Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Vùng cao Điện Biên khởi sắc từ Chương trình MTQG 1719

Mạnh Cường - 06:39, 25/03/2024

Những năm gần đây, nhờ triển khai quyết liệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719), diện mạo nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS có bước phát triển, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Người dân xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) được hướng dẫn trồng dong riềng phát triển sản xuất, xóa đói nghèo.
Người dân xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) được hướng dẫn trồng dong riềng phát triển sản xuất, xóa đói nghèo.

Áo mới vùng cao

Thực hiện Chương trình MTQG 1719, trong năm 2023, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé đã tích cực giải ngân nguồn vốn. Với Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”, chính quyền xã đã đầu tư gần 840 triệu đồng hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 84 hộ gia đình thiếu đất sản xuất mua máy móc nông cụ.

Triển khai Dự án 3, Chương trình MTQG 1719, xã Chung Chải đã triển khai mô hình trồng quế cho 22 hộ dân với tổng diện tích 36,96ha. Hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi lợn cho 19 hộ gia đình ở bản Nậm Vì (tổng kinh phí 1 tỷ đồng); 1 tỷ đồng đầu tư cho mô hình trồng khoai tây tại các bản Đoàn Kết, Xi Ma, Nậm Khum; hỗ trợ 1 tỷ đồng triển khai mô hình trồng lúa trên địa bàn toàn xã.

Theo chia sẻ của ông Hù Chà Thái, Người có uy tín của bản Nậm Sin, xã Chung Chải: Được Nhà nước hỗ trợ về cơ sở vật chất, hỗ trợ phát triển sản xuất, đời sống của đồng bào đã có bước phát triển. Người dân được tập huấn nâng cao năng lực sản xuất, tiếp thu khoa học - kỹ thuật, từng bước ổn định sản xuất, mỗi năm trồng được hai vụ lúa nước và đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đặc biệt, năm 2022, tuyến đường từ trung tâm xã Chung Chải vào bản Nậm Sin dài trên 9,3km đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân phát triển kinh tế.

Cán bộ huyện Mường Nhé đi kiểm tra, giám sát các mô hình chăn nuôi tại xã Nậm Vì
Cán bộ huyện Mường Nhé đi kiểm tra, giám sát các mô hình chăn nuôi tại xã Nậm Vì

Tại huyện Nậm Pồ, từ việc thực hiện có hiệu quả và vận dụng linh hoạt những nội dung đầu tư trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, đời sống đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện đã có bước phát triển. Đến hết năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm toàn huyện còn 44,45% (giảm 3% so năm 2022).

Như ở xã Nà Hỳ, nhờ thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719, đời sống Nhân dân ngày càng ổn định. Ông Nguyễn Phú Thiết, Chủ tịch UBND xã Nà Hỳ chia sẻ: Với nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG 1719, kết cấu hạ tầng được đầu tư, xây dựng đã góp phần tạo diện mạo mới cho địa phương. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con trên địa bàn xã đã được cải thiện, trình độ dân trí ngày càng nâng cao. Hiện nay, tỉ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 37,5%, thu nhập bình quân đạt 31 triệu đồng/người/năm...

Đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế

Tại huyện Mường Chà, từ nguồn vốn thuộc Dự án 3, Chương trình MTQG 1719, tháng 5/2023, một số hộ đồng bào DTTS ở bản Púng Giắt 1, xã Mường Mươn đã liên kết với Hợp tác xã (HTX) trồng cây bí xanh. Đến nay, mô hình liên kết trồng bí xanh đã cho 10 đợt thu hoạch. Mỗi đợt cho sản lượng từ 5 - 6 tấn, doanh thu đạt khoảng 200 triệu đồng/ha/năm.

Mô hình trồng bí xanh đã góp phần nâng cao đời sống đồng bào DTTS ở huyện Mường Chà
Mô hình trồng bí xanh đã góp phần nâng cao đời sống đồng bào DTTS ở huyện Mường Chà

Được biết, mô hình liên kết trồng bí xanh sạch ở bản Púng Giắt 1, xã Mường Mươn là một trong 72 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, đang được huyện Mường Chà triển khai từ nguồn vốn của Dự án 3, Chương trình MTQG 1719. Hiện nay, huyện Mường Chà đang hướng dẫn đồng bào các DTTS triển khai các Dự án trồng cây Sa nhân tím tại 11 xã, trên diện tích khoảng 350ha; Dự án trồng cây quế tại 7 xã trên diện tích khoảng 210ha và 17 dự án hỗ trợ về chăn nuôi hươu sinh sản.

Ông Vũ Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết: Qua 3 năm thực hiện Chương trình MTQG, huyện Mường Chà rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc là phải thực sự phát huy được vai trò chủ thể của người dân. Người dân được đề xuất nguyện vọng Nhà nước hỗ trợ trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả, liên kết với doanh nghiệp, HTX nào, tỷ lệ phân chia lợi nhuận sau liên kết... Đó chính là yếu tố quyết định thành công của quá trình đưa Chương trình MTQG 1719 vào thực tiễn đời sống và sản xuất.

Đồng bào DTTS ở huyện Mường Chà trồng dứa gối vụ
Đồng bào DTTS ở huyện Mường Chà trồng dứa gối vụ

Có thể nói, trong thực hiện Chương trình MTQG 1719, cùng sự vào cuộc có trách nhiệm của các cấp chính quyền, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo tại tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2023 đã giảm 4,55% (đạt và vượt mục tiêu đề ra). Những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Với quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong thực hiện các chương trình MTQG năm 2024, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG do UBND tỉnh Điện Biên tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến đề nghị các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện. Các ngành chức năng khẩn trương tham mưu UBND tỉnh cụ thể hóa Nghị quyết số 111/2024/QH15 và văn bản số 796/UBND-KTN về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các cơ chế đặc thù thực hiện các chương trình MTQG. UBNBD tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại, tham mưu UBND tỉnh ban hành định mức kinh tế kỹ thuật các dự án hỗ trợ sản xuất trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật.