Cây quế đang là một trong 10 cây trồng chủ lực của tỉnh Yên Bái, với tổng diện tích hiện có trên 80.000 ha, tập trung tại các huyện Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên. Mỗi năm cho tổng sản lượng vỏ quế khô đạt 22.000 tấn, gần 600 tấn tinh dầu quế, và trên 70.000 mét khối gỗ quế các loại, tổng giá trị thu lợi từ cây quế toàn tỉnh đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Là chủ cơ sở thu mua và sơ chế quế uy tín tại xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Nguyễn Văn Tám, Giám đốc Hợp tác xã Quế Sơn chia sẻ, cây quế thu hoạch được tận dụng toàn bộ từ vỏ quế, cành lá đến thân gỗ, gốc rễ đều có giá trị kinh tế cao. Từ vỏ quế chế biến thành sản phẩm như: Quế kẹp số 3, Quế khâu, Quế chẻ, Quế bào ống điếu, Quế khúc, Quế thuốc lá, Quế bột...
Nhờ công nghệ chế biến tinh dầu phát triển, toàn bộ cành, ngọn, lá quế đều được tận thu, sử dụng cho việc chưng cất tinh dầu quế, từ đây tinh dầu quế tiếp tục được chế biến sâu thành những sản phẩm như: dầu xoa bóp, nước thơm, hương nhang quế, nước lau sàn, rửa chén... ngoài ra quế còn có trong thành phần chế biến gia vị thực phẩm, mỹ phẩm và dược liệu.
Gỗ quế dùng đóng đồ mộc gia dụng, xẻ ván sàn, ván bóc, ván thanh, làm than sinh học... được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt, vỏ quế còn được sản xuất trên 20 loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ rất đẹp như: hộp quà quế, túi thơm, tinh dầu treo xe, lọ tăm, lọ hoa, lọ trà, đèn ngủ, tranh quế, ấm chén quế, điếu quế... Các sản phẩm này trông khá độc đáo, thân thiện môi trường và có mùi thơm đặc trưng của hương quế.
Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho thấy, hiện nay cây quế Yên Bái được chế biến thành gần 50 loại sản phẩm. Trong đó, có 28 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao trở lên và tinh dầu quế được coi là sản phẩm đặc trưng nhất từ quế.
Trên địa bàn tỉnh có gần 300 cơ sở thu mua, sơ chế quế vỏ, 34 cơ sở trưng cất tinh dầu quế và 26 hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ quế; có trên 250 cơ sở, hộ gia đình sản xuất quế giống.
Để nâng cao sức cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu về tiêu chí chất lượng quế xuất khẩu, nhiều cơ sở chế biến đã thay đổi theo hướng sản xuất sạch hơn, đạt tiêu chuẩn ISO, tạo ra sản phẩm sạch, hữu cơ. Do vậy, nguồn nguyên liệu quế tươi cần được trồng theo hướng hữu cơ, không có dư lượng các chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.
Nhận thức rõ lợi ích từ việc sản xuất quế sạch, bà Nguyễn Thị Liên, Giám đốc Hợp tác xã Lâm Phương Linh, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên chia sẻ, nguyên liệu quế hữu cơ không chỉ nâng cao hàm lượng tinh dầu quế mà còn có chất lượng tinh dầu vượt trội, đáp ứng yêu cầu của khách hàng quốc tế. Đặc biệt giá bán rất cao, điều đó giúp Hợp tác xã thu mua nguyên liệu của người dân với giá cao hơn từ 20% đến 30% so với quế thường.
Ngoài việc áp dụng phương pháp canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, người trồng quế được cung ứng giống quế có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, cây sạch bệnh; trong quá trình chăm sóc, không sử dụng phun thuốc trừ cỏ, không bón phân hóa học, quế từ 4 năm tuổi trở lên, hạn chế tỉa cành để đảm bảo lượng tinh dầu không giảm sút.
Về phía tỉnh Yên Bái, bên cạnh việc bảo tồn giống quế lá nhỏ, ngọn đỏ bản địa cho chất lượng cao, tỉnh đã hỗ trợ nông dân ứng dụng kỹ thuật tiên tiến để thâm canh quế hữu cơ, tăng mật độ, rút ngắn chu kỳ khai thác, tăng sinh khối trên đơn vị diện tích. Nhờ đó, sau 3 năm trở lại đây, diện tích trồng quế hữu cơ tăng nhanh, gấp 4 lần so với kế hoạch, bảo tồn quế thuần chủng trên diện tích 15 ha để tạo nguồn quế giống hằng năm.
Đến nay, tổng diện tích được cấp chứng chỉ trồng quế hữu cơ đạt chuẩn quốc tế trên 4.500 ha, tuy nhiên thông qua cơ chế liên kết theo chuỗi giá trị giữa người dân và doanh nghiệp chế biến, thực tế diện tích quế hữu cơ đã đạt khoảng 20 nghìn ha. Điển hình trồng và sản xuất quế hữu cơ là huyện Văn Yên, điều đó đã cho chất lượng quế đứng đầu cả nước bởi hàm lượng tinh dầu cao.
Nhận định việc diện tích trồng quế hữu cơ liên tục tăng, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên Hà Đức Anh cho rằng, xu hướng sản xuất quế sạch, quế hữu cơ an toàn là bắt buộc, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng và chế biến quế mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe cho người trồng quế, bảo vệ môi trường sinh thái. Cây quế giờ đây đã trở thành cây làm giàu cho nhiều nông dân ở nhiều địa phương của tỉnh Yên Bái.
Để đẩy mạnh kết nối cung cầu, tiêu thụ các sản phẩm quế, tỉnh Yên Bái tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm thị trường. Trọng tâm là xây dựng và quản lý hiệu quả thương hiệu sản phẩm quế Yên Bái, đưa biểu trưng sản phẩm quế Yên Bái trở thành nhận diện thương mại đối với người tiêu dùng; triển khai thường xuyên hoạt động kết nối giao thương trong nước và quốc tế, nhất là hỗ trợ tham gia các hội trợ triển lãm, xúc tiến thương mại, tổ chức kết nối giao thương với các doanh nghiệp nước ngoài.
Nhờ đó, các sản phẩm quế Yên Bái đã được xuất khẩu ổn định tới các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan, Châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ, Ai Cập... từng bước khẳng định được giá trị và thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Ông Vũ Vinh Quang, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho biết, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tỉnh Yên Bái giúp sức các doanh nghiệp chế biến đăng ký xuất xứ sản phẩm, sở hữu trí tuệ, mã số vùng trồng, thông tin thị trường; phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng các kênh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm quế Yên Bái ra thị trường quốc tế.
Hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến sâu xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý; bảo vệ thương hiệu, bản quyền, chống gian lận thương mại đối với các sản phẩm từ quế. Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ quế chuyển đổi số trong tiêu thụ như: đăng ký gian hàng số, địa chỉ số, truy xuất nguồn gốc số, nhãn hàng số; đưa các sản phẩm quế Yên Bái lên các sàn giao dịch thương mại điện tử.