Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Xoá nghèo từ mô hình trồng dứa trên đất dốc ở Mường Chà

Văn Phong - 04:05, 15/11/2023

Từ những diện tích canh tác manh mún ban đầu, đến nay, tổng diện tích dứa trên toàn huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên đã được mở rộng hơn 300ha. Đây cũng là vùng có diện tích trồng dứa lớn nhất tỉnh Điện Biên, tập trung chủ yếu ở xã Na Sang, Mường Mươn, Sa Lông... và hiện nay, cây dứa trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông, Thái ở địa phương.

Cây dứa đã làm thay đổi đời sống kinh tế cho bà con DTTS tại Mường Chà
Cây dứa đã làm thay đổi đời sống kinh tế cho bà con DTTS tại Mường Chà

Mường Chà là huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Điện Biên, với diện tích trên 176.000ha, dân số hơn 53.000 người. Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 92%, chủ yếu là dân tộc Mông. Do đặc thù địa hình đồi núi hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, dân cư phân tán… nên đời sống của bà con đồng bào DTTS tại đây gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Chính vì thế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân được địa phương xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Một trong những biện pháp quan trọng được huyện Mường Chà triển khai trong chính sách giảm nghèo là việc thực hiện hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững. Trong đó, nổi bật là mô hình trồng dứa đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế vùng đồng bào DTTS tại đây.

Từ những diện tích canh tác manh mún ban đầu, đến nay, tổng diện tích dứa trên toàn huyện đã được mở rộng hơn 300ha, là vùng có diện tích trồng dứa lớn nhất tỉnh Điện Biên, tập trung chủ yếu ở xã Na Sang, Mường Mươn, Sa Lông... trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông, Thái ở địa phương.

So với trồng lúa, trồng ngô thì trồng dứa đem lại nguồn thu nhập cao hơn từ 4 đến 5 lần, trong khi vốn ban đầu cho loại cây này không quá lớn, cũng không đòi hỏi một trình độ canh tác quá cao so với khả năng của bà con nơi đây. Chính vì thế, từ năm 2012 đến nay, diện tích trồng dứa đã phủ kín nhiều nương, vườn và vẫn đang tiếp tục được phát triển.

Ông Lường Văn Khiêm, Bí thư Đảng ủy xã Na Sang cho biết: Từ khi mô hình cây dứa của một số hộ tự phát ở Na Sang phát triển và nhân rộng. Qua nhiều năm quan sát, chúng tôi thấy cây dứa rất hợp khí hậu, thổ nhưỡng ở Na Sang, cho năng xuất cao hơn trồng ngô, lúa. Đặc biệt, vị dứa ở Na Sang ngọt đậm, không như ỏ một số huyện khác đang trồng. Do đó, nhiều hộ dân đã chọn dứa là cây chủ lực để phát triển kinh tế ở vùng đất dốc.

Thay vì chỉ trồng dứa một vụ như trước đây, bà con dân tộc được hướng dẫn trồng dứa gối vụ, mỗi vụ cách nhau khoảng 20 ngày để dứa chín lần lượt. Như vậy, dứa sẽ chín dần quanh năm, không bị dồn dập.

Nhờ hiệu quả kinh tế đem lại rõ rệt, tổng diện tích dứa trên toàn huyện Mường Chà đã được mở rộng hơn 200ha
Nhờ hiệu quả kinh tế đem lại rõ rệt, tổng diện tích dứa trên toàn huyện Mường Chà đã được mở rộng hơn 200ha

Để có đầu ra ổn định cho cây dứa, giúp người dân nâng cao thu nhập, huyện đã tổ chức hướng dẫn người dân sản xuất dứa theo hướng VietGAP, liên kết và nhận được sự trợ lực hiệu quả từ các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn. Hiện đã có hợp tác xã và cả các công ty về thu mua cho bà con. Từ mô hình này mà nhiều xã trong vùng học hỏi lẫn nhau để phát triển thành vùng sản xuất theo đặc điểm của địa phương. Chính vì vậy mà đến nay dứa đã trở thành cây chủ lực giúp bà con xóa đói giảm nghèo ở một số xã huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.

Ngoài việc mang lại giá trị kinh tế, cây dứa còn giúp thu hút khách du lịch đến trải nghiệm tham quan, chụp ảnh, mua dứa tại vườn. Điều này đã góp phần quảng bá thương hiệu dứa Mường Chà, cũng như góp phần quảng bá du lịch cho địa bàn huyện.

Gia đình anh Giàng A Chía, bản Na Sang, xã Na Sang là một trong những hộ đi tiên phong trong chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dứa. Anh kể: Những năm trước, người dân nơi đây chủ yếu trồng lúa, ngô nhưng năng suất không cao, có năm còn mất mùa khiến gia đình anh rơi vào cảnh thiếu đói.

Thay vì chỉ trồng dứa một vụ như trước đây, bà con dân tộc được hướng dẫn trồng dứa gối nhau, mỗi lần cách nhau khoảng 20 ngày
Thay vì chỉ trồng dứa một vụ như trước đây, bà con dân tộc được hướng dẫn trồng dứa gối nhau, mỗi lần cách nhau khoảng 20 ngày

Sau đó, anh Chía đã tham gia chương trình thoát nghèo do huyện tổ chức. Anh được chương trình hỗ trợ về cây giống, kỹ huật trồng dứa, sau hơn 6 năm, gia đình anh Chía vươn lên thoát nghèo. Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu khoảng 100 triệu đồng/vụ từ cây dứa.

Gần đây, gia đình anh Chía còn được đi tập huấn, học hỏi kinh nghiệm trồng dứa theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, gia đình anh dùng hoàn toàn bằng phân hữu cơ, phân vi sinh để bón cho cây dứa. Về phần gốc, không bao giờ dùng thuốc trừ cỏ, chỉ lấy cuốc đào đất, cắt cỏ đáp ứng tiêu chí sản phẩm sạch.

Những năm qua, để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất đa dạng hóa các sinh kế, huyện Mường Chà đã tận dụng tốt các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Chương trình nông thôn mới… hỗ trợ vật tư, công cụ lao động sản xuất cho bà con.

Theo thống kê của UBND huyện Mường Chà, đến giữa năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn đã giảm 10% so với năm 2022, đưa tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện còn 48%. Đã có 800 hộ được giúp đỡ vươn lên thoát nghèo; 1.200 lao động DTTS được đào tạo nghề.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, ý thức tự vươn lên của người dân, có thể nói, thời gian qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Mường Chà đã và đang có chuyển biến rõ nét. Bên cạnh đó, các chính sách về giáo dục, y tế, đào tạo, chăm sóc sức khoẻ đồng bào cũng được thực hiện kịp thời, hiệu quả, bản sắc văn hoá được bảo tồn phát huy. Nhờ đó, diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS tại Mường Chà đã và đang từng bước được nâng cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện.