Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Xuất khẩu nhạc Việt: Cơ hội rộng mở cho “khát vọng” trẻ

PV - 10:39, 02/12/2022

Những năm gần đây, giới nghệ sĩ Việt Nam đã nỗ lực đưa các dự án âm nhạc của mình đến với bạn bè quốc tế, nhưng phần lớn mới dừng lại ở việc giao lưu quảng bá văn hóa. Khó khăn là vậy nhưng họ vẫn không ngừng cống hiến, sáng tạo để thực hiện hoài bão “bơi ra biển lớn” dù biết đích đến còn xa.


Ca sĩ Mỹ Anh biểu diễn trong chương trình “Round Asean-Korea Music Festival” được phát trên đài KBS (Hàn Quốc)
Ca sĩ Mỹ Anh biểu diễn trong chương trình “Round Asean-Korea Music Festival” được phát trên đài KBS (Hàn Quốc)

Khát vọng chinh phục âm nhạc quốc tế

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế. Vì vậy, xuất khẩu âm nhạc là một trong những hướng đi đúng đắn.

Từ nhiều năm qua, các nghệ sĩ đã không ngừng nỗ lực đưa dự án nghệ thuật của mình giới thiệu đến bạn bè quốc tế. Có thể kể đến nhạc sĩ Quốc Trung, anh đã có mặt tại nhiều festival âm nhạc uy tín thế giới như: Montreux Jazz Festival (Thụy Sĩ), Roskilde Music Festival (Đan Mạch) và biểu diễn cùng với nhiều nghệ sĩ âm nhạc lớn như Stephan Eicher, Manu Katche… Anh cũng đã kết nối để nhiều nghệ sĩ, nhóm nhạc Việt Nam tham gia các chương trình, hoạt động, lễ hội âm nhạc ở nước ngoài. Trong một cuộc tọa đàm gần đây, nhạc sĩ Quốc Trung khẳng định, mỗi nghệ sĩ cần phải có khát vọng cũng như dành thời gian để tập trung cho việc sản xuất âm nhạc, đừng chỉ loanh quanh sân nhà sẽ không rõ mình ở đâu. Ông tin rằng, nếu có đam mê cùng tài năng, làm việc hết mình thì chắn chắn thành quả sẽ đến.

Limebócx là một nhóm nhạc độc đáo, có nhiều sản phẩm âm nhạc được biểu diễn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhóm gồm hai thành viên: Trang Lê (biệt danh Chuối) vừa là giọng ca chính, vừa đảm nhiệm chơi các nhạc cụ dây; thành viên thứ hai là Nguyễn Huy Tuấn xử lý hầu hết các phần rap và beatbox. Limebóx theo đuổi dòng nhạc có sự kết hợp các chất liệu hiện đại như nhạc điện tử, hip hop hay beatbox cùng một loại nhạc cụ âm nhạc truyền thống của Việt Nam là đàn tranh, tạo ra phong cách vô cùng mới mẻ và độc đáo.

Hay như ca sĩ trẻ Mỹ Anh đã tự tin trình diễn trong lễ hội âm nhạc nổi tiếng ở Mỹ “Head In The Clouds 2021” cùng các nghệ sĩ lớn: CL (2NE1), Keshi, Joji, Saweetie… Tháng 1.2022, Mỹ Anh lại xuất hiện ấn tượng trong chương trình “Round Asean - Korea Music Festival” được phát trên Đài KBS (Hàn Quốc) cùng với nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc và Đông Nam Á. Cô trình diễn các tác phẩm do mình sáng tác, tương tác tốt với khán giả quốc tế và được chọn là gương mặt tiêu biểu cho chiến dịch EQUAL của nền tảng phát nhạc trực tuyến Spotify, nhằm tôn vinh tài năng và phong cách âm nhạc riêng biệt của các nữ nghệ sĩ toàn cầu… Trước đó, nữ ca sĩ, nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lý cũng chọn kết hợp với nhóm nghệ sĩ châu Phi Kenyan Boys Choir trong ca khúc “8 chữ có”, gặt hái nhiều thành công trên các nền tảng nghe nhạc và các bảng xếp hạng âm nhạc quốc tế…

Sản phẩm âm nhạc phải hoàn hảo và độc đáo

Để xuất khẩu âm nhạc Việt ra thế giới, nhiều ý kiến cho rằng việc đầu tiên nghệ sĩ và sản phẩm của họ phải đặc sắc, có tố chất riêng, có triển vọng. Ca sĩ Trang lê chia sẻ: “Người nghệ sĩ phải có sản phẩm đi diễn thưởng xuyên và tên tuổi phải được số đông khán giả trong nước biết đến; về mặt âm nhạc phải có sự kết hợp giữa tính cá nhân với những gì được nghe, được tiếp cận trên thế giới; về mặt kỹ thuật, tư duy phải tiến bộ… và từ những thứ đó phải làm ra cái riêng chứ không nên đi bắt chước. Song song với đó, không thể tự đi ra ngoài mà không có các mối quan hệ cũng như sự giúp đỡ của các tổ chức, vì thế, các nghệ sĩ cũng cần chủ động tiếp cận các chương trình, quỹ, đơn vị phân phối, truyền thông quốc tế để đưa âm nhạc của mình đến với khán giả…”.

Nhạc sĩ Quốc Trung cũng đánh giá, âm nhạc đương đại Việt Nam có thế mạnh là sự mới mẻ, cá tính, đậm đà bản sắc dân tộc. Khi được trang bị các kỹ năng, kỹ thuật biểu diễn chuyên nghiệp cùng sự tự tin, các nghệ sĩ sẽ dễ dàng hòa nhịp với thế giới. Và câu chuyện mà nhạc sĩ Quốc Trung đưa ra vẫn là sản phẩm phải tốt và độc đáo, đặc biệt, bản thân nghệ sĩ phải có khả năng đánh giá chất lượng sản phẩm của chính mình.

Bên cạnh việc tạo ra sản phẩm tốt, được khán giả trong nước biết đến nhiều thì phần quan trọng không thể thiếu cho sự “khởi đầu” là tận dụng nền tảng số, mạng xã hội. Từng hợp tác với nhiều nghệ sĩ Việt Nam như Đen, Sơn Tùng M-TP, ông Antoine El Iman, Giám đốc điều hành đơn vị phân phối nhạc số Believe Music cho rằng, xuất khẩu âm nhạc là con đường dài hơi, cần có tiềm lực về tài chính cũng như đầu tư thời gian. Bởi vậy, lời khuyên của ông cho những ca sĩ trẻ Việt Nam là cần tập trung phát triển trong nước trước, tiếp đó là những nước trong khu vực. “Như nhiều ca sĩ Indonesia đã hướng tới thị trường Philippines, bởi người nghe có sự tương đồng văn hóa. Cùng với biểu diễn trực tiếp, họ cũng phát triển trên các nền tảng nhạc số ở nước láng giềng”, ông Antoine El Iman cho hay.

Ông Nguyễn Phương Đông, nhà sáng lập và điều hành Hot Panda Media - đơn vị quảng bá và sản xuất âm nhạc hợp tác quốc tế cho rằng, ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam vẫn rất trẻ và thiếu nhiều điều kiện. “Các bên xuất khẩu âm nhạc luôn tìm đến những điều đặc biệt, những nghệ sĩ có tố chất riêng. Vấn đề mấu chốt trong xuất khẩu nhạc Việt vẫn là cần sản phẩm tốt và đội ngũ hỗ trợ như công ty phân phối, truyền thông, các đơn vị văn hóa; luôn nghiên cứu bản thân và thế giới để biết bên ngoài họ đang làm gì, cần tận dụng Internet để cập nhật thông tin một cách nhanh nhạy và nắm bắt cơ hội”, ông Nguyễn Phương Đông chia sẻ.