Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bảo đảm an ninh lương thực vùng miền núi

Hoàng Quý - 23:07, 06/04/2020

Bảo đảm an ninh lương thực đóng vai trò quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo. Chính vì vậy, những năm qua, Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc bảo đảm lương thực cho người dân, nhờ đó đời sống người dân, đặc biệt là người dân vùng DTTS, miền núi ngày càng được bảo đảm, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị đất nước.

Từ một đất nước thiếu lương thực, hiện Việt Nam đã có được bình quân lương thực trên 525kg/đầu người.
Từ một đất nước thiếu lương thực, hiện Việt Nam đã có được bình quân lương thực trên 525kg/đầu người.

Xã Bằng Lang, huyện Quang Bình là vùng trồng lúa trọng điểm của tỉnh Hà Giang. Thời gian qua, xã đã tiến hành dồn điền đổi thửa, tập trung chủ yếu tại thôn Hạ và Hạ Thành để sản xuất lúa chất lượng cao, trong đó, ưu tiên những giống lúa chủ lực như Thiên ưu 8, PC15, HTK99. Để duy trì diện tích lúa, xã áp dụng chương trình mạ khay, máy cấy, đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, giúp nông dân giảm chi phí, giảm sức lao động. Nhờ đó, năng suất lúa đạt 60 tạ/ha.

Cùng với đó, đối với những vùng không chủ động được nguồn nước tưới, huyện Quang Bình khuyến khích người dân chuyển đổi sang trồng cây nông sản khác. Như xã Vĩ Thượng, thời gian qua, nhiều hộ dân đã chuyển đổi diện tích cấy lúa vụ Xuân không chủ động nguồn nước tưới sang trồng lạc.

Ông Lò Văn Biên (xã Vĩ Thượng) cho biết, gia đình có 7.000m2 đất ruộng nhưng do thiếu nước nên ông đã chuyển sang trồng lạc. Với năng suất bình quân đạt 25 tạ/ha, giá bán khoảng 13 - 15 nghìn đồng/kg lạc tươi, mỗi năm ông Biên thu về 30 - 40 triệu đồng, cao gấp 1,5 lần so với trồng lúa.

Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) huyện Quang Bình, để bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, huyện đã đổi mới nội dung, phương pháp và cơ chế hỗ trợ theo hình thức đầu tư có thu hồi, khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư vào sản xuất. Đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa như vùng chè ở các xã Tiên Nguyên, Xuân Minh, Tân Bắc; vùng cam ở Yên Hà, Hương Sơn, Tiên Yên; vùng lúa xã Vĩ Thượng, Bằng Lang, Xuân Giang… Với sự đột phá trong nông nghiệp của huyện, sản lượng lúa đạt trên 32.000 tấn/năm; ngô đạt hơn 9.000 tấn; chè đạt 12.000 tấn; cam đạt khoảng 13.000 tấn.

Được biết, giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Giang năm 2019 đạt trên 6.200 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt thu hoạch đạt trên 406.000 tấn, trong đó sản lượng lúa là trên 213.000 tấn, tăng 663 tấn so với năm 2018; sản lượng ngô là trên 190.000 tấn; giá trị thu hoạch trên/ha đất canh tác hằng năm đạt 45,42 triệu đồng.

Không chỉ Hà Giang, thời gian qua, tất cả các địa phương trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền núi đều tích cực thực hiện bảo đảm an ninh lương thực, tăng cường đầu tư vào nông nghiệp. Như Lạng Sơn, năm 2019, tổng sản lượng lương thực đạt 213.000 tấn, tăng 19.000 tấn so với năm 2009, an ninh lương thực trên địa bàn được bảo đảm. Tại Lào Cai, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 6.530 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,01%. Giá trị sản phẩm trên 1 đơn vị ha canh tác đạt 69 triệu đồng, tăng gấp 3,8 lần so với năm 2008 (18 triệu đồng). Sản xuất đã bảo đảm an ninh lương thực, ổn định cuộc sống cho Nhân dân; công tác xóa đói, giảm nghèo khu vực nông thôn tiếp tục được quan tâm.

Tuy nhiên, theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, vấn đề bảo đảm an ninh lương thực quốc gia cũng còn nhiều tồn tại, đó là vẫn còn tình trạng thiếu đói lương thực đến cấp hộ; chưa giải quyết được vấn đề suy dinh dưỡng và người béo phì; những vùng nghèo, vùng miền núi khó tiếp cận thực phẩm đa dạng. Vì vậy, trước thực trạng này, theo ông Thắng, cần thay đổi quan điểm an ninh lương thực, không chỉ tập trung vào tính sẵn có, khả năng tiếp cận, chi trả mà còn tập trung bảo đảm dinh dưỡng và tính an toàn thực phẩm.