Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Yên Bái: Xây dựng cơ chế đặc thù hỗ trợ phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi

Vân Khánh - Xuân Hải - 15:27, 13/06/2022

Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Yên Bái đồng thời triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG). Để nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án chính sách, tỉnh Yên Bái chủ trương tập trung lồng ghép nguồn lực để đảm bảo đủ vốn, nâng cao hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS của tỉnh.

Diện mạo vùng cao Yên Bái đang đổi thay từng ngày
Diện mạo vùng cao Yên Bái đang đổi thay từng ngày

“Cú hích” từ chính sách

Yên Bái là tỉnh miền núi có 30 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào DTTS chiếm 57,3 % tổng dân số toàn tỉnh. Những năm qua, tỉnh đã xây dựng, ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chính sách chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi. Riêng giai đoạn 2016 - 2020, bình quân mỗi năm, nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đạt trên 2.800 tỷ đồng, chưa tính vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn xã hội hóa.

Từ nguồn lực đó, tỉnh Yên Bái đã tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, trên tất cả các lĩnh vực (kết cấu hạ tầng KT - XH, phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới...). Nhờ đó, hiện 100% xã trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có đường ô tô đến được trung tâm; 100% số bản đi được xe máy trong mùa khô; 100% số xã có điện lưới quốc gia; 100% số xã có điểm bưu điện văn hóa; 100% số xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình...

Nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS đã góp phần nâng thu nhập bình quân của tỉnh Yên Bái năm 2021 đạt 50 triệu đồng/người/năm. (Trong ảnh: Người dân xã Xà Hộ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái thu hoạch Sơn Tra - Ảnh TL)
Nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS đã góp phần nâng thu nhập bình quân của tỉnh Yên Bái năm 2021 đạt 50 triệu đồng/người/năm. (Trong ảnh: Người dân xã Xà Hộ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái thu hoạch quả sơn tra - Ảnh TL)

Theo ông Trần Xuân Thủy, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Yên Bái, kết quả thực hiện chính sách dân tộc, đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển KT- XH vùng DTTS và miền núi của tỉnh, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội trong năm 2020, 2021 vừa qua.

 Kết thúc năm 2021, dẫu khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, nhưng tỉnh cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu KT- XH đề ra, trong đó có 17 chỉ tiêu vượt. Đặc biệt, tỉnh đã “về đích” và còn vượt chỉ tiêu về Chỉ số Hạnh phúc của người dân. Năm 2021, Chỉ số Hạnh phúc của người dân Yên Bái đạt 58,11, vượt 0,8% so với kế hoạch.

Kết thúc năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 42,7 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 4,76%, giảm 2,28% so với năm 2020; riêng 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải giảm 7,83% (từ năm 2022, theo chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 18,07%).

Cơ chế đặc thù tạo đột phá phát triển

Ông Trần Xuân Thủy, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Yên Bái nhìn nhận, kết quả thực hiện chính sách dân tộc, đã củng cố niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng và Nhà nước; đồng thời động viên, khích lệ tinh thần vươn lên của đồng bào. Điều kiện sống được nâng lên, kinh tế gia đình phát triển hơn là động lực để bà con quyết tâm hơn nữa trên hành trình thoát nghèo bền vững.

Như chia sẻ của ông Triệu Quý Chòi, thôn Khe Chung, xã Xuân Tầm (huyện Văn Yên), năm 2021, ông được hỗ trợ 1 con lợn giống; 1 ti vi, 2.000 cây quế giống... với trị giá khoảng 10 triệu đồng. Nguồn hỗ trợ này là điểm tựa, động lực để gia đình ông phấn đấu, tích cực lao động sản xuất vươn lên từng bước phát triển kinh tế. Cuối năm 2021, gia đình ông Chòi đã thoát khỏi ngưỡng nghèo. 

"Nhờ có sự trợ lực từ các cấp, ngành, gia đình tôi đã thoát nghèo. Tôi vui lắm và hạ quyết tâm không để mình bị tái nghèo và còn sức khỏe tôi còn lao động sản xuất để lo cho bản thân”, ông Chòi chia sẻ.

Đường giao thông nông thôn bản Xéo Dì Hồ A, xã Lao Chải (huyện Mù Cang Chải) được khởi công tháng 6/2021, do Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái và Quỹ xây cầu Ước mơ Việt Nam tài trợ.
Đường giao thông nông thôn bản Xéo Dì Hồ A, xã Lao Chải (huyện Mù Cang Chải) được khởi công tháng 6/2021, do Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái và Quỹ xây cầu Ước mơ Việt Nam tài trợ.

Một điểm nhấn tích cực trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc ở Yên Bái trong giai đoạn qua, là việc chủ động, linh hoạt ban hành, triển khai các chính sách đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh. Cùng với triển khai các chương trình, chính sách của Trung ương, trong giai đoạn 2013 - 2020, tỉnh Yên Bái đã đầu tư, lồng ghép các nguồn vốn triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đối với vùng DTTS và miền núi, với tổng kinh phí hơn 3.468 tỷ đồng để thực hiện 14 đề án, chính sách do tỉnh Yên Bái ban hành.

Giai đoạn 2017 - 2020, thực hiện Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển KT-XH các DTTS rất ít người giai đoạn 2016-2025, tỉnh Yên Bái đã triển khai Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với dân tộc Phù Lá,  xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, với tổng kinh phí 42,6 tỷ đồng. Đến hết năm 2020, tỉnh đã thực hiện đầu tư, hỗ trợ số kinh phí 16.244 triệu đồng (trong đó ngân sách Trung ương là 13.166 triệu đồng, ngân sách tỉnh là 3.078 triệu đồng).

 Từ nguồn vốn này, tỉnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng các thôn bản, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào, hỗ trợ đào tạo, sử dụng cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, hỗ trợ về giáo dục, y tế.

Từ năm 2021, hầu hết các chương trình, dự án đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi được tích hợp vào Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (gọi tắt là Chương trình), tỉnh Yên Bái đã sớm hoàn thiện các bước để có thể chủ động triển khai Chương trình ngay khi được phân bổ vốn.

Ông Trần Xuân Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái cho biết, dự kiến kế hoạch vốn đầu tư ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh là 1.369.759 triệu đồng. Riêng 2 năm 2021-2022 là hơn 422,7 tỷ đồng. Ngày 30/3/2022, Ban Dân tộc đã có Tờ trình số 03/TTr-BDT trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Chương trình. 

Ban Dân tộc cũng đã tổng hợp xong nhu cầu thực hiện các dự án theo đề xuất của các sở, ngành và các địa phương. Hiện, đang chờ thông báo vốn của Trung ương và hướng dẫn của các bộ ngành tham mưu triển khai thực hiện.

Một vấn đề được tỉnh Yên Bái chú trọng thực hiện trong những năm qua, là lồng ghép có hiệu quả các chương trình, chính sách, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh. Giai đoạn 2021 – 2025, vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh, cùng đồng thời thụ hưởng nguồn lực đầu tư từ 3 chương trình MTQG (giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi).

 Việc triển khai đồng bộ các chương trình MTQG, sẽ góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo đà kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK của tỉnh; đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái. Đồng thời, từ các nguồn lực đầu tư của các chương trình, chính sách tiếp thêm ý chí, quyết tâm để người dân vùng cao tự nguyện vươn lên thoát nghèo.

Tại buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái về thực hiện công tác dân tộc, công tác chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 diễn ra tháng 11/2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị, tỉnh Yên Bái tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; rà soát, điều chỉnh chính sách dân tộc cho phù hợp trong giai đoạn mới; nghiên cứu chỉ đạo điểm, tập trung nguồn lực giải quyết dứt điểm một số khó khăn, đặc thù nhất ở vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh.