Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Đồng bào Cor vui mùa thu hoạch quế

PV - 10:17, 16/04/2019

Vùng đất Trà Bồng (Quảng Ngãi), từ lâu đã được mệnh danh là “thủ phủ” của cây quế. Thời điểm này, đồng bào Cor ở vùng cao Trà Bồng đang bắt đầu bước vào mùa thu hoạch quế. Vỏ quế năm nay có giá cao hơn mọi năm nên đã giúp nhiều hộ dân có nguồn thu đáng kể từ cây trồng này.

Mùa vui của đồng bào Cor

Về Trà Bồng những ngày này, chúng ta cảm nhận được không khí vui vẻ rộn ràng, bởi đây là mùa đồng bào Cor lên núi “hái tiền”. Trên các sườn núi ngào ngạt hương quế. Còn các trục đường xuyên xã, liên thôn ở vùng cao Trà Bồng, từng tốp người đang gùi quế đến các địa điểm tập kết để bán cho thương lái. Dưới cái nắng oi ả ngày hè, những giọt mồ hôi thấm đẫm nhọc nhằn nhưng trên gương mặt ai nấy đều ánh lên niềm vui quế được mùa, được giá.

Đồng bào Cor Trà Bồng đang phơi vỏ quế. Đồng bào Cor Trà Bồng đang phơi vỏ quế.

Anh Hồ Văn Ba ở xã Trà Lãnh hồ hởi: Năm nay quế có giá cao, nên người dân chúng tôi ai cũng mừng. Hiện nay 1 kg vỏ quế tươi được các cơ sở thu mua với giá từ 20 - 22.000 đồng/kg và 45- 46.000 đồng/kg quế khô, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với thời điểm này năm ngoái. Anh Ba cũng cho hay, hiện tại có khoảng 5.000 cây quế đang cho thu hoạch, ước tính năm nay gia đình anh sẽ thu về vài chục triệu đồng. Từ cuối năm 2018 đến nay, giá quế liên tục tăng cao, gia đình mình và bà con trồng quế rất phấn khởi vì mỗi ngày có thể cầm tiền triệu trong tay nhờ thu hoạch quế, anh Hồ Văn Ba chia sẻ.

Cùng chung niềm vui với anh Dinh, chị Hồ Thị Xa ở xã Trà Thủy cũng rất phấn khởi. Những năm gần đây, cây quế được giá đã cho gia đình no ấm, chị có nguồn thu nhập ổn định từ cây trồng truyền thống này. Từ đầu vụ đến giờ, nhà mình đã thu hoạch và bán được hơn 10 triệu đồng tiền quế rồi. Nhờ có tiền bán quế mà mình trang trải cuộc sống hằng ngày và chi tiêu thoải mái hơn.

Ngoài vỏ quế, các phụ phẩm của cây quế như lá, cành cũng được thu mua để chế biến tinh dầu, làm nhang. Giá quế tăng cao nên nhiều người tranh thủ thu hoạch và bán, có cơ sở thu mua đến 20 tấn/ngày, cơ sở nhỏ thì cũng 5-7 tấn/ngày. Hiện tại, hầu như bà con đồng bào Cor ở Trà Bồng nhà nào cũng trồng quế nên bà con ví mùa thu hoạch quế là mùa vui, bởi cây quế mang lại nguồn thu nhập không hề nhỏ cho người dân. Tùy thuộc vào diện tích quế cho thu hoạch của từng gia đình; có gia đình thu nhập vài triệu đồng, nhưng cũng có gia đình thu được hàng chục triệu đồng trong mỗi mùa thu hoạch quế.

Quy hoạch vùng trồng quế bền vững

Năm nay, nhiều gia đình người Cor vui vì giá quế tăng cao nhưng cũng có không ít người tiếc nuối do khi giá thấp, đồng bào đã chặt phá để trồng keo. Cũng có năm rớt giá thê thảm, nên người dân dần giảm diện tích trồng.

Tuy là cây trồng truyền thống mang lại thu nhập chính cho đồng bào Cor Trà Bồng, nhưng thực tế lâu nay diện tích trồng quế ở địa phương này còn khá manh mún, nhỏ lẻ, chưa cân xứng với tiềm năng sẵn có. Các nông hộ vẫn chủ yếu duy trì lối canh tác thủ công, lạc hậu, chưa áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật để tạo ra sự đột phá lớn trong sản xuất; chưa chú trọng việc trồng giống quế thuần và chưa quan tâm nhiều đến việc thâm canh tăng năng suất nên chất lượng sản phẩm làm ra chưa chiếm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Nhằm quản lý, bảo tồn nguồn gen quý tạo nên hệ sinh thái đa dạng về thành phần loài, giữ vững được vốn rừng hiện có; đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng ở địa phương, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân. Huyện Trà Bồng đã quy hoạch vùng chuyên canh cây quế với diện tích lên tới hơn 1.700ha, triển khai tại 7 xã gồm: Trà Sơn, Trà Lâm, Trà Thủy, Trà Hiệp, Trà Bùi, Trà Tân, Trà Giang với 324 hộ dân và 4 nhóm cộng đồng dân cư tham gia.

Toàn bộ sản lượng quế thu hoạch nằm trong vùng dự án sẽ cung cấp cho các nhà máy chế biến trên địa bàn; các cơ sở chế biến quế nhỏ lẻ và các thương lái trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Xuân Bắc, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết: Dự án này có ý nghĩa vô cùng to lớn trong tiến trình phát triển kinh tế- xã hội của huyện, nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp, tăng thu nhập cho người trồng quế, cung cấp nguồn nguyên liệu quế có giá trị cao cho công nghiệp chế biến trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, phòng chống những tác động xấu của biến đổi khí hậu, bảo vệ đất đai, nguồn nước, nâng cao độ che phủ rừng, cải thiện môi trường đất và không khí, góp phần bảo tồn và phát triển sự đa dạng các nguồn gen quý cây bản địa.

Quế Trà Bồng có mùi thơm, vị cay nồng đặc trưng, chứa hàm lượng tinh dầu cao nên được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Giá quế tăng và giữ mức ổn định như hiện nay đã tiếp thêm niềm tin để đồng bào Cor tiếp tục phát triển diện tích trồng quế, khẳng định thương hiệu và nâng tầm giá trị cho cây quế Trà Bồng.

LÊ PHƯƠNG