Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Xa dần những con thuyền độc mộc trên sông

Minh Ngọc – Diệu Hằng - 17:41, 10/05/2021

Những bậc cao niên ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn tiếc nhớ một thời huy hoàng của những chiếc thuyền độc mộc xuôi ngược trên sông Đăk Bla, Pô Kô và Sê San. Mỗi buổi chiều về, trên những khoang thuyền luôn đầy ắp sản vật cá, tôm mà thiên nhiên ban tặng.

Chèo thuyền độc mộc trên sông
Chèo thuyền độc mộc trên sông

Nghệ nhân kể chuyện làm thuyền

Làng Lung Leng, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy (Kon Tum) như một “ốc đảo” nhỏ giữa lòng hồ thủy điện Plei Krông. Ở đây, ngoài làm mì (sắn), trồng cây công nghiệp, sáng nào đàn ông trong làng cũng chèo thuyền độc mộc đi đánh bắt cá.

Già A Hyơh ở làng Lung Leng vẫn nhớ một thời, người dân nơi đây coi thuyền độc mộc là phương tiện chính trong giao thương, đi lại trên dòng sông Sê San. Với những người làng xưa kia, thuyền độc mộc là một phần tài sản như con trâu, chiếc ghè, bộ chiêng vậy.

Già A Hyơh nhớ lại, chiếc thuyền độc mộc cuối cùng ông làm gần đây nhất cũng đã hai, ba năm. “Hôm đó, có người làng bên qua nhờ mình làm chiếc thuyền độc mộc để xuôi dòng Pô Kô đánh con cá”, già A Hyơh nói. Qua bao mùa rẫy, đôi chân của già A Hyơh đã chậm, cái lưng đã bắt đầu mỏi nhưng ông vẫn miệt mài vác rìu lên rừng tìm cây gỗ pô mao mang về để hì hục đục đẽo mất hàng chục ngày mới xong chiếc thuyền.

Để làm ra chiếc thuyền độc mộc cũng rất công phu, từ việc chọn cây, ra kích thước, làm mũi thuyền và đuôi thuyền, khoét lòng thuyền, làm thân thuyền, đáy thuyền, cân chỉnh thuyền, làm mái chèo thuyền. Cây pô ma và bằng lăng là 2 loại cây gỗ làm thuyền bền nhất, gỗ không bị nứt, rất nhẹ, thả xuống nước sẽ không bị chìm. Một chiếc thuyền độc mộc có tuổi thọ từ 5-10 năm, có chiếc “thọ” đến 20-30 năm.

Đẽo thuyền độc mộc là công việc rất vất vả.
Đẽo thuyền độc mộc là công việc cần sự tỉ mẩn, khéo léo và công phu.

Cây gỗ dùng để đẽo thuyền độc mộc phải thân to, cây không bị bọng, gỗ mềm dễ đẽo khi tươi và khi gỗ khô thì nhẹ, không cong vênh lúc phơi nắng cũng như lúc ngâm dưới nước. Phần đáy thuyền thường được đẽo bằng, láng mặt, có độ dày từ 5cm trở lên. Đáy thuyền nhỏ, bằng sẽ tạo sự cân đối cho thuyền khi vận chuyển, giúp người chèo thuyền thuận lợi khi sử dụng.

Sau khi đẽo xong, chiếc thuyền được lật úp và dùng sức nóng của lửa làm mịn máng thuyền. Thớ gỗ đẽo ra từ thân cây phải được dùng để nấu nồi cơm tỏ lòng thành với Yàng.

Già A Hyơh giải thích, rừng núi muôn vật đều có Yàng (thần linh). Rừng là nơi Yàng núi ngự trị, Yàng cây sinh sống, Yàng sông sinh ra. Bởi thế, để có gỗ đẽo thuyền độc mộc, phải sắm lễ vật cúng Yàng. Một chiếc thuyền độc mộc làm ra cũng phải qua nhiều nghi lễ khác nhau như lễ cúng xin chặt cây, lễ cúng đưa cây về làng, cúng hạ thuyền...

Huyền thoại trên những dòng sông

Ở xã Sa Bình này chỉ có thôn Lung Leng là còn có thuyền độc mộc. Thanh niên trong làng ai cũng biết đẽo thuyền, nhưng phần chỉnh thăng bằng, làm mũi và đuôi thuyền chỉ có vài người biết làm, trong đó tài nghệ nhất là già A Hyơh và nghệ nhân A Nhơ.

Chỉ tay về phía những chiếc thuyền độc mộc nằm dưới bến sông, già A Hyơh nói với chúng tôi: “Bây giờ dân làng nơi đây chỉ còn ít gia đình dùng thuyền để đi đánh bắt cá trên sông. Chỉ dùng thuyền trong những cuộc thi, lễ hội, trong dịp đua thuyền mùa Ningnơng thôi!”

Những chiếc thuyền độc mộc nằm bên sông đã in dấu thời gian.
Những chiếc thuyền độc mộc nằm bên sông đã in dấu thời gian.

Việc đua thuyền trên các sông Đăk Bla, Kon Brãi, Pô Kô, Sê San có từ rất lâu, ban đầu là những cuộc đua tự phát giữa những thanh niên với nhau khi chèo thuyền qua sông để đến rẫy. Sau phát triển lên thành những cuộc đua thuyền giữa thanh niên làng này với làng kia trong mùa lễ hội. Đây là cơ sở để hình thành nên giải đua thuyền độc mộc truyền thống tỉnh Kon Tum vào dịp đầu xuân mới. Xưa kia, việc chèo thuyền giỏi, đánh bắt cá giỏi của các chàng trai làng là một trong những tiêu chí để các cô gái lựa chọn làm đức lang quân. Vì vậy, việc trở thành tay chèo giỏi, một vận động viên đua thuyền giỏi luôn là mục tiêu phấn đấu của mỗi trai làng.

Qua thời gian, số lượng thuyền độc mộc ở các buôn làng giảm dần do hư hỏng trong quá trình sử dụng. Bên cạnh đó, khi những cây cầu đã giúp người dân trong vùng dễ dàng qua sông, qua suối và những con đường trải bê tông phẳng lì đã giúp cho đôi chân của bà con mang về những sản phẩm lao động sản xuất được dễ dàng hơn…Vì thế, thuyền độc mộc cũng vắng bóng dần trên bến bờ và những dòng sông.