Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử văn hóa học đường: Cần những giải pháp mang tính lâu dài

PV - 10:05, 31/07/2018

Sau rất nhiều những sự việc liên quan tới ứng xử thiếu chuẩn mực trong trường học của giáo viên, phụ huynh và học sinh, vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố bản Dự thảo Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” giai đoạn 2018-2025. Mục đích của bản dự thảo là xây dựng hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học từ trước thềm năm học 2018-2019.

học đường Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học đang được xây dựng và sẽ áp dụng ngay từ năm học 2018-2019. Ảnh: Minh Thu

Học đường hay võ đường?

Chưa bao giờ, dư luận xã hội và ngành Giáo dục lại đau đầu, bức xúc với những sự việc xảy ra liên tiếp trong thời gian qua liên quan đến đạo đức thầy và trò, lối ứng xử và hành xử giữa trò và trò ở một môi trường sư phạm đến vậy. Đầu năm học 2017-2018, tại Trường Tiểu học Diên Lãm, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, cô giáo Quàng Thị Hương, chủ nhiệm lớp 4A đã dùng thước kẻ đánh vào người 23 học sinh của lớp chỉ vì lý do làm bài thi không đạt yêu cầu. Trong 23 em bị đánh, một nam sinh bị nặng nhất với vết thương ở đầu, phải đưa tới bệnh viện thăm khám. Theo một số phụ huynh, cô Hương chủ nhiệm lớp 3 năm nay và đây không phải lần đầu đánh học sinh. Vì vậy, họ mong muốn cô không làm giáo viên chủ nhiệm nữa.

Cũng trong đầu năm học 2018-2019, Cô giáo T.T.L đã đánh học sinh Cứ Thị May, học sinh lớp 2A3, Trường Tiểu học Nậm Pồ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên chỉ vì May viết chữ không đẹp. Theo kết quả xác định thương tật của Bệnh viện Đa khoa Mường Nhé, em May bị tổn thương đa cơ, gân cẳng tay và đầu. Làm việc với Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Nậm Pồ, cô giáo T.T.L đã nhận khuyết điểm có đánh học sinh Cứ Thị May do quá bức xúc vì cháu viết chữ không đẹp, trong lớp không chú ý nghe giảng...

Năm học vừa qua, đã có hàng chục vụ nữ sinh đánh nhau được tung lên mạng internet. Hồi cuối năm 2017, tại một trường THCS trên địa bàn TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, 2 học sinh lớp 9 đã đánh 3 học sinh lớp 7 ngay tại lớp do mâu thuẫn cá nhân. 2 em học sinh lớp 9 sau đó đã bị kỷ luật với hình thức buộc thôi học có thời hạn.

Trước đó, đoạn clip có độ dài trên 1 phút được đăng tải lên mạng xã hội ghi lại cảnh một nữ sinh liên tục tát một nữ sinh khác trong lớp học. Theo thầy giáo Nguyễn Phước Beo, Quyền Hiệu trưởng Trường THPT Đại Ngãi, huyện Long Phú, Sóc Trăng, 2 nữ sinh trong clip là học trò lớp 10 của trường. Nguyên nhân dẫn đến sự việc này là do hai nữ sinh mâu thuẫn tình cảm…

Có thể nói, hiện nay, tình trạng học sinh nữ đánh nhau trong trường học không phải là chuyện lạ. Nhiều học sinh nữ ngoan nhưng vẫn bị bạn trong lớp xử lý vì những mâu thuẫn nhỏ. Không những vậy, hầu hết các trường hợp đều được quay clip và tung lên mạng kèm theo nhiều bình phẩm rất phản cảm, gây bức xúc trong dư luận.

Cần có giải pháp chấn chỉnh lâu dài, nghiêm khắc

Theo báo cáo sơ bộ của cơ quan Công an 63 tỉnh/thành phố, từ năm 2010 đến nay có 7.735 học sinh, sinh viên đánh nhau, bị xử lý kỷ luật. Theo kết quả khảo sát năm 2017 của Bộ GD&ĐT: có 8,6% học sinh và 20,3% sinh viên tự nhận mình thường xuyên nói tục, chửi bậy. Hàng loạt vụ việc đáng buồn xảy ra trong trường học như phụ huynh bắt cô giáo quỳ; học sinh đâm thầy giáo bị thương; cô giáo 3 tháng lên lớp không giảng bài; giáo viên phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau... đã khiến dư luận không khỏi e ngại.

Theo các nhà nghiên cứu và quản lý giáo dục: Để xảy ra “bạo lực học đường” là do một bộ phận thầy cô giáo chưa được trang bị, chuẩn bị đầy đủ nhận thức và tâm thế trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài xã hội. Giáo viên không được bồi dưỡng thường xuyên về phương pháp sư phạm, năng lực chuyên môn… nên có biểu hiện thiếu trách nhiệm, bạo lực, gây ra những hậu quả không đáng có. Mặt khác, “bạo lực học đường” diễn biến phức tạp do nhận thức của một số học sinh còn hạn chế; chịu ảnh hưởng của phim, ảnh, các tác động tiêu cực ngoài xã hội…

Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng, Phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT cho rằng: Ở Việt Nam, hầu hết các trường phổ thông đều đã tổ chức xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử. Tuy nhiên, Bộ quy tắc ứng xử trong các trường học hiện nay còn khá chung chung, một số còn mang tính hình thức. Do vậy hiệu quả không cao.

Tại một cuộc họp với nhóm nghiên cứu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Bộ Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học sẽ được ban hành trước năm học mới 2018-2019. Trước mắt, Bộ sẽ tập trung xây dựng ngay quy tắc ứng xử văn hoá trong trường học phổ thông, đảm bảo các yêu cầu: Khả thi, dễ thực hiện, dễ nhớ; quy định rõ những điều cần làm, không được làm; có chế tài cụ thể.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang triển khai 3 đề tài khoa học cấp Nhà nước về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, thông qua mối quan hệ nhà trường-gia đình-xã hội để giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa và đề xuất mô hình tư vấn tâm lý hiệu quả đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ Quy tắc ứng xử văn hoá trong trường học phổ thông phải được ban hành trước năm học mới 2018-2019 để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm học, kèm theo đó là các chế tài đủ mạnh. Đây sẽ là giải pháp quan trọng nhằm xây dựng văn hóa ứng xử trường học hiệu quả trong thời gian tới”. (Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ)

MINH THU