Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

“Vua” thảo quả ở Tây Côn Lĩnh

PV - 09:21, 22/05/2019

Nằm sâu trong cánh rừng già Tây Côn Lĩnh, địa bàn hiểm trở, cuộc sống của nhiều hộ đồng bào DTTS vẫn còn vất vả, khó khăn. Thế nhưng, cũng từ vùng đất gian khó này, có một người đàn ông quyết không cam chịu số phận. Từ đôi bàn tay trắng, ông đã vươn lên trở thành tỷ phú vùng cao. Ông là Đặng Văn Minh, dân tộc Dao, bản Lùng Tám, xã Cao Bồ , huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Hành trình đưa thảo quả xuống núi

Từ thị trấn Vị Xuyên đến bản Lùng Tám, xã Cao Bồ chỉ hơn 20km nhưng chúng tôi phải đi ngót 2 tiếng đồng hồ. Đường càng vào sâu càng heo hút, nhiều đoạn đá lở, lũ trôi sạt đường, mất cầu. Anh Lý Văn Dồn, cán bộ xã đi cùng với tôi bảo, ở địa phương của anh hiện vẫn còn 2 bản chưa có điện, đường vào chỉ có đá và đất. Nhiều người dân nhìn thấy tiền triệu đã hiếm, trăm triệu thì chưa thấy bao giờ. Ấy vậy mà, nhà ông Đăng Văn Minh, có năm thu được cả tỷ. Bởi vậy, ông là một tấm gương cho người dân quanh vùng học tập.

Tỷ phú Đặng Văn Minh còn là người luôn có ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc. Tỷ phú Đặng Văn Minh còn là người luôn có ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nghe cán bộ Dồn nói vậy, tôi cứ tưởng tượng ông Minh phải là một người bệ vệ, cao sang lắm. Thế nhưng, gặp ông tôi hoàn toàn bất ngờ. Bởi người đàn ông Dao trạc ngoại lục tuần ấy rất giản dị, chân chất như bao người nơi đây.

Ông Minh tâm sự, tuổi thơ của ông vốn chỉ quanh quẩn bên những mỏm núi Tây Côn Lĩnh, quanh năm sương phủ mờ mờ, ảo ảo. Những người trạc tuổi ông hầu như chỉ học hết lớp vỡ lòng, biết mặt chữ rồi nghỉ cả. Thế nhưng, cậu bé Đặng Văn Minh lì lợm khi ấy, học xong lớp vỡ lòng mạnh dạn theo thầy xuống núi học tiếp. Cậu bé mới 8, 9 tuổi đầu nhưng phải băng rừng đi bộ hơn 1 ngày mới ra được thành phố. Ở đây, ông quyết tâm học thêm 6 năm nữa lên đến lớp 6/10.

Trở lại địa phương, Đặng Văn Minh chẳng còn con đường nào khác là nối gót cha ông sống dựa vào rừng. Thế nhưng, đến những năm cuối của thế kỷ XX, Nhà nước đã ra quyết sách cấm việc khai thác rừng. Cũng như nhiều người dân trong bản, ông Minh loay hoay chưa biết làm gì.

Không chấp nhận đầu hàng số phận. Sau những tháng ngày rong ruổi tìm sinh kế, ông quyết định rời gia đình xuống trung tâm huyện gặp chính quyền bày tỏ nguyện vọng. Được sự hướng dẫn của cán bộ, ông lặn lội đến các xí nghiệp chế biến thảo dược rồi vận động họ vào mua thảo quả.

Tìm được đầu ra ổn định, vào năm 1997, ông Minh về địa phương vận động bà con nhân rộng mô hình làm thảo quả. Chưa ai làm thì mình đi tiên phong. Năm ấy, ông gieo gần 5ha thảo quả. Người trong bản tưởng ông khùng khi ngày nào cũng vào sâu trong rừng Tây Côn Lĩnh, hì hụi tìm những vạt rừng già ẩm thấp gieo thảo quả. Thứ mà người dân chỉ cần vài cây là cả nhà có thể dùng quanh năm chữa bệnh.

Thế nhưng một năm sau, người dân nơi đây ngạc nhiên khi hàng chục xe ô tô tải nườm nượp kéo vào bản thu mua toàn bộ thảo quả của gia đình ông Minh. Năm ấy trừ chi phí, ông thu mua được gần 10 cây vàng. Một số tiền người dân vùng sâu chưa thấy bao giờ.

Từ khoảng 5ha ban đầu, đến nay, gia đình ông Đặng Văn Minh đã nhân rộng mô hình lên tới 15ha. Mỗi năm ông thu nhập từ 500-800 triệu đồng, có năm lên tới hơn 1 tỷ đồng.

Cho đi là còn mãi

Không chỉ giữ “bí quyết” làm giàu cho riêng mình. Khi đã trở thành tỷ phú vùng cao, ông Đặng Văn Minh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, thậm chí cả vốn cho nhiều hộ dân quanh vùng.

Ông Minh cho biết, khi đã có chút “vốn liếng” làm ăn, ông được người dân xã Cao Bồ tín nhiệm bầu làm Chủ tich Hội Nông dân xã. Với vai trò này, ông đã đến từng bản làng hướng dẫn kỹ thuật trồng thảo quả cho người dân. Ông Minh cho biết, loại cây này không quá khó trồng chủ yếu là phải biết chọn giống và lựa khí hậu mát mẻ. Trồng dưới tán rừng Tây Côn Lĩnh là thích hợp nhất. Hơn 20 năm ông Minh đi vận động, nay người dân cả 7 thôn trong xã Cao Bồ đã trồng tới 630ha thảo quả. Trong đó, thôn Lùng Tao là nhiều nhất lên tới gần 100ha.

Bản Lùng Tám dưới chân đèo Tây Côn Lĩnh. Bản Lùng Tám dưới chân đèo Tây Côn Lĩnh.

Không chỉ hỗ trợ về kinh nghiệm, bản thân ông sẵn sàng xuất vốn cho hàng chục hộ vay tiền không lãi suất cũng không cần đáo hạn. Trong đó, ông cho Tráng A Phốt vay 30 triệu đồng, Đặng Văn Tiến, Tráng A Tiến mỗi hộ vay 40 triệu đồng. Nhờ số vốn này mà cả 3 gia đình bản Lùng Tám đã thoát nghèo vươn lên phát triển kinh tế.

Từ công việc trồng thảo quả của mình, ông đã tạo công ăn việc làm cho gần 100 lao động ở Cao Bồ, thậm chí cả người dân ở các xã lân cận như xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên, Tùng Sán (huyện Hoàng Su Phì), thậm chí nhiều người tận huyện Bắc Mê cũng lên làm việc.

Không chỉ tích cực trong việc phát triển kinh tế, giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Bản thân ông Đặng Văn Minh cũng tích cực trong việc hiến đất làm đường đóng góp hàng chục triệu đồng trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Ông cũng lặn lội đi mua các loại trống nêm, thanh la của người Dao khắp nơi để ở nhà mình góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc.

Nhận xét về ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Cao Bồ, Lý Quốc Hưng cho biết, ông Minh thật sự là một tấm gương sáng không chỉ trong phát triển kinh tế. Không chỉ ở phạm vi của xã, mà trong các hội nghị, hội thảo của huyện, của tỉnh và Trung ương ông thường xuyên tham gia như truyền nhiệt huyết cho đồng bào các DTTS không chấp nhận đói nghèo, vươn lên phát triển kinh tế. Người dân nơi đây luôn coi ông là điểm tựa của bản làng trong gìn giữ an ninh trật tự, văn hóa truyền thống.

Với những đóng góp của mình, ông Đặng Văn Minh đã đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh 5 năm liền (2007-2012). Năm 2013, ông được Trung ương Hội Nông dân tặng danh hiệu Nông dân xuất sắc năm 2013. Năm 2017, Hội Nông dân tiếp tục chứng nhận là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2012-2016. Ngoài ra, ông được Trung tâm giáo dục truyền thống lịch sử Việt Nam vinh danh “nông dân ba giỏi”, cùng nhiều bằng khen cấp huyện, cấp tỉnh.

HIẾU ANH