chế biến nông sản sạch, bình quân tổng thu nhập từ mô hình đạt hơn 1 tỷ đồng/năm; hộ ông Quản Trọng Quỳnh tại xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn với mô hình sản xuất kinh doanh trồng trọt, chăn nuôi, thu nhập của gia đình sau khi đã trừ chi phí đạt 1,5 tỷ đồng/năm; hộ bà Nguyễn Thị Mai, tổ 17, phường Sông Cầu cũng là một điển hình về phát triển kinh tế đạt thu nhập hơn 850 triệu đồng/năm; hộ ông Lý Xuân Vinh (phường Sông Cầu, TP. Bắc Kạn) với mô hình kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm và thức ăn gia súc của mô hình trồng cây ăn quả; hộ ông Nguyễn Văn Sử (xã Dương Phong) và hộ ông Lưu Chấn Thụ (xã Quang Thuận) ở huyện Bạch Thông… cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.

(BCĐ - TT vận động) Bắc Kạn: Phát huy lợi thế từng vùng gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi 3
Sản phẩm OCOP "Rượu lúa non Khẩu Nua Lếch" của huyện Ngân Sơn Bắc Kạn tham gia hội chợ xúc tiến thương mại phía Bắc năm 2023

Hiện nay, Bắc Kạn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Một số sản phẩm nông sản như: Gạo bao thai, miến dong, gạo khẩu nua lếch, tinh bột nghệ, nano curcumin nghệ, bí xanh thơm, mơ chế biến... đã trở thành hàng hóa, tham gia vào hệ thống bán lẻ hiện đại ở một số thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... Không chỉ dừng lại ở đó, sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan của Bắc Kạn đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu, được khách hàng quốc tế ưa chuộng, tin dùng.

Ông Lâm Tiến Giáp, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp (Sở KH-ĐT tỉnh Bắc Kạn) cho biết, tỉnh Bắc Kạn ưu tiên thực hiện các dự án mở rộng trồng chè chất lượng cao, chế biến rau, củ, hoa quả, miến dong, trồng cây dược liệu, gỗ lớn để phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy. Trên cơ sở đó, tỉnh ưu tiên kêu gọi nhà đầu tư tham gia chuỗi liên kết ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại để chế biến sâu các sản phẩm nông lâm sản, xúc tiến thương mại và dịch vụ hậu cần nông nghiệp nhằm gia tăng giá trị để tạo thương hiệu riêng cho nông sản Bắc Kạn. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích thu hút đầu tư, tạo điều kiện hình thành các chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương. 

Điều tra, đánh giá hiệu quả chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2023 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cho thấy, chủ thể các sản phẩm OCOP sử dụng lao động địa phương chiếm tỷ lệ trên 95%. Các HTX có sản phẩm OCOP đã tạo ra hàng nghìn việc làm cho người lao động ở khu vực vùng cao, vùng nông thôn.