Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm đa mục tiêu: Hướng tiếp cận để bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh

Vân Khánh-CĐ - 08:52, 16/06/2021

Mục tiêu an ninh lương thực ngày nay, không chỉ là sự bảo đảm chắc chắn đủ gạo ăn và các loại cây lương thực, mà còn phải bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng và sinh kế người dân. Bởi vậy, cần phải thúc đẩy khung hệ thống lương thực, thực phẩm (LTTP) theo cách tiếp cận đa ngành, gắn liền với các mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực được cụ thể hóa trong các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.
Mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực được cụ thể hóa trong các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.

Đi liền với chính sách

An ninh lương thực, luôn là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia, nhất là trong điều kiện bất ổn chính trị, an ninh phi truyền thống, dịch bệnh xảy ra. Từ năm 2009 đến nay, thực hiện Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” của Bộ Chính trị (tại Kết luận số 53-KL/TW, ngày 5/8/2009), nước ta đã đạt được nhiều thành quả quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, sau 10 năm thực hiện Đề án (2009 - 2019), thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 4,3 lần, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần xuống còn 1,8 lần. Nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá cao (đạt 2,61%/năm). Xuất khẩu hàng nông sản được tiếp tục đẩy mạnh, có 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, bình quân mỗi năm xuất khẩu khoảng 5-7 triệu tấn gạo, đóng góp quan trọng vào hệ thống LTTP của toàn cầu…

Đáng chú ý, sự phát triển của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, không chỉ bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước, mà còn gắn liền với việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nhất là cho các nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Những chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội những năm qua đều được định hướng để hướng tới mục tiêu vừa giải quyết nhu cầu về lương thực, vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Đơn cử như, tại thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị), trước đây, đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều, Pa Cô nơi đây chủ yếu canh tác “phát, cốt, đốt, trỉa”, trồng lúa kiểu “nhờ trời”. Để phát triển lúa nước nước, giúp người dân ổn định lương thực tại chỗ, có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình, những năm qua, từ nguồn lực của các chương trình, dự án có nguồn vốn ngân sách nhà nước, thị trấn Krông Klang đã đầu tư hệ thống kênh mương, khai hoang, hỗ trợ cây con giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật,…

Nhờ đó, toàn thị trấn hiện có 24 ha diện tích ruộng nước; năng suất lúa ngày càng được nâng cao, bình quân đạt 38-40 tạ/ ha. Để duy trì an ninh lương thực cho người dân, hàng năm, thị trấn đã chỉ đạo ban nông nghiệp, ban quản lý các khóm tổ chức tuyên truyền hướng dẫn, tập huấn đầu bờ cho các hộ sản xuất lúa nước. Từ đó, phương thức sản xuất của bà con đã có những thay đổi, năng suất và chất lượng lúa ngày một tăng lên; tình trạng đứt bữa vì thiếu thóc gạo của đồng bào người Pa Cô, Bru - Vân Kiều ở nơi đây nay gần như đã không còn.

Bảo đảm cân bằng dinh dưỡng

Một thống kê đáng mừng là, hiện cả nước không còn hộ thiếu đói, thiếu lương thực, bảo đảm cân đối lương thực. Sản xuất tăng trưởng nhanh, ổn định, đa dạng; đã tạo ra khối lượng lương thực, thực phẩm cơ bản đáp ứng cho nhu cầu Nhân dân.

Minh chứng rõ nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 hoành hành, nhu cầu về LTTP của Nhân dân cả nước vẫn được đáp ứng. Gần 2 năm qua, kể từ khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên cho đến nay, trên cả nước không xuất hiện hiện tượng người dân mua lương thực, mì tôm dự trữ một cách ồ ạt. Ngành công thương các tỉnh vẫn bảo đảm cung ứng LTTP cho người dân trong vòng vây của dịch bệnh.

Sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu để bảo đảm an ninh lương thực. (Trong ảnh: Trồng dưa hấu mùa khô mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ nông dân tại Sóc Trăng)
Sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu để bảo đảm an ninh lương thực. (Trong ảnh: Trồng dưa hấu mùa khô mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ nông dân tại Sóc Trăng)

Thực tế cho thấy, tác động tiêu cực của đại dịch toàn cầu Covid-19, diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu, càng cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề bảo đảm an ninh lương thực. Nhưng việc bảo đảm an ninh lương thực, phải có cách tiếp cận mới, cách thức giải quyết vấn đề mới trước biến đổi khí hậu, cũng như dịch bệnh phát sinh.

Bài toán đang đặt ra, đòi hỏi chúng ta phải tiếp cận tổng thể đa ngành, phối hợp liên ngành, liên vùng, ở cấp độ quốc gia và khu vực. An ninh lương thực ngày nay, không chỉ là sự đảm bảo chắc chắn đủ gạo ăn và các loại cây lương thực, mà còn phải đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng và sinh kế người dân.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hiệp quốc, tháng 9 tới đây, Việt Nam sẽ là một trong số hơn 100 nước, đang ký tham gia Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về hệ thống LTTP. Sau Hội nghị, Việt Nam sẽ xây dựng lộ trình chuyển đổi hệ thống LTTP và rà soát tính phù hợp của hệ thống với tiếp cận đa ngành, đa cấp đối với các chính sách có liên quan; bảo đảm đạt được các đầu ra về dinh dưỡng - sức khỏe, kinh tế- xã hội và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Tại Đối thoại lần thứ hai hệ thống LTTP của Việt Nam vừa diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã khẳng định, Chính phủ nhận thức sâu sắc cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia, các tác nhân trong Hệ thống LTTP, nhằm tạo ra những thay đổi sâu rộng của cả hệ thống. Việc này sẽ giúp Việt Nam làm tốt hơn công tác xoá đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương và dinh dưỡng ở các vùng nông thôn, vùng DTTS và nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là đối tượng phụ nữ và trẻ em.

“Thúc đẩy cách tiếp cận theo Hệ thống LTTP, sẽ tạo ra sự thay đổi không chỉ để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực và đói nghèo, mà còn trao quyền cho phụ nữ, giải quyết các thách thức môi trường như biến đổi khí hậu, giảm suy dinh dưỡng và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; Tăng cường các dịch vụ bảo trợ xã hội nhằm bảo đảm sinh kế cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng nặng, các doanh nghiệp siêu nhỏ và các hợp tác xã, đặc biệt là phụ nữ DTTS, người khuyết tật và trẻ em để không để ai bị bỏ lại phía sau”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.