Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Y Nghen và những giọt nước mắt nơi xứ người

Ngọc Chí - 06:28, 19/01/2024

Cuộc sống quá khó khăn, năm 2017 chị Y Nghen (dân tộc Xơ Đăng), ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà (Kon Tum) tham gia xuất khẩu lao động, làm giúp việc tại thị trường Ả Rập Xê Út với kỳ vọng sẽ có được số tiền tích lũy để sau này chăm lo cho gia đình. Thế nhưng 7 năm lưu lạc nơi xứ người, chị Y Nghen không nhận được tiền lương như cam kết và cũng không biết khi nào có thể được về nước. Ở quê nhà thì 7 đứa con đang ngóng trông mẹ về từng ngày.

Ngôi nhà mà mẹ và các con của chị Y Nghen đang sinh sống
Ngôi nhà mà mẹ và các con của chị Y Nghen đang sinh sống

Đem con “bỏ chợ”

Tháng 9/2017, chị Y Nghen được Công ty Tràng An (nay là Công ty Coleto.,Jsc) đưa đi xuất khẩu lao động tại thị trường Ả Rập Xê Út, làm giúp việc với mức lương 9 triệu đồng/tháng. Đây được xem là số tiền lương đáng quý đối với đồng bào DTTS ở xã Ngọk Réo lúc bấy giờ. Bởi theo hợp đồng làm việc, sau 2 năm chị Y Nghen sẽ có được số tiền tích lũy để chăm lo cho cuộc sống gia đình.

Thế nhưng, sự kỳ vọng đó không thành hiện thực. Khi lao động tại thị trường Ả Rập Xê Út chị được đổi qua rất nhiều chủ nhà, với công việc chính là giúp việc, có chủ thì trả lương, có chủ thì không. Hiện chị đã mất hết giấy tờ tùy thân, kể cả hộ chiếu nên không thể về nước.

Mẹ, em gái và con gái của Y Nghen đều cảm thấy buồn khi hỏi về hoàn cảnh của chị Y Nghen nơi xứ người
Mẹ, em gái và con gái của Y Nghen đều cảm thấy buồn khi hỏi về hoàn cảnh của chị Y Nghen nơi xứ người

Liên hệ với chị Y Nhen qua nền tảng Messenger, chị chia sẻ: Chị không biết chữ, giấy tờ mất hết giờ cũng không biết làm thế nào. Chủ nhà chị làm cuối cùng được 9 tháng nhưng họ chỉ trả tiền lương sau khi quy đổi ra tiền đồng thì chỉ hơn 18 triệu. Vừa rồi chủ nhà không cho làm nữa và đã đưa chị đến ở tại một Trung tâm bảo trợ xã hội.

Bà Phạm Thị Mây, Chủ tịch UBND xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà cho biết: Qua nắm tình hình công dân trên địa bàn, có trường hợp công dân Y Nghen, sinh năm 1978, đang kêu cứu hỗ trợ đưa về nước. Năm 2017 chị Y Nghen đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út do ông Trịnh Xuân Năm, thuộc Công ty Tràng An đưa đi (nay là Công ty Colecto.,jsc) nhưng khi hết hợp đồng Công ty không có trách nhiệm liên hệ với công dân và đưa công dân về nước theo đúng hợp đồng. Theo thông tin chị Y Nghen cung cấp, chị đã làm việc tại Ả Rập Xê Út 7 năm, trong thời gian làm việc chị đã làm việc cho rất nhiều chủ. Có chủ thường xuyên đánh đập chị, có chủ không trả lương. Nguyện vọng của chị rất muốn được về nước để làm ăn với gia đình, nên tháng 6/2023, UBND xã đã có văn bản đề nghị Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện phối hợp, làm việc với các tổ chức có thẩm quyền để tạo điều kiện đưa công dân Y Nghen về nước theo nguyện vọng.

Cháu Y Thảo và Y Thẻ luôn mang một nỗi buồn khi thiếu vòng tay yêu thương của mẹ
Cháu Y Thảo và Y Thẻ luôn mang một nỗi buồn khi thiếu vòng tay yêu thương của mẹ

Ông Nguyễn Hoài Vũ, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Đăk Hà cho biết: Sau khi nhận được văn bản của UBND xã Ngọk Réo về trường hợp của lao động Y Nghen thì phòng đã có văn bản gửi Sở Lao động, - Thương binh và Xã hội tỉnh. Sau đó sở cũng có văn bản đề nghị Công ty Cổ phần xuất khẩu lao động và Thương mại du lịch (Coleto.,Jsc) có trụ sở tại Hà Nội báo cáo và cung cấp thông tin về lao động Y Nghen đang làm việc tại Ả Rập Xê Út. Tuy nhiên, đến nay thì vẫn chưa nhận được báo cáo của công ty. Quan điểm của huyện rất muốn các cơ quan có trách nhiệm đưa Y Nghen về nước theo nguyện vọng.

Những người con chờ mẹ

7 năm trời đằng đẵng nơi xứ người thì cũng thời gian ấy 7 người con của chị Y Nghen thiếu đi vòng tay yêu thương của mẹ. Bà ngoại phải đến ở với các cháu để chăm sóc, dạy dỗ vì chồng của Y Nghen đã mất năm 2016. Con nhỏ nhất khi Y Nghen đi xuất khẩu lao động là 3 tuổi thì giờ đây cũng đã được 10 tuổi, đang học lớp 4 và cũng là người con duy nhất của chị Y Nghen hiện còn đi học.

Cháu Y Thảo luôn ngóng trông mong mẹ sớm trở về
Cháu Y Thảo luôn ngóng trông mong mẹ sớm trở về

Cháu Y Thảo, con thứ 4 của chị Y Nghen, năm nay đã 18 tuổi chia sẻ: Từ ngày mẹ đi xuất khẩu lao động thì mấy anh em chỉ nhận tiền mẹ gửi về được 3 lần, tổng cộng là 10 triệu. Lâu lâu thì liên lạc được với mẹ, mẹ bảo muốn về với các con nhưng không thể về được, mẹ cũng không có tiền. Con và các anh, em nhớ mẹ lắm.

Khi hỏi về mẹ, cháu Y Thẻ, con thứ 6 của chị Y Nhen, năm nay 12 tuổi với đôi mắt đượm buồn và nghẹn ngào nói: Con nhớ mẹ, cũng muốn mẹ về mấy chị em. Con đã nghỉ học mấy ngày nay rồi.

Trong 7 người con của chị Y Nghen thì hiện có 4 người đã rời gia đình để mưu sinh khắp nơi, còn lại 3 chị em gái ở với bà ngoại đã hơn 80 tuổi. Tuổi cao, sức yếu bà ngoại cũng chỉ biết nhìn và thương cho các cháu. Có cơm ăn cơm, có rau ăn rau qua ngày – bà Y Bói, bà ngoại của các cháu nói.

Bà ngoại và các con của chị Y Nghen bên căn bếp trống hoác
Bà ngoại và các con của chị Y Nghen bên căn bếp trống hoác

Sống thiếu vòng tay yêu thương của mẹ đã 7 năm qua, dường như những người con của chị Y Nghen mang trong mình một nỗi buồn không nói nên lời, các cháu đều rụt rè và không muốn nói gì nhiều khi được hỏi về mẹ.

Chị Y Nghe, em ruột chị Y Nghen chia sẻ: Chị gái đi xuất khẩu lao động 7 năm rồi mà chưa về được, tiền thì cũng không thấy gửi về. Cuộc sống đã khổ, nghĩ đi xuất khẩu lao động sẽ đỡ khổ, không ngờ giờ lại khổ hơn. Với trách nhiệm là người dì thì tôi cũng hỗ trợ thêm cho các cháu qua ngày. Nói chung cuộc sống của tôi cũng khó khăn, nên giúp được gì cho các cháu thì giúp. Các cháu đi học thì mua cho cái quần, cái áo mới, ăn thì có gì mang cho thêm các cháu. Giờ cũng chỉ mong muốn là các cơ quan chức năng giúp, để chị gái tôi được sớm về nước, đoàn tụ với gia đình.

Sự khó khăn của Y Nghen nơi xứ người và nỗi buồn của những người con nơi quê nhà là điều đáng trăn trở nhất hiện nay. Bởi nếu Công ty tuyển dụng lao động và các cơ quan chức năng có trách nhiệm thì chị Y Nghen và các con không phải rời vào hoàn cảnh “éo le” như hiện nay.